Siêu thị Metro lấy cá tầm đâu ra để bán?

author 15:55 10/07/2013

(VietQ.vn) - Nguồn cung cá tầm trong nước được quản lý chặt chẽ và không nhiều trong khi đó hệ thống siêu thị Metro lại bán ra một số lượng lớn, vậy hàng ở đâu ra?

Đó là nghi vấn mà các doanh nghiệp cá tầm trong nước đặt ra đối với cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng khi các siêu thị thuộc hệ thống Metro ở Việt Nam bán ra một lượng lớn cá tầm.

Cá tầm Trung Quốc nhập lậu bị "rửa" thành cá tầm Việt Nam. Ảnh minh họa
Cá tầm Trung Quốc nhập lậu bị "rửa" thành cá tầm Việt Nam. Ảnh minh họa

Trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam, ông Lê Anh Đức – Tổng giám đốc Công ty CP Cá Tầm Việt Nam, ông và các nhân viên của mình đã khảo sát và theo dõi các vùng có thể nuôi được cá tầm ở Việt Nam. Nhưng ai có trang trại, số lượng như thế nào, những ai đã nuôi được và thành công ra sao, những người nào đã từng “vỡ nợ” về cá tầm… đều được nắm rõ.

“Nguồn cung cá tầm trong nước được giám sát chặt, nhất là miền Bắc hàng không có nhiều. Các doanh nghiệp Việt Nam có hàng nhưng siêu thị không mua trong khi đó lại bán ra cho người tiêu dùng một lượng lớn cá tầm. Chỉ một số trang trại nuôi cá tầm ở miền Bắc có cá thương phẩm nhưng số lượng rất ít. Các chủ trang trại đó thường chỉ “đủ dùng” cho hệ thống nhà hàng của mình, chắc chắn không có hàng bán ra”, ông Lê Anh Đức nói.

Cũng theo ông Đức, nếu phía Metro đưa ra được đầy đủ giấy tờ, bán hàng trăm tấn cá tầm và đều được xuất từ các trang trại như Metro nói thì cần cơ quan giám sát như quản lý thị trường, hải quan, thuế vào cuộc xử lý.

Khi siêu thị Metro nói có đủ giấy tờ mua bán với các nhà cung cấp thì các doanh nghiệp cung cấp hàng phải chứng minh được nguồn gốc con giống, mua thức ăn như thế nào, chứng minh được với cơ quan thuế, giấy tờ tài chính, hải quan về nguồn hàng đã gom hoặc đã nuôi ở đâu. Có thể Metro không buôn lậu nhưng nhà cung cấp hàng cho Metro có thể đã qua mặt họ.

Còn theo thông tin từ Hiệp hội Cá nước lạnh Việt Nam, cá tầm khi được nhập khẩu, chỉ có 3 – 4 doanh nghiệp được phép. Các doanh nghiệp này cũng đều khẳng định đều không bán hàng cho siêu thị Metro.

Trả lời trên báo giới mới đây, ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức, khẳng định: “Tôi là người sản xuất và cung cấp giống duy nhất ở miền Bắc và tôi biết tôi bán cá cho ai”.

Ông Cử cho biết, ông đã cùng với một chuyên gia người Đức, ngồi quan sát 15 phút bể cá tầm của siêu thị Metro. Chúng tôi khẳng định rằng đó là cá tầm Trung Quốc. Vì cá tầm Trung Quốc là cá tầm lai, hình thể dễ nhận dạng do có vết xây xước. Cá tầm lậu phải đi một chặng đường rất dài.

Ông Cử cho hay, trước lúc đầu tư mạnh vào cá tầm, ông đã cùng đi theo một tay có thâm niên buôn lậu hàng chục năm để tìm hiểu về cung đường cá tầm lậu. Theo ông, họ đi hơn 2.500 km đến Phúc Kiến (Trung Quốc) để lấy cá và đi ngần đó về khu vực Móng Cái. Khi hàng về ở gần cửa khẩu, sẽ được chuyển qua sông, rồi từ Móng Cái về Hà Nội gần 400 km nữa, nên cá bị xây xước là điều dễ hiểu. “Và Metro khó mà chứng minh được xuất xứ”, ông Cử nói.

Trả lời trên báo Tiền Phong mới đây, ông Trần Cao Mưu - Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, chúng ta có đủ lực lượng như quản lý thị tường, công an, hải quan, thuế... để làm rõ chuyện “rửa” cá tầm lậu. Vấn đề là họ làm trách nhiệm đến đâu. “Không chỉ cá tầm, nhiều nông, thủy sản khác của Trung Quốc đang phá thị trường Việt Nam một cách có chủ đích”, ông Mưu nói.

Nguyễn Nam

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang