Sở hữu trí tuệ trong TPP: 'Kịch bản' nào dành cho doanh nghiệp Việt?

author 09:40 26/11/2015

(VietQ.vn) - Các biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất mạnh, mức độ bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) rất lớn. Do đó doanh nghiệp Việt Nam phải nghĩ đến những “kịch bản” mà đối thủ cạnh tranh có thể đưa mình vào, luật sư Phan Vũ Tuấn - Chánh văn phòng Hội SHTT TP.HCM khẳng định.

Sự kiện: SỞ HỮU TRÍ TUỆ - PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Sở hữu trí tuệ trong TPPHàng rào bản quyền

Ông Tuấn cho biết, chẳng hạn, doanh nghiệp Việt Nam xuất một lô hàng may mặc qua Mỹ, đến cửa hải quan thì bị ngăn lại bởi có cáo buộc cho rằng, lô hàng đó có sử dụng lao động dưới 15 tuổi - điều này lâu nay vẫn thường xảy ra với doanh nghiệp Việt Nam.

“Nhưng bây giờ người ta làm khác, họ sẽ ngưng lô hàng này với cáo buộc rằng, để sản xuất lô hàng này phía doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng phần mềm máy tính của Microsoft không có bản quyền”, luật sư Tuấn nói.

Việc không nhập hàng có thể không phải là mục đích chính mà còn nhiều mục đích sâu xa hơn sau đó.

Câu chuyện “ngưng nhập hàng với cáo buộc vi phạm SHTT về bản quyền” hiện đang diễn ra tại Chile, Peru. Thông tin này được những luật sư đồng nghiệp của ông Tuấn trong lĩnh vực SHTT cho biết. Họ cho rằng, đây là cách hiện đang được sử dụng để ngăn cản hàng xuất khẩu của đối thủ. 

Và đó cũng là cách chính quy mà các quốc gia khác đang hạn chế hàng nhập khẩu của Trung Quốc. 

Với hiệp định TPP, khi được thực thi yếu tố cơ bản về SHTT là chủ sở hữu quyền được bảo hộ cao hơn, và đòi hỏi Chính phủ các quốc gia cần làm những điều tốt nhất cho chủ sở hữu quyền. Trong đó, những yếu tố về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, bí mật thương mại, các nhà cung cấp dịch vụ internet, quyền tác giả và các quyền liên quan được xem là quan trọng hơn cả.

Chia sẻ thêm, luật sư Tuấn cho hay, theo đánh giá của giới luật sư thế giới về SHTT, với TPP, Chính phủ Mỹ quan tâm rất nhiều tới vấn đề “bí mật thương mại” và xem như “bí kíp” để chống lại những gian lận thương mại đang diễn ra quá nhiều hiện nay.

Do đó, ông Tuấn nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt phải luôn quan tâm đến điều khoản về “bí mật thương mại”. Phải xem “bí mật thương mại” được phía Mỹ quy định là cái gì, như thế nào, hệ thống của mình ra sao…

Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ

Hiện nay, luật pháp Việt Nam quy định nếu doanh nghiệp thấy hàng của mình được bán trên trang mạng nào đó và yêu cầu đơn vị đó tháo xuống nhưng họ không thực hiện thì cũng không được quyền làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ mạng mà phải qua Bộ Thông tin Truyền thông hoặc thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và  Du lịch.

Quá trình đó có thể sẽ kéo dài, gây ảnh hưởng và thiệt hại cho doanh nghiệp, ông Tuấn cho biết.

Nhưng khi TPP có hiệu lực thì luật quy định, các nhà cung cấp dịch vụ internet có thể phải xóa bỏ hoặc vô hiệu hóa ngay lập tức đường link dẫn vào tài liệu trên mạng khi biết rõ vi phạm.

“Việc này có lợi cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp được quyền xử lý ngay những vi phạm trong cạnh tranh”, ông Tuấn phân tích.

Trên lĩnh vực SHTT về nhãn hiệu, hiện nay, nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam còn rất ít, thậm chí Việt Nam cũng chưa có bộ tiêu chí cụ thể để nhận biết như thế nào là một nhãn hiệu nổi tiếng. Trong khi các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài tại Việt Nam lại rất nhiều. Do vậy, việc trùng tên, giống nhau giữa các thương hiệu là có thể. Như thế sẽ bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Tuấn khuyên, nếu doanh nghiệp Việt có sản phẩm đang bán chạy tại nội địa thì phải tranh thủ đăng ký trước để ngăn ngừa rủi ro về sau.

Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng nhằm tránh tranh chấp, phải đưa nhau ra tòa. Doanh nghiệp có thể không biết đối tượng này thuộc quyền sở hữu của ai, nhưng chắc chắn không thuộc quyền sở hữu của mình, một khi không thuộc quyền sở hữu của mình thì việc sử dụng, áp dụng một cách miễn phí là xâm phạm quyền của chủ thể khác.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang