"Sợ hàng chợ, ngại hàng siêu thị"

author 07:30 24/06/2013

(VietQ.vn)- Đường đi của sản phẩm hàng hóa từ người sản xuất đến người tiêu dùng đến ngang đoạn các nhà bán lẻ (cửa hàng, chợ, siêu thị …) thiếu một sự kiểm soát mang tính quản lý.

Các siêu thị bán hàng “quá đát”, hàng kém chất lượng vốn là chuyện không quá lạ trong một môi trường kinh doanh bán lẻ đang rất lộn xộn ở nước ta. Mới nhất, người tiêu dùng lại đã phải “kêu” với Chất lượng Việt Nam về hiện tượng ngang nhiên bán hàng “quá đát” của Metro Hoàng Mai ở Hà Nội. Qua câu chuyện này, PV Chất lượng Việt Nam  có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng) về hoạt động của các siêu thị, từ góc độ hoạt động thương mại đến vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng Việt Nam.

- Hiện nay siêu thị dường như là điểm đến ngày càng được ưa thích của người tiêu dùng khi muốn tiếp cận các sản phẩm hàng hóa, tuy nhiên liệu người tiêu dùng có thể yên tâm khi đến các siêu thị, thưa ông? 
 
Siêu thị mới có ở nước ta khoảng hai mươi năm nay, là một sự xuất hiện khá muộn, tuy nhiên siêu thị đang từng bước chiếm được lòng người tiêu dùng nhờ các đặc trưng cơ bản của nó như: là một cửa hàng bán lẻ lớn với hàng hóa đa dạng, những hàng hóa tiêu dùng hàng ngày thiết yếu; phương thức bán hàng tự phục vụ; phương thức thanh toán thuận tiện hay những sáng tạo mới mẻ về việc trưng bày hàng hóa. Người Việt mình từ việc chen lấn mua con cá, mớ rau ở các chợ xép, chợ quê … cũng đã dần dần thay đổi thói quen tự lựa chọn hàng hóa trong các gian hàng sang trọng mát mẻ của siêu thị. 
Lực lượng quản lí thị trường lập biên bản xử phạt hành vi bán hàng "quá đát" ở Metro Hoàng Mai, Hà Nội
 
Thế nhưng, qua những vụ việc mà người dân kêu trời về chuyện hàng hóa siêu thị kém chất lượng, thì cũng đặt ra câu chuyện niềm tin của người tiêu dùng đang ở ngưỡng nào, ngang đâu khi họ được phục vụ. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc người tiêu dùng có thể tự tẩy chay những siêu thị có hành vi thiếu trung thực, lừa dối khách hàng, mà điều quan trọng hơn là phải có những giải pháp ngăn ngừa khả năng các siêu thị đặt người tiêu dùng vào “ma trận” hàng hóa không thể kiểm soát được chất lượng. 
 
- Phải có những quy định nào đó của pháp luật về việc thực hiện đúng quy chuẩn chất lượng hàng hóa?
 
Chúng ta có rất nhiều văn bản, thậm chí có cảm giác là mấy năm nay chúng ta “sáng tác” được khá nhiều văn bản liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chẳng hạn như: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn năm 2006, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật thương mại 2005 … và hàng trăm văn bản quy dịnh chi tiết, hướng dẫn thực hiện, trả lời, trao đổi của các Bộ, Ngành liên quan về chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng nói chung. Tuy nhiên các quy định của pháp luật chưa thực sự được thực thi đúng trong thực tiễn nên khó có thể là một sự bảo đảm cho quyền lợi người tiêu dùng. 
 
- Vậy nhiều người ra chợ thì sợ sản phẩm hàng hóa chưa rõ nguồn gốc, thiếu sự kiểm định, vào siêu thị cũng không có một cơ chế nào để người tiêu dùng thực sự tin tưởng, thưa ông?
Khách hàng cho biết, họ rất bức xúc với thái đội bàng quang, vô trách nhiệm của Metro với sản phẩm bán ra của mình. Họ sẵn sàng nhờ Luật sư khởi kiện Metro ra tòa án nhân dân quận Hoàng Mai đề đòi quyền lợi chính đáng. 
 
Trong các văn bản luật mà tôi có nêu trên, luật nào cũng có quy định về “những hành vi bị nghiêm cấm”. Tuy nhiên, đường đi của sản phẩm hàng hóa từ người sản xuất đến người tiêu dùng, hay ta nói đến ngang đoạn các nhà bán lẻ (cửa hàng, chợ, siêu thị …) thì thực sự chúng ta thiếu một sự kiểm soát mang tính quản lý, việc “tự kiểm” của các siêu thị chẳng hạn, người tiêu dùng chỉ trông chờ vào đạo đức kinh doanh là chủ yếu, bởi lẽ cứ một lần thấy người dân “kêu cứu” hay báo chí phản ánh thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc, các cuộc thanh, kiểm tra thì lại theo kiểu “đến hẹn lại lên” đến ký lại “lượn một vòng”, nhiều khi là tiêu cực, phong bao phong bì ... khiến sự kiểm soát chất lượng hàng hóa không thực chất. 
 
- Như vậy lại quay về câu chuyện luật nhiều nhưng không điều chính được?
 
Chúng ta có nhiều trường hợp văn bản luật, câu chữ thì nhiều nhưng các văn bản lại trùng lặp với nhau, tôi thấy chẳng hạn như các luật kể trên thì các điều luật liên quan đến cấm các hành vi thế này, thế kia là chống lên nhau, luật nào cũng cấm. Nhưng cái cốt lõi là cái cơ chế làm gì để cấm, ai thực hiện cái việc cấm ấy thì thường không có. Chẳng hạn như lực lượng quản lý thị trường hiện nay đã đủ chưa, chức năng nhiệm vụ quyền hạn đến đâu, ai phối hợp với họ trong việc giám sát hàng hóa sản phẩm. Người ta nói cấm bán hàng quá hạn, nhưng chẳng ai kiểm tra hàng hóa đó còn hạn hay không là một chuyện, và nhiều khi kiểm tra cũng rất nghiệp dư.
 
Nhiều trường hợp cơ quan chức năng kéo nhau vào siêu thị kiểm tra hàng hóa, cứ thấy cái nào mốc meo hiện ra bề mặt, nước chảy ra, ôi thiu thối rữa … thì mới cho là sản phẩm đó kém chất lượng, hết hạn. Còn nhiều trường hợp thực phẩm quy định bán trong mười ngày, ba mươi ngày nhưng thực tế đã tồn tại ở siêu thị cả mấy tháng, thậm chí năm này qua năm khác, hết hạn thì họ lại bóc ra, dán nhãn khác thì có cơ sở nào kiểm tra được không? Có siêu thị họ gian dối một cách thật thà là để hàng đã hết hạn, người tiêu dùng nhìn vào thấy được, còn cũng chính hàng đó họ bóc ra, dán nhãn khác lại thì người tiêu dùng có kiểm soát được không? 
 
- Vậy đến cả hàng hóa trong siêu thị cũng không có cách nào kiểm soát được thì làm sao bảo vệ được người tiêu dùng?
 
Không phải là không thể kiểm soát được mà chúng ta chưa thực sự làm một cách rốt ráo. Đã là kinh doanh thì doanh nghiệp phải nhập hàng, thu mua hàng hóa, công cụ kiểm soát phải làm từ gốc là kiểm soát đường đi của hàng hóa từ nguồn hàng đến kệ hàng trong siêu thị. Nếu anh kiểm soát được một tuần anh nhập bao nhiêu bắp cải, anh bán bao nhiêu bắp thì còn lại bao nhiêu bắp, trong bao nhiêu bắp còn lại thì phải có bao nhiêu bắp đã hết hạn, bao nhiêu còn hạn sử dụng sẽ lộ ra ngay. Đó là rau quả, còn các hàng hóa khác thậm chí có mã vạch trên bao bì sản phẩm thì việc kiểm tra, rà soát đối chiều dễ hơn nhiều. Dó là tôi ví dụ một cách sơ lược thế thôi, chứ chẳng lẽ cơ quan có thẩm quyền lại chẳng có những cách kiểm soát hàng hóa quá hạn hay không quá hạn tinh vi hơn? 
 
Tất nhiên, quan trọng là mấy năm thì cơ quan quản lý mới đi kiểm tra một siêu thị? Kiểm tra siêu thị thì có làm đúng quy trình kiểm tra hay không? Những chuyện đó là điều cần bàn để thực chất bảo vệ được người tiêu dùng. 
 
-  Vậy cần phải làm gì để kiểm soát hoạt động bán hàng ở các siêu thị một cách hiệu quả hơn nhằm bảo vệ người tiêu dùng?

Khách hàng có thể khởi kiện đòi bồi thường

Liên quan đến vụ việc khách hàng mua sản phẩm "quá đát" ở Metro Hoàng Mai, Hà Nội, các chuyên gia luật đều có chung nhận định, trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về Metro. Nếu Metro Hoàng Mai không liên hệ giải quyết thỏa đáng cho người tiêu dùng thì họ có thể làm đơn khởi kiện Metro ra tòa yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại và những tổn phí mà người tiêu dùng gánh chịu từ trước đó. Trong vụ việc này, Metro và nhà cung cấp sản phẩm sẽ phải thương lượng với nhau để giải quyết vụ việc. Người tiêu dùng có thể làm đơn khiếu nại nhờ sự hỗ trợ của Hội bảo vệ người tiêu dùng. 

 

 
Như tôi nói thì pháp luật chúng ta vừa thừa lại vừa rất thiếu. Ngay như quy chế hoạt động của siêu thị theo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM cũng đã khá lạc hậu. Pháp luật quy định là phải có ghi rõ nguồn hàng, hạn sử dụng … nhưng lại không quy định một quy trình thực sự kín kẻ để kiểm soát được nguồn hàng vào ra siêu thị thì sự lẫn lộn giữa hàng sạch, hàng bẩn, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn … với nhau là điều rất dễ thấy. Thị trường bán lẻ của chúng ta hầu như mất kiểm soát, từ chợ, cửa hàng tạp hóa cho đến siêu thị cũng chưa ở đâu cho thấy được một sự kiểm soát được đường đi của sản phẩm hàng hóa. Sự lưu thông quá lộn xộn như thế này không hắn là cách tạo thuận lợi cho giao thương, mà chỉ là môi trường cho những người kinh doanh bất chính lợi dụng. 
 
Hiện nay, cả nước có khoảng 900 siêu thị. Với một môi trường, thói quen tiêu dùng, mua sắm ngày càng hướng đến sự hiện đại, thuận tiện và văn minh, đầu tư vào lính vực siêu thị là một hoạt động tiềm năng, cũng là một cuộc chiến khốc liệt trong tình trạng chạy đua giữa các chủ thể kinh doanh, điều đó vừa là tín hiệu vui nhưng cũng dễ dẫn đến việc tranh đua về lợi nhuận bằng cách trục lợi trên niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, cần có một quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn liên quan đến quy chế tổ chức hoạt động của các siêu thị cũng nhưng quy trình kiểm tra, giám sát hàng hóa, sản phẩm của các siêu thị.
 
- Và doanh nghiệp, siêu thị kinh doanh hàng hóa kém chất lượng dường như không sợ chế tài của pháp luật?
 
Sợ hay không chưa hẳn là do quy định của luật, mà là bởi các quy định đó có được sử dụng để buộc doanh nghiệp phải “sợ” do hành vi gian dối của mình trong kinh doanh hay không. Hiện nay, chúng ta có các công cụ xử lý hành chính lẫn hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh cung ứng hàng hóa dịch vụ đến người tiêu dùng. Mức chế tài hành chính thì ngàng một được nâng lên, nhưng các siêu thị, doanh nghiệp chưa “sợ” bởi khả năng họ bị buộc phải xử phạt khi có vi phạm là điều lâu lâu mới có một lần. 
 
Do chưa có được sự nghiêm khắc, mạnh tay trong vấn đề bảo vệ người tiêu dùng từ phía các cơ quan quản lý, nên theo tôi trước hết người tiêu dùng cũng phải tự cứu mình. Nếu người tiêu dùng tích cực tin báo, khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền, đến báo chí các hành vi vi phạm của các siêu thị, doanh nghiệp thì đó cũng là một cách tự bảo vệ. Tuy nhiên, về cơ bản và lâu dài, pháp luật cũng như thực tiễn hoạt động quản lý thị trường hiện nay của chúng ta cũng phải có những điều chỉnh tích cực, nếu không sẽ luôn đi sau, không chạm đến được các hành vi gian lận thương mại để có thể bảo vệ được người tiêu dùng. 
 
Đan Trường
 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang