Cách xử lý khi có người bị điện giật

author 18:32 14/05/2015

(VietQ.vn) - Theo ghi nhận, nhiều người do không được sơ cứu đã chết khi đợi xe cấp cứu đến, bởi vậy cần biết các biện pháp để sơ cứu kịp thời khi bị điện giật.

Gần đây, ngày 13/5, ông Hoàng Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Cam Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị) ghi nhận trưởng hợp em Trần Thị Huyền (11 tuổi), bị tử vong do điện giật. Huyền giúp mẹ cắm quạt máy vào ổ điện để quạt gió tách lúa lép. Ổ điện bị hở khiến nữ sinh lớp 5 bị giật. Mẹ em lúc này cũng có mặt ở hiện trường, nhưng quá lúng túng, không kịp thời tìm ra cách sơ cứu khi bị điện giật. Sự việc diễn ra quá nhanh, khi người mẹ đưa được con ra khỏi dây diện thì em đã tử vong.

Trường hợp đau lòng trên chỉ là một trong nhiều trường hợp tử vong do bị điện giật mà không biết cách xử lý. Điện giật rất nguy hiểm vì thường gây tử vong tức thì. Người bị điện giật không thể tự rút tay hoặc bứt cơ thể khỏi nơi chạm vào điện nên nếu không được cấp cứu kịp thời, tỷ lệ tử vong là rất cao. Thông thường, điện giật sẽ dẫn đến 2 thương tổn là bỏng và ảnh hưởng đến các mô bên trong. Bỏng gồm có bỏng nhiệt gây hoại tử và bỏng gây rối loạn các cơ quan trong cơ thể, xáo trộn sinh lý, dẫn đến nguy cơ: suy hô hấp, suy tim, ngưng thở.

Sơ cứu khi bị điện giật có thể cứu tính mạng nạn nhân

Sơ cứu khi bị điện giật có thể cứu tính mạng nạn nhân

Tùy từng mức độ, nạn nhân có thể ngất rồi tỉnh lại, cũng có thể ngất rồi sau đó ngưng tim, ngưng thở, nếu không sơ cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Không ít người, do không được sơ cứu đã tử vong trong thời gian đợi xe cấp cứu đến.

Tuyệt đối không vì hoảng loạn mà sờ vào người bị điện giật khi chưa ngắt điện. Điều cần làm là bình tĩnh, gọi người giúp đỡ. Đồng thời, ngắt ngay nguồn điện bằng cách tắt công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện bằng găng taycao su. Nếu không với tới được công tắc, cầu dao điện thì phải đứng trên vật khô cách điện dùng cây, cán chổi, hay chiếc ghế đẩu đẩy tay, chân người bị nạn ra khỏi nguồn điện.

Nếu nạn nhân còn tỉnh thì cần an ủi trẻ để nạn nhân yên tâm. Nếu thấybất tỉnh, cần kiểm tra nhịp thở, mạch đập và tiến hành cấp cứu thổi ngạt ấn tim khi có ngưng thở ngưng tim vì ngoài tổn thương bỏng điện tại chỗ, dòng điện còn có thể đi qua tim phổi gây ngừng tim ngừng thở.  Lập tức làm hô hấp nhân tạo theo ngay theo các bước sau, phải kiên trì, không được vận chuyển đi nơi khác khi nạn nhân chưa tỉnh. Vỗ mạnh 3 – 5 cái vùng ngực. Đặt nạn nhân lên nền cứng (ván cứng, mặt đất), nới lỏng quần áo và các thứ chằng buộc trên người làm cản trở hô hấp, theo báo Lao Động.

Sau đó, hà hôi thổi ngạt, quỳ hoặc đứng bên trái ngang đầu nạn nhân. Bàn tay trái đặt sau gáy, nâng nhẹ cổ và banh miệng. Bàn tay phải đặt ở trán làm ngửa đầu, ngón cái và ngón trỏ bịt mũi nạn nhân. Ngẩng đầu hít một hơi thật sâu, cúi đầu áp miệng của mình sát miệng nạn nhân sao cho không có kẽ hở đồng thời mắt nhìn ngực nạn nhân. Dùng sức hà hơi trong phổi mình vào miệng nạn nhân tới khi ngực nạn nhân nhô lên. Sau đó, ngẩng đầu lên hít sâu một hơi để hà tiếp theo. Thổi nhanh 5 lần liên tiếp. Những lần sau, cứ hà hơi 1 lần lại ép tim 5 lần. Với trẻ nhỏ tránh thổi quá mạnh làm vỡ phổi.

Hô hấp nhân tạo là biện pháp sơ cứu cần thực hiện khi thấy nạn nhân ngừng thở

Hô hấp nhân tạo là biện pháp sơ cứu cần thực hiện khi thấy nạn nhân ngừng thở

Ngoài ra, điện giật còn gây cứng cơ dẫn đến gãy xương hoặc các cơ của cơ thể bị co giật mạnh, làm người bắn ra, nếu đang ở trên cao có thể bị rơi xuống gây chấn thương. Nhiều trường hợp nạn nhân bị điện giật, người dính vào dây điện, khi bị ngắt cầu dao điện thì nạn nhân buông tay té ngã có thể dẫn đến những chấn thương cơ thể. Cần ủ ấm, tránh để cho nạn nhân bị lạnh. Việc giữ thân nhiệt cho nạn nhân là rất quan trọng, nhất là với thời tiết lạnh.

Bác sĩ Tô Vĩnh Ninh, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, nhiều người có thắc mắc không biết nạn nhân nằm mê man bất tỉnh như thế là đã ngưng tim, ngưng thở chưa và có cần sơ cứu hay không. Trong trường hợp này thì vẫn hà hơi, thổi ngạt và nhấn tim như thường. Nếu có phản xạ thở thì nạn nhân sẽ có phản ứng lại như gạt tay ra.

Có nhiều trường hợp khi thấy nạn nhân bị bỏng, người nhà tạt nước vào, da dính nước sẽ có điện trở giảm đến 10-15 lần, khiến cho thương tổn nặng nề hơn. Ngoài ra, cần tránh áp dụng các biện pháp như cạo gió, xoa dầu, những điều này chỉ càng làm mất thời gian trong việc cấp cứu, theo báo VnExpress.

Phương Khanh (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang