Sự chuyển mình của Tết cổ truyền trong thời đại 4.0

author 10:05 06/02/2019

(VietQ.vn) - Tết cổ truyền là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo thời gian, bức tranh ngày Tết được tô điểm thêm nhiều màu sắc mới song không làm mai một những giá trị tốt đẹp.

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, người Việt trên mọi miền tổ quốc bồi hồi hướng về gia đình, chờ mong ngày đoàn tụ, sum vầy. Trong không khí hân hoan này, PV Chất lượng Việt Nam online (Vietq.vn) đã có buổi trò chuyện cùng PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Phó trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền xoay quanh chủ đề “Tết xưa và nay” đặt trong bối cảnh hiện đại, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0).

Trong bối cảnh hiện nay, mọi thứ trở nên đầy đủ, tiện nghi hơn có thể làm phai mờ những giá trị tình cảm gia đình, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tết Nguyên đán là một nét văn hóa lâu đời của người Việt, được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy mỗi năm việc đón Tết của người dân có sự thay đổi nhưng những nét văn hóa lâu đời vẫn còn nguyên vẹn.

Nhắc tới Tết, người ta không thể bỏ qua việc sửa soạn mâm cơm tất niên cúng ông bà tổ tiên để báo cáo thành quả một năm qua, những dự định trong năm mới; các gia đình quây quần bên nhau gói bánh chưng, nấu bánh chờ giao thừa tới. Hay tục đi chúc Tết đầu năm với mong muốn tuổi mới có nhiều thắng lợi, sức khỏe và đủ đầy.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Phó trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Thúy Ngân 

Tết còn là dịp các thành viên trong gia đình sinh sống, làm việc, học tập ở mọi miền tổ quốc trở về quây quần, sum vầy bên gia đình. Họ cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa chuẩn bị đón một năm mới với những dự định mới. Chính vì lý do này mà Tết trở thành “sợi chỉ” nối tất cả các thế hệ xích gần nhau hơn.

Thực tế, không chỉ trong nước, người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng đón Tết. Họ cùng nhau đi mua những món ăn mang hương vị quê hương, trong đó có bánh chưng, mứt Tết... và quây quần bên nhau đón chờ thời khắc giao thừa - năm cũ chuyển giao năm mới. Vì những ý nghĩa trên mà Tết cổ truyền đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Chúng ta luôn gìn giữ nó như một nét truyền thống lâu đời.

Tết trong bối cảnh hiện nay có nhiều điểm “chuyển mình”. Không ít người dành thời gian nghỉ Tết để đi du lịch (trong hoặc ngoài nước), nhằm khám phá các nền văn hóa khác trên thế giới. Theo chuẩn mực, Tết trước tiên là dịp đoàn tụ nhưng cũng là dịp để khám phá. Có những người, họ không còn ông bà, bố mẹ, người thân… thì đây là dịp để họ đi đó đây, nghỉ ngơi. Hoặc có nhiều gia đình, họ thường xuyên gặp nhau hàng ngày thì Tết là dịp để họ đi chơi, đi du lịch nhiều nơi. Miễn sao trước mỗi hành trình đó họ đã sắp xếp mọi thứ ổn thỏa.

Ngược lại, Tết là dịp để khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch. Thực tế, không chỉ Việt Nam mới có Tết, bánh chưng, hoa đào… nhưng những vị khách nước ngoài vẫn mong muốn đến Việt Nam những ngày này để tự mình cảm nhận được hương vị mùa xuân. Bởi Việt Nam nổi tiếng với nền văn hóa đa dạng, “đốn tim” thực khách với những món ăn ngon. Bên cạnh đó, khi đến Việt Nam những ngày này, du khách nước ngoài sẽ trực tiếp trải nghiệm đặc biệt các món ăn, trò chơi riêng biệt chỉ có khi Tết đến, những mùa khác không hề có. Đó là nét văn hóa mà người Việt nên truyền bá ra nước ngoài.

Vì thế, nói xu hướng hội nhập thời đại hiện nay, không chỉ giới trẻ mà tất cả mọi người đều có thể đi đây đó bởi Tết là dịp để xê dịch, khám phá. Đây cũng là thời điểm lý tưởng đề các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển, thúc đẩy việc sản xuất, tiêu dùng, tăng ngân sách cho nhà nước.

So với các năm 60, 70 thì Tết bây giờ thay đổi như thế nào? Đặc biệt ở khía cạnh phong tục, tập quán, đời sống tinh thần, vật chất hưởng thụ?

Tết ngày nay có nhiều điểm khác với Tết ở những năm 60, 70 vì chất lượng cuộc sống được nâng cao, điều kiện vật chất không thiếu thốn, thậm chí dư thừa. Tuy nhiên, những giá trị truyền thống thì phải gìn giữ từ thế hệ này tới thế hệ kia.

Nếu như trước đây, đời sống còn khó khăn, việc ăn uống ngày Tết được đưa lên hàng đầu thì ngày nay, điều kiện kinh tế phát triển, Tết không còn quá quan trọng vấn đề ăn uống nhưng người ta không bỏ hoàn toàn tập tục này. Hiện tại, người Việt đón Tết chú trọng việc đi chơi, du lịch, thăm hỏi ông bà… Bên cạnh đó là xu hướng hưởng thụ các sản phẩm tinh thần như: xem phim, ca nhạc… dịp đầu xuân cũng tăng lên.

Tuy nhiên, có một điều không hề thay đổi chính là giữ mối giao lưu, giao tiếp giữa các thế hệ - đó là truyền thống gói bánh chưng ngày Tết. Tại gia đình tôi, không nhiều người ăn bánh chưng nhưng vì nét văn hóa dân tộc, hàng năm tôi vẫn chuẩn bị lá dong, đỗ, gạo, thịt lợn… để gói bánh chưng. Sau đó, gia đình gửi biếu ông bà, hàng xóm, người thân… Thông qua hoạt động này, tôi muốn con cháu hiểu hơn về ý nghĩa ngày Tết, quý trọng những nét văn hóa lâu đời mà ông cha gìn giữ.

Năm 2012, tôi đón Tết ở Mỹ. Thời điểm đó, không chỉ tôi mà những người Việt xa xứ đã mua bánh chưng (0,5kg/chiếc) với giá 12 USD. Tại sao chúng tôi lại bỏ số tiền đó ra mua bánh chưng? Bởi nó mang hương vị Tết, vị quê nhà.

Màu xanh của lá dong, màu đỏ của hoa đào, màu vàng của hoa mai, vị ngọt mứt Tết, dưa hành… là những hương vị truyền thống, không thay đổi trong từng nếp nhà Việt Nam. Cho nên, trong bối cảnh hiện đại, khi điều kiện vật chất đủ đầy, người dân không còn đặt nặng việc ăn uống thay vào đó là giao lưu, là gặp gỡ và khám phá mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tôi mong rằng, các gia đình nên giữ nét truyền thống đó, không giao du những thứ lai căng, mất vẻ truyền thống của người Việt.

Ông nghĩ như thế nào về hình ảnh các gia đình chuẩn bị lá dong, gạo nếp… chuẩn bị gói bánh chưng trong thời đại 4.0?

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) làm con người xích lại gần nhau hơn. Cuộc sống thay đổi nhiều, sự giao lưu giữa mọi người trở nên đa dạng hơn. 4.0 giải quyết được vấn đề khoảng cách thông tin liên lạc, giao lưu, giao tiếp xã hội.

Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, những con người xa xứ đón Tết ở nước ngoài có thể gọi điện, nhìn qua màn hình điện thoại (máy tính)… gửi những lời chúc tốt đẹp tới gia đình trong thời khắc giao thừa, đón năm mới. Họ cũng có thể gửi gia đình, bạn bè người thân… những món quà dịp đầu năm mới. Tuy nhiên, 4.0 cũng không thể thay thế được hương vị đón Tết bên gia đình. Bởi cảm xúc phải cảm nhận trực tiếp qua cử chỉ, hành động. Do đó, những giá trị truyền thống chỉ ngày Tết cần phải giữ.

Nói về hình ảnh những người mẹ tảo tần, chuẩn bị đầy đủ lá dong, thịt, đỗ, gạo… để gói bánh chưng ngày Tết, chúng ta càng phải trân trọng nét văn hóa này. Bởi 4.0 có thể dễ dàng mua sắm mọi thứ nhưng không mua được giá trị nhân văn, sự sẻ chia, cảm nhận của từng cá nhân. Do đó, 4.0 không thể thay thế những giá trị đích thực, giá trị truyền thống.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này!

Thúy Ngân

Tết Kỷ Hợi 2019: Viettel dự báo nhu cầu 4G sẽ tăng đột biến(VietQ.vn) - Theo phân tích và dự báo của Viettel, Tết Kỷ Hợi năm nay, xu hướng sử dụng dịch vụ data sẽ tiếp tục tăng mạnh. So với Tết năm 2018, nhu cầu data tăng gần 2 lần, đặc biệt tăng đột biến ở mạng 4G với gần 2,5 lần.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang