Sơn chứa chì độc hại như thế nào với sức khỏe?

author 06:34 14/10/2014

(VietQ.vn) – Các nhà sản xuất sơn trên thị trường thường cho chì vào sơn vì những lý do như độ bền, độ bóng, chống nấm,… mà không quan tâm xem sơn chứa chì độc hại như thế nào với sức khỏe người dùng.

Trang The New Indian Express mới đây đã đưa tin về một nghiên cứu quốc gia mang tên: "Sơn chứa chì trong các hộ gia đình Ấn Độ” được thực hiện bởi tổ chức phi chính phủ Toxics Link với những kết quả đáng báo động. 

Họ đã tu thập 250 mẫu sơn từ các gia đình ở Ấn Độ và kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có bốn thương hiệu sơn có ít hơn 90 ppm (một phần triệu) hàm lượng chì. 

Tại khu vực Telangana và Andhra Pradesh, 35 trong số 43 mẫu sơn thu thập được cho thấy hàm lượng chì từ 600 ppm đến 93 000 ppm, mức độ được xem là cực kì độc hại.

Satish Sinha, giám đốc của tổ chức Toxics Link cho biết: "Thật không may, Chính phủ vẫn chưa xác định sơn chứa chì là một mối đe dọa. Chúng ta chỉ mất rất ít chi phí để loại bỏ chì khỏi sơn. Có thể dùng titanium dioxide có sẵn để thay thế và sự khác biệt chi phí là không đáng kể".

Sơn chứa chì độc hại với sức khỏe

Nhiều người dùng chưa nhận biết được sơn chứa chì độc hại như thế nào với sức khỏe của mình. Ảnh minh họa

Các chuyên gia y tế cho rằng ngay cả sự tồn tại ở mức độ nhỏ nhất của kim loại trong cơ thể con người cũng gây nguy hiểm. Tuy nhiên, sự tồn tại của kim loại lại không có triệu chứng cụ thể nên việc chẩn đoán khá khó khăn.

Tiến sĩ Surendranath, bác sĩ thuộc bệnh viện ESI Ấn Độ cho biết: “Nếu hàm lượng chì trong máu là hơn 5 mg /dl (số mg chì trong 100 mili lít máu), nó có thể ảnh hưởng đến não, hệ thần kinh, phổi, hệ tiêu hóa, thận và thậm chí hôn mê hay tê liệt”. 

Theo Tiến sĩ Surendranath, trẻ em dưới sáu tuổi và phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị nhiễm chì từ sơn nhất. Các thực phẩm có hàm lượng canxi cao có thể trung hòa hàm lượng chì ở mức độ nhất định.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố rằng chì tồn tại trong máu dù ở mức độ nào thì cũng có hại cho sức khỏe con người. Các triệu chứng khi nhiễm chì trong máu bao gồm đau bụng, chuột rút, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, yếu cơ, nhức đầu. 

Chì ảnh hưởng đến sự phát triển của não và hệ thần kinh trẻ em, gây ra tác hại lâu dài ở người lớn bao gồm tăng nguy cơ cao huyết áp và tổn thương thận. Phụ nữ mang thai nhiễm hàm lượng chì cao có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, sinh non và sinh thiếu cân cũng như dị tật nhỏ.

Thái Hà


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang