Số giờ làm thêm không bảo đảm tăng năng suất lao động

author 17:12 25/05/2015

(VietQ.vn) - Ông Lê Văn Hoàn, Giám đốc Cty TNHH Tân Thành(Thanh Hóa) cho biết: “Là người sử dụng lao động, nhưng tôi vẫn muốn cho nhân viên nghỉ ngơi thoải mái, vì sau khi được nghỉ thoải mái, họ làm việc cho năng suất và hiệu quả hơn rất nhiều".

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo thông tin từ báo Dân sinh, ông Lê Văn Hoàn, Giám đốc Cty TNHH Tân Thành(Thanh Hóa) cho biết: “Là người sử dụng lao động, nhưng tôi vẫn muốn cho nhân viên nghỉ ngơi thoải mái, vì sau khi được nghỉ thoải mái, họ làm việc cho năng suất và hiệu quả hơn rất nhiều.Theo tôi, năng suất lao động ở người Việt Nam là do khả năng nắm bắt công nghệ, trình độ học vấn, tay nghề và các vấn đề liên quan đến giáo dục đào tạo, môi trường, văn hóa chứ không phải cho nghỉ nhiều hay nghỉ ít".

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) bình luận:  Ngoài công việc, người lao động còn có các nhu cầu như giải trí, chăm sóc gia đình... để cân bằng cuộc sống và tái tạo sức lao động. Việc đề nghị tăng giờ làm thêm chỉ có ý nghĩa cơ học, tăng số lượng sản phẩm nhưng năng suất lao động lại giảm. Tình trạng làm việc theo tính chất dây chuyền hiện nay khiến nhiều lao động quá tải, dẫn đến suy kiệt sức khỏe. Đó là chưa kể đến vấn đề quan tâm chế độ dinh dưỡng cho người lao động, hiện vẫn đang bộc lộ nhiều hạn chế. 

Trước đó, trong buổi đối thoại về vấn đề lao động việc làm với các doanh nghiệp Hàn Quốc vào tháng 4 vừa qua, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét bỏ quy định giới hạn số giờ làm thêm, tăng giờ làm thêm lên thành 360-400 giờ mỗi năm. Lý do đưa ra là quy định giờ làm thêm của Việt Nam ở mức 200-300 giờ hiện nay là thấp, gây nhiều khó khăn cho việc sản xuất. 

Tăng giờ làm thêm không có nghĩa là năng suất lao động sẽ tăng

Tăng giờ làm thêm không có nghĩa là năng suất lao động sẽ tăng. Ảnh minh họa

Song người đứng đầu Cục An toàn lao động cho rằng, thay vì xin tăng thêm giờ làm, các doanh nghiệp nên đầu tư thiết bị máy móc sản xuất để người lao động làm việc hiệu quả hơn, nâng cao năng suất. "Nếu chỉ đáp ứng nguyện vọng một phía cho doanh nghiệp thì sẽ thiệt thòi cho người lao động. Áp lực làm việc, làm thêm càng lớn thì xảy ra tai nạn lao động càng cao", ông nói.

Việc tăng giới hạn giờ làm thêm từng được Bộ Lao động đưa ra bàn thảo trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động vào năm 2012 với đề xuất tăng lên thành 360. Nhưng trong quá trình xin ý kiến rộng rãi các bộ ngành và tầng lớp nhân dân thì có nhiều ý kiến cử tri, chuyên gia phản đối. Xem xét dưới nhiều góc độ, Quốc hội quyết định không tăng giới hạn giờ làm thêm, báo VnExpress đưa tin. 

Thái Hà


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang