Cảnh giác các bệnh trẻ dễ mắc mùa tựu trường

author 16:15 14/09/2015

(VietQ.vn) - Mùa tựu trường cũng là thời điểm thời tiết chuyển mùa, do đó trẻ rất dễ nhiễm sốt xuất huyết cũng như các bệnh truyền nhiễm nếu không được chuẩn bị tốt về mặt thể lực. Dưới đây là một số bệnh phổ biến và cách phòng tránh cha mẹ cần lưu ý.

Bệnh tay chân miệng, bệnh về đường tiêu hóa

Dân Trí đưa tin, theo Cục Y tế dự phòng, đây là căn bệnh y tế học đường có rất nhiều nguy cơ lây lan trong trường học, đặc biệt là khối nhà trẻ, mẫu giáo. Bởi bệnh lây trực tiếp qua đường phân – miệng, chỉ cần vệ sinh bàn tay chưa sạch khi đi vệ sinh, bàn tay bẩn tiếp xúc đồ chơi, trẻ khác chơi, ngậm vào miệng là hoàn toàn có thể lây nhiễm vi rút gây bệnh tay chân miệng.

Ngoài ra các bệnh rối loạn đường tiêu hóa cũng hay gặp trong mùa tựu trường do trẻ ăn phải thực phẩm không đảm bảo, như thức ăn vỉa hè sau mỗi ngày tan học, thức ăn tại bếp ăn trường học. Do bệnh tay chân miệng, bệnh tiêu hóa lây qua đường phân miệng nên việc rửa tay sạch bằng xà phòng có ý nghĩa vô cùng quan trọng để phòng bệnh.

Để phòng bệnh tay chân miệng và bệnh đường tiêu hóa trong trường học, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo nhà trường cần phối hợp với ngành y tế vận động phụ huynh, học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà phòng tại hộ gia đình... Các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ và rửa sạch bàn tay người trông trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ...

Bệnh sốt xuất huyết dễ lây lan trong trường học

Bệnh sốt xuất huyết dễ lây lan trong trường học. Ảnh: Lao Động

Thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cho các trường hợp mắc bệnh nghỉ học, không đến trường học, nhà trẻ trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi bệnh...

Nguy cơ lây lan sốt xuất huyết trong trường học

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng cục bộ tại một số tỉnh thành trong cả nước như TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu... nơi có nhiều khu công nghiệp, người dân trọ đông, nhà ở chật chội và có nhiều bình, dụng cụ chứa nước sinh hoạt. “Tháng 9, tháng 10 cũng là mùa tựu trường trùng với đỉnh dịch của SXH nên nguy cơ dịch bệnh trong trường học không thể chủ quan”, ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.

Muỗi vằn đốt người mắc bệnh và truyền bệnh cho người khác, còn muỗi là còn SXH. Vì thế, để phòng bệnh trong trường học, ngành y tế cần tăng cường truyền thông các nội dung phòng bệnh sốt xuất huyết cho giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh. Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên tại gia đình.

Bộ y tế truyền thông hướng dẫn học sinh phòng ngừa sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm

Bộ y tế truyền thông hướng dẫn học sinh phòng ngừa sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm

Hằng tuần, nhà trường phải kiểm tra tất cả những nơi có chứa nước trong khuôn viên trường học (bể nước dự trữ, bể nước cứu hỏa, bể nước nhà vệ sinh...). Thực hiện tốt vệ sinh trường học, thu gom, loại bỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước. Theo dõi chặt chẽ sức khỏe của giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh, trẻ em...

Nhiễm trùng đường tiểu

Theo VnMedia, bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp ở trẻ mới đi học và xảy ra ở bé gái nhiều hơn. Những buổi đầu đến trường, nhiều trẻ dễ mắc nhiễm trùng đường tiểu do ngại đi vệ sinh chỗ lạ. Ngoài ra, nhiều trẻ nhịn đi tiểu, uống ít nước do khu vực vệ sinh ở trường học không sạch sẽ.

Nhiều bậc cha mẹ chủ quan, nghĩ rằng bệnh nhiễm trùng đường tiểu đơn giản nhưng bệnh này sẽ khiến trẻ chịu nhiều ảnh hưởng như sốt kéo dài, chán ăn, không tăng cân. Do vậy , cha mẹ cần lưu ý nếu thấy trẻ đi tiểu ít, nước tiểu vàng hay són tiểu trong quần kéo dài.

Đồng thời, các bậc cha mẹ nên tạo cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng lúc, tránh tình trạng nín nhịn và phải rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh, đặc biệt đối với bé gái, mẹ cần phải hướng dẫn trẻ cách dùng giấy hợp vệ sinh để lau khô vùng kín đúng cách. Khi phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và làm xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp

Bao gồm viêm hô hấp trên và viêm phế quản phổi. Viêm họng do siêu vi, hay kết hợp với viêm kết mạc rất hay gặp ở trẻ nhỏ, có thể gây thành dịch.

Bệnh bắt đầu đột ngột với các dấu hiệu sốt trong vài ngày, kèm theo chảy nước mắt, nước mũi, ho nhẹ, có khi kèm theo đau họng, nuốt khó, nuốt đau... Trẻ vẫn chơi bình thường, hầu hết trường hợp viêm họng do siêu vi đều tự khỏi trong vòng 4-5 ngày nếu không có bội nhiễm vi khuẩn.

Biến chứng của viêm hô hấp trên là viêm phổi. Trẻ thường sốt cao, trên 38,5 độ C, ho đờm, thở nhanh, khó thở. Trẻ bị bệnh viêm phổi thường mệt mỏi, kém chơi. Những trẻ này phải được khám và xử trí tại cơ sở y tế.

Nếu chăm sóc bệnh tại nhà cần lưu ý theo dõi nhịp thở, kiểu thở và biểu hiện khó thở là dấu hiệu bệnh trở nặng. Khi có một trong các dấu hiệu sốt rất cao, mệt nhiều hoặc thở mệt, thở bất thường cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện.

Khi trẻ sốt nhẹ, cho trẻ mặc quần áo mỏng và thoáng. Khi trẻ ho, khò khè, vỗ lưng giúp tống xuất đờm ra ngoài, trẻ sẽ giảm và hết ho.

Vệ sinh thông mũi cho trẻ, dạy trẻ che miệng khi ho, khi hắt hơi, chảy mũi và không khạc nhổ bừa bãi. Tránh để trẻ tiếp xúc với khói, bụi, thuốc lá, không khí lạnh. Cho trẻ uống nhiều nước, tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ, cách ly trẻ để tránh lây lan, tiêm chủng đầy đủ.   

Tiểu Quyên (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang