Sơn La triển khai truy xuất nguồn gốc cho 81 sản phẩm OCOP

author 14:29 08/07/2021

(VietQ.vn) - Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La vừa ban hành kế hoạch năm 2021 thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Theo đó, 81 sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ được hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc với mục tiêu đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quá trình sản xuất nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La.

 Gạo nếp tan Mường Và - sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La sẽ thực hiện truy xuất nguồn gốc

Theo ông Lưu Bình Khiêm – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sơn La, việc triển khai kế hoạch này một mặt nhằm đảm bảo thống nhất và thực hiện đúng quy định trong việc truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh theo Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, giúp nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân về truy xuất nguồn gốc; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng 3 sao, 4 sao sẽ được hỗ trợ kinh phí thực hiện truy xuất nguồn gốc. Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; UBND các huyện, thành phố; Văn phòng điều phối Nông thôn mới thực hiện kế hoạch này.

Các bước tiến hành triển khai truy xuất nguồn gốc cho 81 sản phẩm OCOP

Khảo sát, đánh giá thực trạng của từng sản phẩm OCOP:

Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh, đơn vị tư vấn và các tổ chức, cá nhân là chủ thể của sản phẩm OCOP tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng của việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm trong thời gian qua.

Lựa chọn các đối tượng để nâng cấp hoạt động truy xuất nguồn gốc:

Sở KH&CN phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, văn phòng Điều phối nông thôn mới, các đơn vị tư vấn đánh giá thực trạng từ đó lựa chọn các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đủ các điều kiện (thực hiện được truy xuất nguồn gốc) tham gia để nâng cấp hoạt động truy xuất nguồn gốc, kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia.

Tổng hợp các nhóm sản phẩm có quy trình sản xuất tương tự nhau, các sản phẩm cùng ngành hàng:

Căn cứ kết quả lựa chọn sản phẩm, tổng hợp, phân nhóm các sản phẩm có chung ngành hàng, có quy trình sản xuất tương tự giống nhau thành các nhóm riêng biệt.

Xây dựng quy trình, tài liệu hướng dẫn cho các nhóm sản phẩm:

Sở KH&CN phối hợp với chủ thể có sản phẩm được lựa chọn xây dựng, mô tả lại quy trình, hướng dẫn việc cập nhật thông tin, quá trình sản xuất của các sản phẩm, xin ý kiến các cơ quan quản lý để thống nhất cho việc thiết lập modul trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh (nếu có) và Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia.

 Truy xuất nguồn gốc đang trở thành xu thế tất yếu.

Cung cấp dữ liệu, yêu cầu Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia xây dựng các modul phù hợp với các nhóm sản phẩm OCOP của tỉnh:

Đặt hàng với Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia (đơn vị quản lý Hệ thống thông tin truy xuất Quốc gia) về xây dựng, bổ sung modul các nhóm sản phẩm được thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp sử dụng tài khoản, thiết lập thông tin trên cổng thông tin truy xuất quốc gia, kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc.

Tổ chức đào tạo, tập huấn tập trung hoặc đào tạo, hướng dẫn tại chỗ cho các chủ thể, cá nhân liên quan thiết lập tài khoản, kê khai dữ liệu quá trình sản xuất của từng lô, mẻ sản phẩm trên cổng thông tin truy xuất quốc gia, kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc, dán và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc đảm bảo theo quy định về truy xuất nguồn gốc theo Đề án 100.

Cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức cá nhân (theo hình hỗ trợ một phần):

Để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc thống nhất trên cổng thông tin truy xuất quốc gia, hoạt động quản lý truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc kết nối cổng thông tin truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc để thực hiện trên địa bàn tỉnh dưới sự quản lý của đơn vị.

Trên cơ sở 7 bước trên để có các căn cứ xây dựng cổng thông tin truy xuất của tỉnh năm 2022 và các năm tiếp theo.

Theo Giám đốc Sở KH&CN Sơn La, để kế hoạch triển khai có hiệu quả, việc triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP phải đảm bảo tính khoa học, thiết thực, hiệu quả đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc theo Đề án 100 đã được Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn phòng điều phối nông thôn mới của tỉnh, các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP. "Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm được lựa chọn phải đảm bảo kết nối thống nhất với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia", ông Khiêm cho biết.

Thời gian triển khai áp dụng TXNG cho các sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La được thực hiện từ tháng 7 - 11/2021.

Đồng loạt triển khai Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc tại các địa phương(VietQ.vn) - Tính đến tháng 4/2021 đã có 54/63 tỉnh/thành phố tiến hành các hoạt động triển khai Quyết định 100 QĐ-TTg (Đề án 100) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang