Sơ cứu khẩn cấp cho người bị chấn thương sọ não

author 17:27 17/10/2015

(VietQ.vn) - Đặt bệnh nhân nằm ở nơi thoáng khí theo tư thế chống sốc, nếu không có chảy máu đầu cổ, không bị nhồi máu cơ tim thì đầu kê thấp, kê chân cao khoảng 20 cm. Bệnh nhân có thể được ủ ấm bằng áo hoặc chăn.

Sự kiện: Mẹo vặt gia đình

Chấn thương sọ não gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm, vì vậy nạn nhân cần được can thiệp cấp cứu kịp thời. Chấn thương sọ não có thể để lại các di chứng lâu dài như đau đầu, có giật, giảm trí nhớ, rối loạn tiếng nói, run tay... Những biến chứng cũng như di chứng sau chấn thương sọ não rất nặng nề, do đó mỗi người nên biết cách sơ cứu chấn thương sọ não kịp thời để hạn chế thấp nhất những hậu quả xấu có thể xảy ra.

Tùy vào mức độ và vị trí va đập, nạn nhân chấn thương sọ não có thể bị các tổn thương hở như vỡ sọ, vết thương xuyên thấu hoặc các tổn thương kín như dập não, xuất huyết nội sọ hoặc tổn thương lan tỏa. Các trường hợp máu tụ nội sọ có thể gây tụ máu màng cứng và máu tụ trong não. Bệnh nhân cũng có thể phù não, tụt não, nhiễm trùng não, co giật.

Cách sơ cứu cho người bị chấn thương sọ não

Sơ cứu chấn thương sọ não

Cần biết cách sơ cứu chấn thương sọ não kịp thời để hạn chế thấp nhất những hậu quả xấu có thể xảy ra

Theo VnExpress, các bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương khuyến cáo rằng, khi phát hiện người gặp nạn bị va đập đầu, điều đầu tiên là thông báo ngay cho mọi người xung quanh trợ giúp. Không nên vội vàng di chuyển nạn nhân. Khi di chuyển phải thực hiện đúng các phương pháp mang vác, khiêng cáng. Đặc biệt thận trọng với những nạn nhân đang nghi ngờ bị tổn thương cột sống.

Đặt bệnh nhân nằm ở nơi thoáng khí theo tư thế chống sốc, nếu không có chảy máu đầu cổ, không bị nhồi máu cơ tim thì đầu kê thấp, kê chân cao khoảng 20 cm. Bệnh nhân có thể được ủ ấm bằng áo hoặc chăn. Tập trung sơ cứu những tổn thương nghiêm trọng nhất, cần ưu tiên hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

Nếu gặp một nạn nhân bị chấn thương vào đầu, có chảy máu nhiều ở vết thương da đầu, cần tìm cách băng cầm máu ngay. Các cách băng tùy thuộc vào nơi chảy máu. Gọi xe cấp cứu sau khi sơ cứu, ghi nhận tình trạng tri giác của nạn nhân lúc tiếp cận để báo lại cho nhân viên y tế. Đây là dữ kiện rất quan trọng cho việc chẩn đoán và điều trị nạn nhân. Nếu không thể gọi cấp cứu, những người có mặt phải lập tức tìm mọi cách để đưa nạn nhân đến bệnh viện.

Với những bệnh nhân bị vỡ, móp hộp sọ, cần xử trí tình trạng ngưng tim ngưng thở trước. Trong khi sơ cứu, đặt nạn nhân nằm nghiêng cho lưỡi hạ xuống thấp, để đờm dãi và máu chảy ra ngoài dọc theo lưỡi nhằm tránh gây tắc nghẽn đường hô hấp. Sau khi xử trí cấp cứu ban đầu, cần tìm phương tiện đưa nạn nhân đến trung tâm y tế hay bệnh viện gần nhất. Trong khi vận chuyển cần phải giữ thẳng cột sống cho đến khi nạn nhân được chuyển đến trung tâm cấp cứu gần nhất, vì gập cột sống có thể làm nạn nhân ngừng thở đột ngột.

Sơ cứu chấn thương sọ não

Nếu nạn nhân đập đầu nhẹ, không cần dùng các biện pháp sơ cứu chấn thương sọ não, tuy nhiên cần đến bệnh viện ngay khi có triệu chứng bất thường

Với bệnh nhân bị va đập đầu nhưng chưa có biểu hiện nguy kịch, người nhà cũng nên theo dõi chặt chẽ trong hai ngày. Khi thấy có nôn ói, đau đầu, sốt, rỉ máu tai miệng, thân nhiệt thấp, chân tay lạnh, lơ mơ, nói sảng, hỏi không trả lời, cấu véo không phản ứng, thì phải lập tức đưa đến bệnh viện. Tuyệt đối không tự ý cho bệnh nhân uống thuốc, chỉ cho ăn uống nhẹ như cháo hoặc súp, không dùng thức uống có cồn.

Phòng ngừa chấn thương sọ não

Đối với trẻ em, chấn thương sọ não dù nặng hay nhẹ, đều có thể để lại di chứng về tâm thần hoặc vận động. Do đó cần hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ gây tai nạn cho trẻ. Trong sinh hoạt hay vui chơi, lúc nào trẻ cũng phải trong tầm kiểm soát của người lớn, tránh cho trẻ chơi gần cầu thang, gác lửng hay ban công không có lưới rào an toàn. Ngoài ra, nên có các biện pháp chống trơn trợt trong nhà tắm, nền nhà, cầu thang... như lót các vật liệu chống trơn, ốp thanh nhôm ở bậc cầu thang…

Khi tham gia giao thông nên đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn cho trẻ. Chấp hành nghiêm luật lệ giao thông như không vượt đèn đỏ, không chạy ngược chiều, không chạy xe quá tốc độ. Khi lao động ở trên cao hoặc nơi công trường, nên đội nón bảo vệ để bảo vệ đầu phòng khi té ngã hoặc vật liệu rớt xuống đầu.

Ly Ly (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang