Công nghệ hữu ích sản xuất gạch không nung từ bột đá phế thải

author 19:19 25/11/2015

(VietQ.vn) - Sản phẩm gạch không nung từ bột đá phế thải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời giá thành chỉ bằng 60 – 70% gạch tuy nen nên đã mang lại giá trị kinh tế cao và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề chế tác đá Đông Sơn, Thanh Hoá.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Chiều ngày 25/11, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) đã tổ chức chương trình nghiệm thu dự án “Áp dụng Giải pháp hữu ích số 904 để sản xuất gạch không nung từ bột đá phế thải trong quá trình sản xuất, chế biến đá ốp lát tại làng nghề đá ốp lát Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa”. Dự án do Công ty Cổ phần Khoáng sản Thanh Hoá thực hiện và nằm trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ do Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN chủ trì.

Nghiệm thu dự án gạch không nung Thanh Hóa thuộc chương trình Sở hữu trí tuệ

Hội đồng nghiệm thu “Áp dụng Giải pháp hữu ích số 904 để sản xuất gạch không nung từ bột đá phế thải trong quá trình sản xuất, chế biến đá ốp lát tại làng nghề đá ốp lát Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa” 

Đây được coi là một dự án quan trọng, mô hình mẫu trong việc áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích vào thực tiễn, dự án không chỉ góp phần xử lý được nguồn nguyên liệu phế thải gây ô nhiễm môi trường mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế địa phương.

Giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề chế tác đá

Phát biểu thuyết minh dự án, ông Đinh Việt Cường, Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Thanh Hoá cho hay, gạch xây là bộ phận cấu thành quan trọng của công trình xây dựng. Hàng năm, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng, cả nước tiêu thụ khoảng 20 - 22 tỷ viên/1 năm, chủ yếu là gạch nung thủ công chiếm tới 90%. Để sản xuất gạch nung phải sử dụng rất nhiều vật liệu đốt như: than, củi, đặc biệt là than đá. Hơn nữa, quá trình sản xuất gạch nung đã thải vào bầu khí quyển một lượng khí độc lớn. Do đó, hoạt động sản xuất gạch nung không chỉ ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người mà còn làm giảm năng suất của cây trồng vật nuôi. “Chính vì vậy, việc sử dụng gạch không nung thay thế gạch nung là xu hướng tất yếu trong công nghệ xây dựng hiện đại”, ông Đinh Việt Cường nói.

Trong khi đó, từ nhiều năm qua, làng nghề đá Đông Hưng – Nhồi thuộc Huyện Đông Sơn – tỉnh Thanh Hóa phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển không ngừng đó là những hệ lụy kèm theo như ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất… Bột đá thải từ các loại máy chế biến đá đang ngày càng gia tăng, đe dọa lớn đến môi trường. Nguyên nhân bởi hoạt động quản lý bột đá thải chưa đồng bộ, nhất là quá trình thu gom - vận chuyển - xử lý bột đá thải chưa triệt để.

Từ thực trạng trên, việc triển khai thực hiện dự án “Áp dụng Giải pháp hữu ích số 904 để sản xuất gạch không nung từ bột đá phế thải trong quá trình sản xuất, chế biến đá ốp lát tại làng nghề đá ốp lát Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa” nhằm xử lý bột đá thành nguyên liệu hữu ích để sản xuất gạch không nung để giải quyết tình trạng ô nhiễm do bột đá trên địa bàn huyện Đông Sơn được đánh giá là rất cấp thiết.

Quy trình sản xuất gạch không nung từ bột đá phế thải thuộc dự án theo ông Đinh Việt Cường là đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ. Cụ thể, bột đá phế thải được trộn đều cùng với vôi bột bằng máy trộn nhằm làm giảm đi lượng axit còn tồn đọng trong bột đá. Sau đó, bột đá được phơi khô, nghiền nhỏ và trộn thêm vào các loại phụ gia hoạt tính để làm tăng tính ăn xi, tăng hàm lượng oxit silic (SiO2). Đây là tính chất và thành phần quan trọng để đảm bảo liên kết CS trong khi kết tinh của vật liệu Siliccat được vững bền dẫn đến chất lượng gạch đảm bảo tiêu chuẩn. Sau đó là khâu ép gạch, lưu kho và đưa ra thị trường.

Ưu điểm của gạch không nung từ bột đá phế thải là có khối lượng nhẹ, tính bảo ôn, tính chống thấm, tính năng phòng cháy chữa cháy, tính bảo vệ môi trường cao, khả năng cách âm tốt, kích thước chuẩn xác, cường độ nén cao, thi công tiện lợi dễ dàng. “Đặc biệt, dòng gạch ép rung có hiệu quả kinh tế vượt trội so với gạch tuynen thông thường. Theo bảng chiết tính giá thành cho thấy giá thành của loại gạch này chỉ bằng 70% giá thành của gạch tuynen. Do vậy, sản phẩm này có thể cạnh tranh trực tiếp với gạch tuynen; giúp hạ giá thành và nâng cao chất lượng công trình xây dựng”, ông Đinh Việt Cường nói.

Có thể nhân rộng trên quy mô cả nước

Phản biện dự án, ông Đinh Ngọc Tuý, Phó Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hoá nhận định, dự án đã xây dựng được quy trình thu gom, xử lý cơ bản bột đá để sản xuất gạch không nung một cách sáng tạo khi sử dụng nguyên liệu chính là bột đá thải ở làng nghề Đông Sơn. “Sản phẩm chính là gạch không nung theo quy trình công nghệ cải tiến được công bố hợp chuẩn chất lượng. Nhờ vậy, sản phẩm của dự án đã chính thức sử dụng vào nhiều công trình như công trình nhà cao tầng bệnh viện y học cổ truyền Thanh Hoá, dự án nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn”, ông Đinh Ngọc Tuý nói.

Sản xuất, chế biến đá ốp lát tại làng nghề đá ốp lát Đông Sơn

PGS. Nguyễn Thế Hạnh, nguyên Trưởng Khoa Vật liệu Xây dựng, trường Đại học Xây dựng đánh giá, hiệu quả cao nhất của dự án là ứng dụng được công nghệ để sản xuất gạch không nung từ bột đá phế thải, giải quyết được nguồn nguyên liệu phế thải thừa của địa phương, mang lại giá trị kinh tế.

Ông Phạm Phi Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng cho hay, dự án nằm trong khuôn khổ của Chương trình 68 do Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN chủ trì. Đây là chương trình nhằm khuyến khích, đưa những công nghệ đã được bảo hộ sáng chế vào sản xuất – đây vẫn được coi là khâu yếu nhất của Việt Nam hiện nay. Thông qua chương trình này, Nhà nước cổ vũ, khuyến khích các doanh nghiệp đưa các sáng tạo khoa học công nghệ đã được bảo hộ áp dụng vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đã từng trực tiếp tham quan dự án Bệnh viện Y học cổ truyền Thanh Hoá - công trình sử dụng gạch không nung từ dự án, ông Trần Văn Hải, Bộ môn Sở hữu Trí tuệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đánh giá, dự án đã giải quyết được thực trạng ô nhiễm môi trường từ chế tác đá của địa phương. “Nếu thành công có thể nhân rộng ra trên quy mô cả nước khi hiện nay rất nhiều tỉnh, thành có làng nghề chế tác đá. Tôi kiến nghị với Cục Sở hữu Trí tuệ nên đầu tư nghiên cứu hiệu quả của dự án trên các lĩnh vực độ bền, độ chống thấm… của gạch không nung sau một vài năm sử dụng, nếu thành công có thể nhân rộng dự án hơn nữa”, ông Hải nói.

Đồng quan điểm trên, ông Chu Đức Khải, Nguyên thành viên Ban Thư ký Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ - Chủ tịch Hội đồng nhận định, dự án đã đạt được những kết quả khá tích cực. Do vậy, cần tuyên truyền, nhân rộng mô hình dự án để nhiều địa phương trên cả nước có nghề chế tác đá biết và học tập kinh nghiệm để áp dụng. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang