Smart City: Triển vọng mới trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống

author 07:00 23/02/2017

(VietQ.vn) - Smart city - thành phố thông minh đang là xu hướng công nghệ mới được thử nghiệm trên toàn cầu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Từ năm 2013 đến nay, trên toàn thế giới đã triển khai khoảng 30 thành phố được chứng nhận đạt chuẩn là thành phố thông minh. Dự kiến đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên gấp 4 lần.

Tại Việt Nam, giải pháp “thành phố thông minh” hiện mới được đề xuất thử nghiệm tại một số thành phố như: Đà Nẵng, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đà Lạt… với các dịch vụ thông minh xoay quanh đối tượng trọng tâm là con người. Khung giải pháp dựa trên hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin - dịch vụ thông minh - trung tâm vận hành.

 Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Ở lĩnh vực chính quyền số sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho một chính quyền điện tử như dịch vụ công, văn phòng điện tử, quản lý doanh nghiệp, dân cư, lưu trú, quản lý đầu tư công, quản lý đất đai; bên cạnh đó cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch, văn hóa như các ứng dụng du lịch, cổng thông tin du lịch, các phương thức thanh toán tiện lợi không dùng tiền mặt. Với lĩnh vực an toàn an ninh thành phố sẽ xây dựng các giải pháp giúp cho việc đảm bảo an toàn công cộng và việc thực thi pháp luật như camera giám sát (CCTV), phát hiện các tình huống khẩn cấp, phòng chống cướp giật, phiên xét xử...

Ở lĩnh vực y tế, an sinh xã hội sẽ triển khai các giải pháp như quản lý bệnh viện, số hóa bệnh án, hỗ trợ thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đến quản lý tệ nạn, vô gia cư, bảo hiểm xã hội (BHXH). Đối với lĩnh vực giáo dục sẽ đưa ra các giải pháp đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong môi trường thông minh như học từ xa, quản lý nhà trường, học sinh, hỗ trợ các thiết bị thông minh, giúp phụ huynh theo dõi con cái...

Để đảm bảo phát triển thành phố bền vững, theo mô hình tiêu chuẩn sẽ chú trọng vào các giải pháp đảm bảo vận hành hạ tầng thành phố hiệu quả, giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời có kế hoạch sử dụng tài nguyên hợp lý. Chẳng hạn như đối với giao thông là các giải pháp quản lý xe, thu phí, đậu xe, biển báo...; đối với năng lượng và nước sạch thì quản lý lưới điện, phân tích tiêu dùng nước và điện; đối với tòa nhà, chúng ta có tòa nhà thông minh, với nhà ở của cư dân thì chúng ta có nhà thông minh.

Mặc dù công nghệ thông minh, phương tiện thông minh, dịch vụ thông minh, hệ thống thông minh… rất quan trọng, nhưng để có thể kết nối tất cả các thành tố trên thành một hệ thống chỉnh thể, vận hành nhịp nhàng, phối hợp hiệu quả thì cần phải có tiêu chuẩn.

 Mô hình kết nối tiêu chuẩn trong thành phố thông minh. Nguồn: Internet. 

Tiêu chuẩn kỹ thuật giúp tạo ra sự kết nối giữa các bộ phận; tiêu chuẩn về dữ liệu sẽ giúp đảm bảo một khuôn mẫu dữ liệu chuẩn, thống nhất áp dụng cho mọi mức độ, nhu cầu khai thác khác nhau, đảm bảo tính bảo mật thông tin truy cập và khai thác; tiêu chuẩn quản lý tạo ra một khuôn khổ giao tiếp chung, các thành tố khác nhau đều có một định dạng kết nối chung. Tất cả những điều này rất có ý nghĩa cho các nhà cung cấp dịch vụ, nhà vận hành và người khai thác để có một ngôn ngữ chung, một cách tiếp cận thống nhất trong triển khai áp dụng, kiểm tra, đánh giá, giao dịch, quản lý chất lượng, liên kết phối hợp, chia sẻ khai thác. Nếu thiếu tiêu chuẩn, thì thành phố thông minh sẽ chỉ là những mảng sáng rời rạc, không có tính liên kết, không có tính tổng thể và tất nhiên là sẽ không thể phát huy hiệu quả cao nhất của một đô thị hiện đại.

Nhận thức được điều này, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu như ISO, IEC, ITU, CEN-CENCELEC… đã rất tích cực nghiên cứu, triển khai dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về thành phố thông minh, trong lĩnh vực tiêu chuẩn chuyên ngành của họ.

Tháng 6/2015, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã thành lập Nhóm Tham vấn Chiến lược (SAG) trực thuộc Ban Quản lý Kỹ thuật (TMB) xây dựng chiến lượng, định hướng phát triển tiêu chuẩn quốc tế ISO về Smart City. Nội dung các tiêu chuẩn này tập trung vào việc định hình và phát triển bền vững cộng đồng, đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống và dịch vụ cung cấp cho cộng đồng.

Trong thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) rất quan tâm và chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về thành phố thông minh, tập trung xây dựng TCVN trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC, ITU… đồng thời cử chuyên gia tham gia sâu vào hoạt động kỹ thuật vào ISO/TC 268, TC 268/SC1, thúc đẩy tuyên truyền phổ biến áp dụng tiêu chuẩn về thành phố thông minh tại Việt Nam, tăng cường liên kết với địa phương nhằm tìm hiểu mong muốn, nguyện vọng và khó khăn thực tiễn đang gặp phải, để có những đề xuất giải pháp hợp lý hỗ trợ địa phương về công tác tiêu chuẩn hóa.

Ở một diễn biến khác, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM1) tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) bắt đầu từ ngày 18 /2/2017 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (đại diện cho đoàn Việt Nam với tư cách Chủ tịch SCSC năm 2017) đã đưa ra Sáng kiến về “Chia sẻ thực hành tốt nhất về việc áp dụng tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp đối với Đô thị thông minh trong khu vực APEC”. Sáng kiến này tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm thực tế, thực hành tốt và trao đổi thông tin về hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp nhằm phục vụ phát triển mô hình đô thị thông minh trong khu vực.

Với nỗ lực của mình, Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều những hoạt động để nâng cấp các thành phố trong nước trở thành thành phố thông minh, nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội như là tắc đường, ô nhiễm môi trường, và bảo tồn năng lượng.

Vai trò của tiêu chuẩn hóa trong phát triển thành phố thông minh(VietQ.vn) - Thành phố thông minh được hiểu là sự hội tụ của các yếu tố: cơ sở hạ tầng hiệu quả, môi trường sống thân thiện và phá triển KT-XH bền vững.

Trí Dũng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang