“Soi” lại hiệu quả của doanh nghiệp VNR500

author 08:57 08/01/2013

(VietQ.vn) - Xét về loại hình sở hữu, các doanh nghiệp FDI vẫn là khu vực có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong cộng đồng doanh nghiệp VNR500. Cứ 10 đồng vốn bỏ ra, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu lại 3,9 đồng lãi, trong khi các doanh nghiệp Nhà nước chỉ thu được 1,6 đồng và doanh nghiệp ngoài Nhà nước chỉ thu được hơn 1,5 đồng.

 

Doanh nghiệp VNR500: 10 đồng vốn thu gần 2 đồng lãi

Xét về loại hình sở hữu, các doanh nghiệp FDI vẫn là khu vực có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong cộng đồng doanh nghiệp VNR500. Cứ 10 đồng vốn bỏ ra, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu lại 3,9 đồng lãi, trong khi các doanh nghiệp Nhà nước chỉ thu được 1,6 đồng và doanh nghiệp ngoài Nhà nước chỉ thu được hơn 1,5 đồng.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp chịu lỗ chỉ chiếm chưa đầy 2% bảng VNR500 2012 và 90% trong số đó là doanh nghiệp Nhà nước. Tính chung, các doanh nghiệp VNR500 thu gần 2 đồng lãi cho mỗi 10 đồng vốn bỏ ra.

Như vậy, trong bối cảnh lãi suất cao có lúc lên tới 20% cùng với các chi phí khác cũng tăng trong năm 2011, các doanh nghiệp VNR500 đã chứng tỏ được khả năng đứng vững của mình trước bão suy thoái bằng kết quả kinh doanh khả quan và làm ăn có lãi.

Trong đó, lãi cao vẫn là lợi thế của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Ngoài những lợi thế khác từ phía chính sách của Chính phủ, không thể phủ nhận các doanh nghiệp này có thể kiểm soát tốt chi phí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng cần thực hiện tốt hơn trách nhiệm xã hội của mình bằng cách nâng cao đời sống của người lao động và đóng góp cho Ngân sách Nhà nước thay vì cắt giảm phúc lợi của người lao động và được miễn các loại thuế phí.

Hình 1: Tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp VNR500 theo loại hình sở hữu. Nguồn: Bảng xếp hạng VNR500 2012.

Xét về lĩnh vực ngành nghề, các ngành có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao nhất phải kể đến ngành Viễn thông, ngành Hóa chất, ngành Cơ khí, và ngành Nông Lâm Nghiệp.

Trong đó, các doanh nghiệp ngành Viễn thông thu được tới hơn 4,6 đồng lãi khi bỏ ra 10 đồng vốn, ngành Hóa chất thu được 3,7 đồng, ngành Cơ khí và Nông lâm nghiệp đều thu được hơn 2,7 đồng. Đây cũng là những con số rất khả quan trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Trái ngược với tình hình ăn nên làm ra của các ngành trên, các doanh nghiệp ngành Điện trong bảng xếp hạng VNR500 năm 2012 có tỷ suất lợi nhuận âm do chi phí tăng cao hơn doanh thu.

Trong khi đó, ngành Vận tải bán lẻ có tỷ suất lợi nhuận thấp, chỉ hơn 7% so với số vốn bỏ ra. Ngành Xây dựng – BĐS, ngành Giấy- Xuất bản, và ngành Thép cũng chỉ thu lại hơn 1 đồng lãi với 10 đồng vốn chi ra.

Hình 2: Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp VNR500 theo ngành nghề. Nguồn: Bảng xếp hạng VNR500 2012.

 

40% doanh nghiệp VNR500 vay nợ từ 70% tài sản của doanh nghiệp

Trong khi lãi suất ngân hàng rất cao do căng thẳng thanh khoản trong ngân hàng trong suốt năm 2011, nguy cơ phá sản do vay nợ quá nhiều là phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp Việt. Trên thực tế, trong năm 2012 đã có hàng nghìn doanh nghiệp vỡ nợ và tỷ lệ nợ xấu thực tế trong hệ thống ngân hàng có lúc đã lên tới gần 12%.

Vậy, thực trạng nợ trong các doanh nghiệp VNR500 đến đâu? Các doanh nghiệp FDI có tỷ lệ vay nợ an toàn nhất trong số các doanh nghiệp VNR500, với hệ số nợ/ tài sản chỉ khoảng 0,4 và nợ/ vốn CSH chỉ khoảng 0,9. Tức là trong trường hợp làm ăn khó khăn không có lãi, các doanh nghiệp này vẫn hoàn toàn có thể trả nợ với số vốn mà mình có và chỉ với 1 nửa số tài sản.

Trong khi đó, các hệ số này ở doanh nghiệp Nhà nước là 0,7 và 3,6; ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 0,8 và 6. Như vậy, nếu thực tiễn tốt nhất là hệ số nợ /tài sản là 0,6 (Tổng tài sản có 100 thì vốn vay là 60) thì các doanh nghiệp này đều rơi vào ngưỡng rủi ro vỡ nợ cao. Chưa kể, số vốn vay còn gấp nhiều lần số vốn tự có của doanh nghiệp. Trong khi nguồn cầu còn hạn chế làm giảm khả năng quay vòng vốn và trả lãi của doanh nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước và ngoài Nhà nước thực sự nên cẩn trọng hơn và cần học hỏi nhiều hơn từ phía khu vực FDI để kiểm soát chi phí tốt hơn nhằm giảm thiểu số vốn cần thiết và hạ thấp rủi ro vỡ nợ để đứng vững trong bão cho tới khi nền kinh tế phục hồi.

Thống kê cho thấy, có hơn 40% doanh nghiệp thuộc bảng VNR500 2012 nằm ở mức hệ số nợ trên 0,7.

Xét về lĩnh vực ngành nghề, hầu hết các ngành đều có hệ số nợ/tài sản trong khoảng 0,6 – 0,7. Ngoại lệ có những ngành sử dụng đòn bẩy nợ thấp hơn (từ 0,3- dưới 0,6) như Hóa chất, Cơ khí, Khoáng sản – xăng dầu, và Nông lâm nghiệp và những ngành có hệ số cao hơn (từ 0,7 - 0,9) là Giấy – In ấn, Viễn thông, và Dược-Thiết bị y tế.

Quý Nguyễn 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang