Sốt với mít không hạt Ba Láng giá tiền triệu của lão nông miền Tây

authorĐỗ Thu Thoan 14:30 17/03/2017

(VietQ.vn) - 50.000/kg mít không hạt chín do ông Trần Minh Mẫn ở Cần Thơ nhân giống thành công bán tại vườn, giá bán cao gấp 3-5 lần so với mít thường nhưng loại mít này vẫn luôn cháy hàng.

Thông tin trên Tin tức/TTX cho biết, ‘Mít không hạt Ba Láng’ của lão nông Trần Minh Mẫn, phường Ba Láng, quận Cái Răng, Cần Thơ được người dân nơi đây coi là giống mít lạ bởi trái mít này có thể nặng hơn 20 kg, giá bán tới 50.000 đồng/kg. Với giá này, khách hàng phải trả hơn triệu đồng cho một trái mít nhưng vẫn đông khách.

sot-voi-mit-khong-hat-ba-lang-gia-tien-trieu-cua-lao-nong-mien-tay

Cây mít không hạt Ba Láng - Ảnh: Tin tức/TTX

Trước đó, VTV thông tin, từ năm 2007, ông Trần Minh Mẫn, phường Ba Láng, quận Cái Răng, Cần Thơ bắt đầu trồng giống mít đặc biệt - mít không hạt. Hiện trong vườn mít của ông có gần 100 cây, mỗi năm cho thu hoạch 6 tấn quả với giá bán trung bình 50.000 đồng/kg, cao hơn mít thường 30.000 – 35.000 đồng.

Từ hiệu quả của mít không hạt, năm 2010, ông Mẫn tập trung làm cây giống nhằm phát triển giống mít này tới nhiều hộ nông dân. Trung bình mỗi năm ông đã ghép hơn 40.000 cây để xuất bán đi khắp các tỉnh thành miền Tây, miền Trung, miền Đông và Hà Nội. Từ năm 2014, ông đã xuất bán được cây giống đi Thái Lan, Lào, Campuchia... Ông cũng đã cung cấp cây giống cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng cho chính bà con trong địa phương mình để nâng cao giá trị canh tác.

Chia sẻ với Tin tức/TTX về vườn mít của mình, ông Mẫn cho biết, việc phát triển giống mít này giúp đời sống kinh tế của gia đình ổn định. Bởi đây là loại cây sinh trưởng mạnh, dễ trồng và ít tốn công chăm sóc cũng như chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Mít dễ bán, được thị trường ưa chuộng nên thu nhập cao và ổn định.

sot-voi-mit-khong-hat-ba-lang-gia-tien-trieu-cua-lao-nong-mien-tay

'Mít không hạt Ba Láng' giá tiền triệu của lão nông miền Tây - Ảnh minh họa internet

Về tên gọi Mít Ba Láng, ông Mẫn giải thích: Giống mít này đã chọn Ba Láng làm vùng đất sinh sống, năng suất lại đạt cao nên đã chọn địa danh làm ‘thương hiệu’ cho giống mít này. Ông ấp ủ nhân rộng mô hình trồng mít không hạt tới toàn khu vực Ba Láng tạo điều kiện giúp người nông dân có thu nhập ổn định.

Đánh giá về mô hình ‘Mít không hạt Ba Láng’, bà Trần Thị Thanh Điệp, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ cho biết: ‘Mít không hạt Ba Láng’ được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Cùng với đó là nhiều bằng khen từ các cấp cũng như giải thưởng cây trái hiếm độc lạ tại nhiều cuộc thi về cây trồng khắp cả nước. Hiện ‘Mít không hạt Ba Láng’ là 1 trong 14 mô hình điển hình của Cần Thơ được đề nghị xét tặng Huy chương vàng ‘Khoa học nông nghiệp sáng tạo năm 2017’.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang