Thực phẩm chế biến sẵn trên mạng- khó kiểm soát nên rất dễ gây ngộ độc cần tránh dùng

author 10:12 04/10/2020

(VietQ.vn) - Do nhu cầu người tiêu dùng tăng cao nên hiện nay thực phẩm chế biến sẵn được rao bán nhiều trên mạng tuy nhiên loại thực phẩm này khó kiểm soát về chất lượng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc.

Gần đây, số người tiêu dùng có xu hướng mua thực phẩm chế biến sẵn được rao bán trên mạng nhiều hơn, bởi tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian và không phải đi lại. Tuy nhiên, việc sử dụng các thực phẩm đặt mua trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Lê Thị Mai (TP Thanh Hóa) cho biết: "Tôi làm trong ngành y tế, phải trực luân phiên để bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Do công việc bận rộn nên thường phải mua bán thực phẩm online. Với hình thức mua bán này thì rất khó kiểm định chất lượng sản phẩm. Do đó, tôi thường mua thực phẩm online của những người thân quen".

Mua thực phẩm chế biến sẵn trên mạng nguy cơ mất an toàn cao cần tránh lạm dụng. Ảnh minh họa 

Nói về vấn đề này, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, do khách hàng thường biết đến các địa chỉ bán thực phẩm online thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các trang rao vặt. Việc mua - bán thực phẩm online chủ yếu được thực hiện dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua. Điều đáng nói, hầu hết các cơ sở này đều là kinh doanh không có giấy phép, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, bên cạnh những tiện ích thì việc mua thực phẩm chế biến sẵn được bán online cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm... Hơn nữa, trên thực tế, công tác quản lý, kiểm soát việc mua - bán online là rất khó khăn. Đôi khi, khách hàng mua phải thực phẩm kém chất lượng nhưng rất khó để kiện người bán.

Thực phẩm bán online chủ yếu được chế biến tại hộ gia đình. Với quy mô chế biến nhỏ lẻ, không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, thực phẩm được bán online tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc. Hơn nữa, với phương thức sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, nhiều hộ chế biến thực phẩm không đủ trang thiết bị để bảo quản, không đủ kiến thức về dinh dưỡng..., chưa kể đến sự hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào.

Để hạn chế mua thực phẩm trên mạng không bảo đảm an toàn, người tiêu dùng nên cẩn trọng trong lựa chọn, chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: chủ sở hữu website, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Chi cục cũng lưu ý thêm, người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua thực phẩm ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng. Hoặc khi người mua hỏi thông tin thì người bán cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

Nhập lậu lượng lớn cánh gà, cá cay về bán tại cửa hàng bị xử lý(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT Lào Cai phát hiện, xử lý cơ sở kinh doanh bánh ngọt, cánh gà, cá cay nhập lậu.

Thông tin thêm về vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định, bất kỳ cơ sở nào không có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì không được phép chế biến kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn. Do vậy các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp, cá nhân buôn bán, kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn bán trên mạng. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, để tránh các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, khi mua thực phẩm chế biến sẵn qua mạng, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức trong mua sắm online. Không nên chỉ dựa vào hình ảnh quảng cáo trên mạng để rồi “tiền mất, tật mang”.

Trong thời gian tới, đề nghị Sở Y tế các tỉnh cần triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSTP; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm soát và xử phạt  các  hành vi vi phạm Luật An toàn thực phẩm năm 2010; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vai trò của người tiêu dùng trong lựa chọn những sản phẩm và nơi bán tin tưởng, chất lượng, cũng như người tham gia các khâu từ sản xuất, bảo quản, đóng gói.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang