Startup tại Việt Nam tăng nhanh, chất lượng ngày càng được nâng cao

author 06:30 05/12/2019

(VietQ.vn) - Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua, số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng cả về số và chất lượng.

Sự kiện: Techfest Vietnam 2019: Sứ mệnh kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu

Startup tăng trưởng mạnh cả về số lượng và chất lượng

Phát biểu tại Hội thảo" Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019 - Cơ hội, thách thức và giải pháp để phát huy lợi thế" vừa diễn ra, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, số lượng startup tại Việt Nam thời gian qua có tốc độ tăng nhanh, từ 400 (năm 2012) lên gần 1800 vào năm 2015 và hơn 3000 trong năm 2018. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm cho startup Việt cũng đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2016 – 2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD.

Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28). Những bước tăng trưởng nhảy vọt kể trên đã đưa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lọt top 3 Đông Nam Á.

Cùng chia sẻ về những bước đột phá, những thành công của phong trào khởi nghiệp thời gian qua, bà Thạch Lê Anh, thành viên sáng lập Vietnam Silicon Valley (Đề án mô hình thung lũng Silicon của Bộ KH&CN) cho hay, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam mới thực sự được quan tâm từ năm 2016 với dấu mốc là sự ra đời Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 dựa trên tiền đề là Đề án Vietnam Silicon Valley năm 2013. Chỉ sau hơn 3 năm phát động, đã có những bước phát triển vượt bậc cùng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ông Phạm Hồng Quất cho biết, thời gian qua, starup Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng về số lượng. Ảnh: VNE

Từ đề án này Vietnam Silicon Valley đã ươm tạo 80 dự án. Trong số đó, 1/3 dự án đã thất bại ngay trong quá trình ươm tạo, 1/3 trở thành các công ty vừa và nhỏ. 28/80 startup còn lại đã gọi vốn thành công ở các vòng gọi vốn tiếp theo. Tỷ lệ này cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới (khoảng 10%).

Nói về lý do tỷ lệ startup được ươm tạo tại Vietnam Silicon Valley thành công cao hơn mặt bằng thế giới, ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc dự án của Vietnam Silicon Valley cho biết, các startup Việt đang ở giai đoạn vàng phát triển. Việt Nam là thị trường mới, những startup ra đời trong giai đoạn 5 năm trở lại đây có nhiều cơ hội trở thành số 1, số 2 trên thị trường do không phải cạnh tranh với các dự án lớn cũng như các đối thủ khác. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, startup có từ lâu, tính cạnh tranh cao hơn.

Một lý do nữa là Vietnam Silicon Valley đã xây dựng được quy trình ươm tạo tốt để lựa chọn các startup ban đầu và cung cấp nguồn lực để startup này phát triển. Ông Huy chia sẻ, sau 4 tháng tham gia ươm tạo, giá trị starup tăng trung bình 3-5 lần. Đáng lưu ý, trong số 28 startup gọi vốn được ở các vòng tiếp theo có nhiều startup đang thành công rực rỡ. Trong đó có 2 dự án được ươm tạo từ năm 2014 với số tiền 10.000 USD, đến nay một dự án đã tăng 20 lần và một dự án tăng 50 lần, có startup được định giá 31 triệu USD.

“Có startup được chúng tôi đầu tư 10.000 USD vốn ban đầu, đến nay sau 6 năm, khi thoái vốn chúng tôi thu về giá trị gấp 50 lần”, ông Phạm Ngọc Huy nói.

Ông Huy cũng cho biết thêm, chất lượng startup Việt Nam ngày càng được nâng cao bởi các họ được tiếp cận với kiến thức và thông tin xây dựng doanh nghiệp nhiều. Nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các startup cũng ngày càng nhiều gồm sự tham gia của  quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Để tồn tại được, các starup phải đi sâu hơn về công nghệ và mô hình kinh doanh. Vì vậy trình độ công nghệ của startup cũng chuyên sâu hơn. Điểm mạnh của startup Việt Nam là sức trẻ, sự nhiệt huyết, đam mê và sự hỗ trợ đến từ Chính phủ, cộng đồng, các nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, cũng theo ông Huy, nhiều startup khởi nghiệp khi còn chưa tích lũy đủ kinh nghiệm xây dựng công ty, kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực theo đuổi và năng lực tài chính. Ngoài ra, các startup Việt cũng phải cải thiện nhiều trình độ ngoại ngữ để có thể làm việc với các tập đoàn lớn, các quỹ đầu tư nước ngoài.

Vẫn còn những rào cản cần tháo gỡ

Ông Phạm Hông Quất cho rằng, dù có những bước phát triển triển ấn tượng nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và còn nhiều dư địa chưa được khai thác, tận dụng để phát triển. So với các nước trong khu vực, hệ sinh thái của chúng ta vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Các yếu tố như hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và văn hóa vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện từng bước.

Theo ông Quất, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn đang thiếu cân đối trong phát triển. Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam được thúc đẩy chính chỉ ở 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Nhưng qua thực tế thấy rằng, chỉ có ở ở quy mô địa phương mới có thể tạo ra những môi trường thúc đẩy đầu tư kinh doanh và gia tăng quy mô của doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua cách tạo dựng môi trường khởi nghiệp hợp lý.

"Chỉ có ở địa phương, các nền tảng của đổi mới sáng tạo là các trường đại học, viện nghiên cứu mới gắn sát được các nhu cầu và giá trị bản địa. Từ đó, các trung tâm ươm tạo, tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp mới có thể triển khai được các chương trình "đo ni đóng giày" cho doanh nghiệp địa phương", ông Quất nói. Doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương, phát triển dựa trên các thế mạnh của địa phương mới có thể giúp lôi kéo cộng đồng nhà đầu tư tại chính địa phương, trước khi những quỹ đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến.

Vẫn còn nhiều thử thách đang chờ đợi startup Việt ở phía trước. Ảnh minh họa 

Hiện lĩnh vực mà doanh nghiệp khởi nghiệp lựa chọn thường là bán lẻ, thanh toán và giáo dục. Tuy nhiên, ông Quất cho rằng những lĩnh vực kể trên sau một số năm phát triển đã dần được định hình với những ông lớn trong ngành khiến việc các startup mới rất khó tham gia vào thị trường nếu không có nguồn lực mạnh, trong khi đây là điều rất hiếm ở Việt Nam. Trong khi đó những lĩnh vực như văn hoá, sáng tạo và nông nghiệp vốn là thế mạnh truyền thống cho Việt Nam thì lại ít được quan tâm thậm chí là bỏ ngỏ không khai thác.

Vì vậy bên cạnh việc phát triển cân bằng hệ sinh thái giữa các địa phương và thành phố lớn, việc phát triển các chương trình từ cơ bản tới chuyên sâu liên quan đến chuyển giao mô hình, kiến thức về đầu tư mạo hiểm và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cũng cần được quan tâm đặc biệt

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang