Cánh gà là món ăn ‘đại kỵ’ đối với người sỏi thận

author 08:43 26/05/2015

(VietQ.vn) - Thịt gà là loại thực phẩm bổ dưỡng, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, lại có khả năng trị bệnh, tuy nhiên theo các chuyên gia, một số bộ phận của gà lại không mang lại nhiều lợi ích khi ăn nhiều.

Sự kiện: Bí quyết nhận biết thực phẩm an toàn

Theo báo Người đưa tin, Đông y cho rằng thịt gà có vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng bồi bổ cao đối với người bị bệnh lâu ngày, dạ dày bị phong hàn, suy yếu không hấp thu được thức ăn. Ngoài ra, thịt gà còn chữa được băng huyết, lỵ, ung nhọt, trừ phong. Theo Y học hiện đại, trong thịt gà có các vitamin A, B1, B2, C, E và nhiều khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt nên không chỉ là thực phẩm khoái khẩu mà còn được dùng làm thuốc. Tuy vậy, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, một số bộ phận của gà không tốt cho sức khỏe, nhất là những người bị sỏi thận, tiểu đường, béo phì, bệnh tim mạch…

Cánh gà

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, cánh gà là nơi tích tụ nhiều mỡ và chất béo nên ăn cánh gà thực chất là thưởng thức chất béo của da. Do đó, cần hạn chế khi thưởng thức bộ phận này, nhất là những người bị sỏi thận thừa cân béo phì, tiểu đường, máu nhiễm mỡ…

Người bị sỏi thận, tiểu đường… cần nói “không” với cánh gà

Người bị sỏi thận, tiểu đường… cần nói “không” với cánh gà

Da gà

PGS Thịnh cho biết, trong Đông và Tây y đều khuyến cáo không nên ăn da gà, đặc biệt khi bị bệnh vì phần này chứa rất nhiều chất béo và hàm lượng cholesterol cao. Da cũng là mặt tiếp xúc với vi khuẩn, virus và chứa một số loại độc tố hòa tan. Đây chính là nguyên nhân khiến người có cơ địa mẫn cảm, dị ứng như hen suyễn, phong thấp bị mẩn ngứa, nổi ban, khó thở sau khi ăn thị.

Nội tạng

“Nhìn chung nội tạng của bất kỳ con vật nào cũng không tốt, từ gia súc đến gia cầm như gà”, PGS Thịnh khẳng định. Do hàm lượng cholesterol trong nội tạng gà rất cao. Hơn nữa, đây cũng là bộ phận dễ nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn và virus. Trong đó, gan gà vừa là bộ phần có nhiều dinh dưỡng nhất đồng thời cũng là nơi chứa mầm bệnh tật, tích lũy nhiều kim loại nặng. Vì vậy, phụ nữ đang cho con bú, trẻ nhỏ hoặc người có cơ địa nhạy cảm không nên ăn nội tạng của gà, trừ phần trứng non.

Rõ ràng, gà là món ăn ngon, bổ dưỡng nhưng không phải bộ phận nào của chúng cũng tốt

Rõ ràng, gà là món ăn ngon, bổ dưỡng nhưng không phải bộ phận nào của chúng cũng tốt

Phao câu

Đây là phần sau cùng của thân gà (kể cả vịt, ngan, ngỗng cũng như một số loài chim), tích tụ nhiều mỡ nhất trong cơ thể con vật. Phao câu còn có một nốt nhỏ nhú lên, là nơi gà thường dùng mỏ lấy chất dịch béo để trau chuốt bộ lông bóng mượt, lại có tác dụng bảo vệ cơ thể không bị thấm nước khi gặp sương, mưa. PGS Thịnh cho rằng phao câu ăn mềm, béo ngậy, thơm mùi mỡ gà rất đặc trưng tuy nhiên nếu ăn nhiều sẽ không có lợi cho cơ thể.

Ngoài ra, PGS Thịnh cảnh báo những người bị bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, sỏi thận, sỏi mật, béo phì không nên ăn thực phẩm có nhiều cholesterol. Phao câu, cánh cũng như da và nội tạng của gà là những phần cần phải hạn chế. Khi ăn thịt gà, nên tăng cường lượng chất xơ để cản trở cơ thể hấp thu cholesterol. Người có cơ địa mẫn cảm, dị ứng như hen suyễn, phong thấp dễ có phản ứng mẩn ngứa, nổi ban, khó thở khi ăn da gà, gan gà. Khi làm các món gà kho, gà hầm, thêm gừng tươi đập giập hoặc thái mỏng làm gia vị để giải mẫn cảm theo kinh nghiệm dân gian. 

Tô Loan (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang