Sử dụng mỹ phẩm pha trộn tiềm ẩn rủi ro nhưng vẫn nhiều người 'liều'

author 06:12 06/06/2020

(VietQ.vn) - Hiện nay nhiều em phụ nữ có xu hướng thích mua mỹ phẩm làm đẹp bằng các sản phẩm pha trộn sẵn bởi được quảng cáo có tác dụng 'thần kỳ' cho làn da. Tuy nhiên cần hết sức thận trọng trước những sản phẩm pha trộn này.

Pha trộn lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Long An, mới đây Đội QLTT số 3 đã phối hợp Công an thành phố Tân An và Công an xã An Vĩnh Ngãi, kiểm tra đột xuất mọt hộ gia đình chuyên sản xuất mỹ phẩm thuộc địa bàn xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn các loại nguyên liệu mỹ phẩm, dụng cụ dùng để sản xuất, pha trộn mỹ phẩm, nhưng đại diện hộ gia đình không xuất trình được các giấy tờ có liên quan. Ngay sau đó, Đội QLTT số 3 quyết định tạm giữ 8.709 sản phẩm mỹ phẩm thành phẩm, 124 kg sản phẩm mỹ phẩm chưa thành phẩm, 3.000 vỏ hộp và một số dụng cụ dùng để pha trộn, sản xuất mỹ phẩm như, ca nhựa, thau inox, chảo nhôm.

 Lực lượng chức năng Long An phát hiện lượng lớn mỹ phẩm pha trộn không đảm bảo chất lượng. Ảnh: Cục QLTT Long An

Trong diễn biến liên quan tới mỹ phẩm trộn, trước đó Cục QLTT tỉnh Bình Định cũng đã tạm giữ một số lượng lớn mỹ phẩm (gồm bột, thuốc trị nám; kem trộn...) không có nguồn gốc được vận chuyển đi tiêu thụ tại địa bàn tỉnh Bình Định..

Cụ thể, Đội QLTT tỉnh Bình Định số 3 phối hợp với Đội 3 (thuộc Phòng PC03 Công an tỉnh Bình Định) tiến hành kiểm tra ôtô tải BKS 77C-128.81 do ông Hoàng Trọng Cường (địa chỉ tại xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) điều khiển đang đậu đỗ bốc hàng hóa cho bà Nguyễn Thị Uông Nguyên tại thôn Vĩnh Bình (xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ).

Qua kiểm tra phát hiện 210 lọ nhựa chứa bột (có mùi bột đậu); 95 bì thuốc gia truyền trị nám; kem trộn các loại hiệu Nguyên Đô (849 chai, lọ và 30 viên nhộng). Tất cả số hàng hóa này là mỹ phẩm tự pha trộn không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ.

Tiếp tục kiểm tra nơi sản xuất kem trộn nói trên của bà Nguyễn Thị Uông Nguyên, lực lượng chức năng đã phát hiện số tang vật vi phạm hành chính dùng để sản xuất kem trộn gồm 3 kg nhãn hàng hóa in sẵn các loại để gắn vào kem trộn thành phẩm; 63 lọ kem thành phẩm do nước ngoài sản xuất; 3,4 kg bột màu vàng, đen không có hóa đơn chứng từ và vật dụng sản xuất kem trộn, vỏ bao bì chứa nguyên liệu để sản xuất kem trộn.

Tác hại dùng kem trộn không rõ nguồn gốc

Sau khi dùng kem trộn không rõ nguồn gốc mua trên mạng để điều trị nám da, gương mặt cô gái trẻ bị hủy hoại với làn da loang lổ, sẩn viêm, mụn mủ,... Cụ thể, bệnh nhân là cô gái 26 tuổi, ngụ tại tỉnh Đăk Lăk, đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM khám với tình trạng ngứa nhiều, sẩn viêm, mụn mủ, vết xước do gãi và sạm đen toàn bộ vùng mặt, cổ giới hạn không rõ, bề mặt loang lổ.

Trước đó, bệnh nhân cho biết đã tự điều trị nám da tại nhà bằng một loại kem trộn không rõ nguồn gốc được quảng cáo trên mạng. Sau vài ngày chị bị ngứa rát nhẹ, bong vảy vùng mặt và cổ.

Chất lượng máy rửa mặt chị em đang tìm kiếm có 'thần thánh' như quảng cáo?(VietQ.vn) - Hiện nay máy rửa mặt đang được nhiều chị em săn lùng mua nhưng theo phân tích của các nhà khoa học thì chất lượng sản phẩm này không "thần thánh" như lời quảng cáo.

Lo lắng vì tổn thương da mặt ngày càng nhiều, chị đến một spa ở gần nhà để điều trị thì được cơ sở này cho thuốc thoa không rõ loại. Khi thoa loại thuốc này, người bệnh thấy mặt ngứa nhiều hơn, tiếp tục sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của spa sau vài tuần tình trạng ngứa tăng lên và da mặt càng ngày càng sạm đen, xuất hiện thêm nhiều mụn mủ, sẩn viêm.

Bệnh nhân được chẩn đoán ban dạng trứng cá và tăng sắc tố sau viêm trên nền bệnh nám da do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc bôi, thuốc uống, chống nắng và sử dụng laser picosecond. Kết quả sau 8 tuần điều trị, tình trạng da dần được cải thiện, hết ngứa, sẩn viêm và mụn mủ.

Theo Bs Trần Ngọc Khánh Nam, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da của BV cho biết, đây là bệnh lý cần phải điều trị lâu dài kết hợp với ý thức chăm sóc da của người bệnh thì mới mang lại hiệu quả rõ rệt. Tùy vào mức độ nám mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị, bao gồm thuốc và sử dụng các máy laser tiên tiến. Thông thường, sau 4-6 lần điều trị bằng laser, mỗi lần cách nhau 4-6 tuần thì mới thấy được hiệu quả.

Cũng theo các bác sĩ, các loại mỹ phẩm trôi nổi hoàn toàn không mang lại hiệu quả như mong đợi mà ngược lại sẽ làm da khô, sần sùi hoặc tăng tiết dầu khiến tình trạng nám nặng nề hơn, thậm chí gây kích ứng, dị ứng da. Nhiều người quá tin dùng và đã mua sử dụng khiến cho tiền mất, tật mang hỏng da thậm chí nguy hại cho sức khỏe. Đặc biệt, việc tự ý sử dụng các loại kem, thuốc bôi trôi nổi, không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm, có thể khiến da bị tổn thương nặng và chi phí điều trị tốn kém hơn.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang