‘Sổ tay’ doanh nghiệp cần nằm lòng khi xuất khẩu hàng hóa vào EU

author 11:58 15/06/2020

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp Việt phải sản xuất thứ thị trường cần, theo tiêu chuẩn của thị trường - cụ thể trong trường hợp EVFTA là các tiêu chuẩn của EU.

Doanh nghiệp Việt phải sản xuất thứ thị trường cần, theo tiêu chuẩn của thị trường - cụ thể trong trường hợp EVFTA là các tiêu chuẩn của EU. Ảnh minh họa. 

Khắt khe về tiêu chuẩn

Khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, cho phép giảm thuế nhưng các tiêu chuẩn kỹ thuật là không đổi nên muốn vào thị trường châu Âu, hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn của EU. Một khi cánh cửa thị trường được mở, doanh nghiệp Việt phải sản xuất thứ thị trường cần, theo tiêu chuẩn của thị trường – cụ thể trong trường hợp EVFTA là các tiêu chuẩn của EU.

Ví dụ như trong đại dịch Covid-19, các nước EU rất thiếu trang thiết bị y tế và khẩu trang. Các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất nhưng sản phẩm của nhiều đơn vị chỉ mới đạt tiêu chuẩn của Việt Nam nên không vào được thị trường châu Âu.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, người từng đảm nhiệm vị trí tham tán thương mại của Việt Nam tại Vương quốc Bỉ cho biết, châu Âu có những quy định rất chặt chẽ và luôn được bổ sung trong vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu, thông thường quy định của họ còn đi trước cả nghiên cứu của các công ty hóa chất. Mỗi khi EU thay đổi quy định, doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải thay đổi loại thuốc trừ sâu khiến chi phí sản xuất bị đội lên. Nhưng nếu không tuân thủ thì hàng hóa xuất sang EU sẽ phải hủy hoặc bị trả lại nếu bị phát hiện vi phạm.

Một số chuẩn được áp dụng, đó là luật REACH (đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế hóa chất), RoHs (hạn chế sử dụng một số chất độc hại trong thiết bị điện và điện tử) và chỉ thị về kiểm dịch thực vật, điều kiện kiểm dịch thực vật để ngăn chặn sự ra đời và lây lan của các sinh vật gây hại cho thực vật, các sản phẩm từ thực vật.

Nắm rõ về mặt pháp lý

Bên cạnh đó, ông Huỳnh Trang Long, Chủ tịch Phòng thương mại Bỉ-Việt cho biết, có những khác biệt quan trọng giữa Việt Nam và châu Âu trong sử dụng kỹ thuật thương mại. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cũng như nhập khẩu, sử dụng hình thức thanh toán điện chuyển tiền bởi nó đơn giản.

Theo đó, trong xuất khẩu, có thể rủi ro là không lớn với phía các công ty Việt Nam, nhưng tình hình không hoàn toàn giống như vậy khi doanh nghiệp là bên nhập khẩu hàng hóa. Ông cho rằng phương thức thanh toán này không đảm bảo chắc chắn và có thể là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp. Còn phía các công ty châu Âu thường ưu tiên thanh toán qua hình thức thư tín dụng (L/C).

Về mặt pháp lý, hình thức thanh toán này an toàn hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu chuyển sang hình thức thanh toán này.

Ông Trang Long đánh giá biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng trong thương mại quốc tế bởi hoạt động này luôn phải đối mặt với những rủi ro không thể lường trước, ví dụ như khoảng cách địa lý, rủi ro trong quá trình vận tải, sự khác biệt về pháp luật giữa các quốc gia, doanh nghiệp thiếu kiến thức về đối tác hay sơ suất trong công tác kiểm tra, giám định hàng hóa. Trang bị văn hóa phòng ngừa và quản lý rủi ro cho doanh nghiệp Việt là việc làm rất cần thiết.

Ông Cảnh Cường cũng cảnh báo về khả năng đánh giá rủi ro, doanh nghiệp không có nhân sự đủ năng lực đánh giá rủi ro có thể đứng trước nguy cơ bị đối tác o ép, từ đó nguy cơ thiệt hại tài chính là rất cao. Đánh giá rủi ro là vấn đề rất khó, nhiều khi phải tốn cả thời gian và tiền bạc để có thể đúc rút được kinh nghiệm.

Có những doanh nghiệp châu Âu vốn chỉ vài nghìn euro nhưng vẫn ký hợp đồng nhập khẩu giá trị từ hàng chục đến hàng trăm ngàn euro, nếu bán được hàng họ sẽ có tiền để thanh toán cho nhà cung cấp, ngược lại nếu họ phá sản thì bên xuất khẩu sẽ mất trắng. Không có chuyên gia thông hiểu pháp luật châu Âu thì khả năng rủi ro thua thiệt sẽ là rất cao.

Từ đó, thực tế đòi hỏi phải nâng cao năng lực và tăng cường công tác đào tạo, nhất là đối với cán bộ hải quan Việt Nam. So với thông lệ quốc tế thì cả thể chế kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn tồn tại những khoảng cách. Việt Nam cần phải nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nếu không đây sẽ là rào cản ngăn dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng vào Việt Nam, làm vuột mất cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong thương mại quốc tế.

Cơ hội và thách thức đối với ngành bán lẻ khi EVFTA có hiệu lực(VietQ.vn) - Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực thì cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang