Soi sức mạnh trinh sát cơ ‘chưa một lần bị bắn hạ’ của Mỹ

author 17:53 23/12/2015

(VietQ.vn) - Máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 Blackbird của Mỹ cất cánh lần đầu tiên vào ngày 22/12/1964. Đến nay tuy đã nghỉ hưu, chiếc máy bay quân sự này vẫn chưa một lần bị bắn hạ.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Báo Thanh Niên dẫn trang tin Foxtrotalpha, vào ngày 22/12/1964, chiếc máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 Blackbird cất cánh lần đầu tiên ở căn cứ không quân 42 tại Palmdale, bang California (Mỹ) với các máy bay F-104 hộ tống. Máy bay này do tập đoàn Lockeed Martin kết hợp với nhóm nghiên cứu Skunk Works thiết kế và chế tạo.

Trong suốt sự nghiệp hơn 3 thập kỷ của mình (kết thúc vào ngày 9/10/1999), không có chiếc SR-71 nào bị đối phương bắn hạ. Mặc dù, các lực lượng phòng không ở những nơi SR-71 xâm nhập đã rất cố gắng, nhưng không máy bay chiến đấu hay tên lửa phòng không nào có thể bắt kịp tốc độ của SR-71 để bắn hạ nó.

Soi sức mạnh trinh sát cơ của Mỹ ‘chưa 1 lần bị bắn hạ’Máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 Blackbird của Mỹ

Báo Lao Động đưa tin, SR-71 là máy bay đầu tiên ứng dụng công nghệ tàng hình. Theo đó, một lớp sơn đặc biệt được sử dụng để sơn phủ cánh, đuôi và thân máy bay SR-71. Loại sơn này có chứa ferrite sắt, hấp thụ năng lượng sóng radar thay vì phản hồi trở lại. 

SR-71 Blackbird có tốc độ bay nhanh gấp 3,2 lần tốc độ âm thanh ở độ cao 27.000m. Với diện tích phản xạ radar chỉ tương đương với một chiếc máy bay hạng nhẹ cỡ nhỏ, SR-71 rất khó bị phát hiện và bắn hạ. Thông thường, khi radar cảnh giới phát hiện ra SR-71 thì đã quá muộn để bắn chặn. SR-71 là một trong những máy bay đầu tiên được tạo dáng để giảm thiểu mặt cắt radar, mặc dù tín hiệu radar của nó vẫn có thể bị phát hiện bởi các hệ thống radar hiện đại.

Ưu thế để tự vệ của chiếc máy bay này là tốc độ và trần bay cao. Khi phát hiện thấy tên lửa đất - đối - không được phóng ra hướng về phía mình, SR-71 chỉ cần tăng tốc là có thể thoát ra một cách đơn giản.

Soi sức mạnh trinh sát cơ của Mỹ ‘chưa 1 lần bị bắn hạ’SR-71 Blackbird có tốc độ bay nhanh gấp 3,2 lần tốc độ âm thanh ở độ cao 27.000m

SR-71 dài 32,4m, sải cánh 16,94m, cao 5,64m, trọng lượng cất cánh tối đa 78 tấn, tải trọng cảm biến trinh sát 1,6 tấn. Máy bay được trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực Pratt & Whitney J58-1 cho tốc độ tối đa tới 3.530km/h (khoảng Mach 3,2+) ở độ cao 24.000m, trần bay tối đa 26 - 27.000m, tốc độ leo cao 60m/s, tầm bay xa đến 6.000km.

Điều lý thú là máy bay trinh sát tàng hình này thuộc dự án tuyệt mật, do bay tốc độ cao nên thân phải làm bằng titanium để chịu lực, nhưng Mỹ sản xuất không đủ kim loại hiếm này nên phải nhập từ Liên Xô, đối thủ chính và là mục tiêu trinh sát chính của Mỹ. Vì vậy, tập đoàn Lockheed đã dùng mọi cách che giấu nhằm ngăn cản chính quyền Xô Viết biết được số kim loại titanium này được dùng vào việc gì.

Sau khi chế tạo xong các chiếc SR-71, toàn bộ khuôn của chúng đều bị tiêu huỷ dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng McNamara để không nước nào có thể bắt chước sản xuất. Thậm chí, một số đặc tính trên chiếc SR-71 đã được thiết kế để nhằm làm giảm tín hiệu radar. 

Những nghiên cứu ban đầu về kỹ thuật tàng hình đối với radar dường như cho thấy rằng, một hình dạng có các cạnh phẳng, thon nhọn sẽ phản xạ hầu hết sóng radar ra khỏi nguồn gốc phát xạ.  Nhằm mục đích này, các kỹ sư radar đã đề nghị bổ sung thêm một số cấu trúc đặc biệt vào thiết kế và đưa các bề mặt kiểm soát bay ngang vào phía trong.

Soi sức mạnh trinh sát cơ của Mỹ ‘chưa 1 lần bị bắn hạ’SR-71 đã hoạt động hơn 30 năm nhưng chưa một lần bị bắn hạ

Chiếc máy bay cũng sử dụng những vật liệu hấp thu radar đặc biệt vốn được tích hợp vào những bộ phận hình răng cưa trên bề mặt máy bay, cũng như các chất phụ gia nhiên liệu dựa trên Cesium để làm giảm độ sáng khí thải trên màn hình radar. Chiếc máy bay có màu xanh dương đậm (gần như đen) để giúp gia tăng việc thải nhiệt từ bên trong và cũng nhằm mục đích ngụy trang trên bầu trời.

Đến nay tổng cộng đã có 32 chiếc SR-71 được chế tạo, giao cho Không lực Mỹ, nếu tính các nguyên mẫu ban đầu thì số lượng lên đến 50 chiếc. Giá thành mỗi chiếc là 33 triệu USD. Hiện tập đoàn Lockeed Martin đang nghiên cứu dự án máy bay trinh sát siêu thanh gọi là SR-72, có tốc độ gấp 6 lần âm thanh, tức bay nhanh gấp đôi SR-71.

Kim Oanh (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang