TPP cho phép xử lý hình sự các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

authorBảo Anh 11:28 10/10/2015

(VietQ.vn) - Là một trong những nội dung đàm phán quan trọng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được xem là vấn đề khó khăn nhất khi gia nhập TPP. Việt Nam đồng ý với các tiêu chuẩn của TPP nhưng sẽ thực hiện cam kết theo lộ trình.

Sở hữu trí tuệ trong TPP: Sẽ thực hiện cam kết theo lộ trình

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Việt Nam sẽ thực hiện cam kết về SHTT của TPP theo lộ trình

Theo trưởng đoàn đàm phán TPP, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công thương, TPP hướng đến các tiêu chuẩn cao về bảo hộ quyền SHTT, đặc biệt là với dược phẩm. Đồng thời, các nước cũng cần có cơ chế thực thi hiệu quả việc bảo hộ quyền SHTT trên lãnh thổ nước mình, kể cả biên giới và trong môi trường internet.

“TPP cho phép xử lý hình sự các vụ việc xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại lớn cho người sở hữu quyền SHTT. Cách tiếp cận này đi xa hơn cách tiếp cận trong WTO, vốn chỉ xử lý hình sự khi xâm phạm ở quy mô thương mại và thu lợi bất chính”, ông Khánh cho biết.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, Việt Nam đã làm rất tốt công tác xác lập quyền SHTT. Tuy nhiên, cho tới hiện nay, việc thực thi quyền SHTT tại Việt Nam được đánh giá là vẫn còn yếu.  

Trong một chia sẻ gần đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, khâu thực thi quyền SHTT vẫn là lo ngại lớn nhất khi làn sóng đầu tư, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam sau khi TPP có hiệu lực sẽ khiến các tranh chấp SHTT bùng nổ. Tới lúc đó, nếu Việt Nam ko có hệ thống thực thi quyền đầy đủ sẽ không giải quyết được, rất có thể bị những chế tài của TPP khiến chúng ta phải chịu những thua thiệt trước các DN nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, sắp tới Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với những vi phạm khác nữa như nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế…. Trong quá khứ chúng ta chưa phải chịu sức ép lớn về vấn đề này. Tuy nhiên, sắp tới vấn đề này sẽ phải xử lý ở mức độ cao hơn, do vậy, DN nào vi phạm bản quyền nói riêng và SHTT nói chung sẽ đứng trên bờ vực phá sản và giải thể nếu không có sự chuẩn bị tốt.

Sở hữu trí tuệ trong TPP: Sẽ thực hiện cam kết theo lộ trình

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Việt Nam có thời gian 18 – 2 năm để TPP có thể được ký kết thông qua. Như vậy, khi TPP có hiệu lực, một số điều khoản chúng ta đã đàm phán để có thời gian chuyển tiếp, có thể là 3 năm, 5 năm, một số nội dung thậm chí là kéo dài hàng chục năm để có thời gian chuẩn bị. 

Cùng với những lĩnh vực khác, cam kết về SHTT sẽ  thực hiện theo lộ trình, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực thực thi của Việt Nam”, ông Khánh cho biết.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng nếu không làm thật quyết liệt không thể đáp ứng được yêu cầu rất cao của TPP. 

“Các chế tài của TPP rất chặt chẽ. Nếu chúng ta vi phạm, ngoài các DN cạnh tranh kiện cáo lẫn nhau, các quốc gia có thể đưa ra tòa án bản quyền của TPP. Khi tòa án phán quyết, các quốc gia đều phải tuân thủ. Do đó chúng ta không thể cứ tiếp tục vi phạm SHTT như trước đây. DN cũng như các cơ quan nhà nước sẽ phải đối mặt với việc này. Chúng ta phải nỗ lực để hạn chế tối đa tranh chấp có thể xảy ra, vừa để bảo vệ DN nhưng phải tuân thủ những quy định đã cam kết với TPP”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang