Lực lượng Quản lý Thị trường xử phạt siêu thị Thành Đô sau phản ánh của VietQ

author 14:26 15/12/2020

(VietQ.vn) - Sau những phản ánh của Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) về việc siêu thị Thành Đô có dấu hiệu vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra và xử lý.

Cụ thể, Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) đã đăng tải loạt bài viết về việc: Hệ thống siêu thị Thành Đô bán hàng không có tem hợp quy, không có nhãn phụ tiếng Việt, hàng không rõ nguồn gốc. Sau khi thu thập thông tin, PV đã phản ánh sự việc trên với cơ quan chức năng, trực tiếp là Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.Hà Nội. 

Ngày 10/11/2020, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 12 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh đối với Siêu thị Thành Đô tại địa chỉ số 352 Giải Phóng, Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Siêu thị Thành Đô kinh doanh hàng nhập lậu

 Siêu thị Thành Đô kinh doanh hàng nhập lậu.

Theo Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 12 tại thời điểm kiểm tra, Siêu thị Thành Đô thuộc Công ty cổ phần Trường Hà, Đoàn kiểm tra phát hiện công ty đang bày bán một số hàng hóa là quần áo do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng mình nguồn gốc hợp pháp, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không gắn dấu hợp quy theo quy định. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vĩ phạm nêu trên.

Đội QLTT số 12 đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền 10.000.000 đồng đối với Công ty cổ phần Trường Hà về hành vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu và tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên.

Như Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) đã đưa tin, nhiều khách mua sản phẩm may mặc tại siêu thị Thành Đô cho biết sản phẩm thiếu tem nhãn. PV cũng tiến hành ghi nhận thực tế tại siêu thị Thành Đô trên đường Giải Phóng ngay sát trụ sở Công ty Trường Hà. Tại cơ sở này, nhiều sản phẩm may mặc không chỉ cho người lớn mà cả trẻ em (đối tượng cần được bảo vệ nhất) không có tem hợp quy (CR).

Theo quy định tại Thông tư số 07/2018/TT-BCT về việc sửa đổi Thông tư số 21/2017/TT-BCT, do Bộ Công Thương ban hành, bắt đầu từ ngày 01/01/2019, các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được kiểm tra và dán nhãn chứng nhận hợp quy, chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang