Cách sơ cứu khẩn cấp người bị đuối nước

author 11:59 24/09/2015

(VietQ.vn) - Đuối nước là một tai nạn thường xảy ra trong khi bơi, đi thuyền và trong các hoạt động dưới nước. Nếu không được sơ cứu nhanh chóng và kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Sự kiện: Mẹo vặt gia đình

Khi bị đuối nước, nếu bệnh nhân được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp sẽ có khả năng được cứu sống. Nhưng chỉ cần trong một thời gian ngắn mà không được thực hiện các biện pháp hỗ trợ hô hấp, khả năng nạn nhân tử vong rất cao hoặc có thể để lại di chứng tổn thương não nặng nề. Vì vậy, biết cách xử trí, sơ cứu đuối nước kịp thời là điều vô cùng quan trọng.

Cách sơ cứu người bị đuối nước khẩn cấp

Sơ cứu đuối nước cần nhanh chóng, kịp thời, tích cực và đúng phương pháp 

Đuối nước là gì?

Đuối nước là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi, hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Đây là một tai nạn hay gặp, xảy ra trong khi bơi, đi thuyền và trong các hoạt động dưới nước. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tại nhà như trong bồn nước, chum vại, rãnh nước,... Để cứu sống nạn nhân ngạt nước phải ngăn chặn kịp thời các tiến trình trên, tốt nhất là ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên tức là trong vòng 1- 4 phút đầu tiên khi bị chìm trong nước, đồng thời xử lý tốt các chấn thương kèm theo (đặc biệt là chấn thương đầu cổ và cột sống).

Nguyên tắc sơ cứu

Theo bác sĩ Cao Tấn Phước, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, việc hồi sức cơ bản sau khi đưa nạn nhân lên mặt đất là đặt nạn nhân nằm ngửa, đầu bằng (nếu người ngạt còn ý thức thì nên đặt đầu hơi cao hơn người). Trong khi sơ cứu, khoảng 65% trường hợp xảy ra hiện tượng ói và làm cản trở động tác hồi sức miệng. Vì vậy, nếu thấy bệnh nhân ói, nên xoay miệng nạn nhân sang một bên, móc chất ói bằng ngón tay.

Trong trường hợp nạn nhân ngưng thở thì phải lập tức hô hấp bằng miệng để hỗ trợ ôxy. Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực, hãy dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.

Sơ cứu người đuối nước

Trong trường hợp nạn nhân ngưng thở thì phải lập tức thực hiện phương pháp hô hấp nhân tạo để hỗ trợ ôxy. Ảnh: VnEpress

Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt. Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Sau sơ cứu ban đầu người bị đuối nước đã tỉnh lại, cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra. Mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp sau khi đuối nước, hay còn được gọi là “chết đuối trên cạn” hay không.

Đề phòng đuối nước

Sau khi đi ngoài nắng, nên ngồi trong bóng mát khoảng vài phút, sau đó tắm trên bờ rồi mới nhảy xuống hồ bơi. Nên vận động trước khi bơi hoặc có thể cho cơ thể quen dần với nhiệt độ nước bằng cách nhúng tay, chân trước rồi đến thân mình, không đột ngột nhảy xuống hồ để tránh cơ thể bị sốc nhiệt.

Đối với người lớn, không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không. Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.

Ðối với trẻ nhỏ, khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác. Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

Ly Ly (T/h)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang