Sử dụng và bảo quản sữa thế nào cho đúng?

author 10:12 02/09/2012

(VietQ.vn) - Sữa có giá trị dinh dưỡng cao và quen thuộc với mọi gia đình, nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng và bảo quản sữa. Sau đây là một số bí quyết giúp bạn chọn mua và sử dụng sữa đúng cách.

Chị Hoa (Hoàng Mai - Hà Nội) mấy hôm nay đang đau đầu vì chuyện thằng bé Min 3 tuổi bị đi ngoài không rõ nguyên nhân. Đi khám bác sỹ chị được biết nguyên nhân là do uống sữa không đảm bảo. Chị là người kỹ tính, trước khi mua hàng chị đã xem rất kỹ hạn sử dụng, hộp sữa mua cho con cũng còn nguyên tem, nguyên nắp nhưng nghe bác sỹ phân tích một hồi chị mới tá hỏa nhận ra. Sữa con chị đang uống có thể bị biến chất do nắng chiếu vào. Vốn là do đi làm về muộn, con hết sữa nên chị đã ghé tạm đại lý gần nhà mua và giá bày sữa của họ để ngay dưới mái hiên cửa hàng nên thường xuyên bị nắng chiếu vào. Trường hợp của chị chỉ là một phần các lý do bị ảnh hưởng sức khỏe do mua sữa hoặc bảo quản sữa không tốt. Một số vấn đề do sữa có thể xảy đến do nhiều nguyên nhân mà người tiêu dùng ít khi để ý.

Sữa là thức uống nhiều dinh dưỡng, đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ

Cách chọn mua sữa:
Khi mua các loại sữa đóng hộp, đóng gói..., bạn cần chú ý đến thời gian sản xuất hay hạn sử dụng (hãy chọn sữa còn hạn sử dụng càng dài càng tốt). Ngoài ra cũng cần xem kỹ để đảm bảo hộp sữa còn nguyên vẹn, không bị méo mó, không phồng, gỉ, hoặc vết lõm, thủng lỗ. Phải chọn những cửa hàng bày bán sữa ở nơi thoáng mát, không bày trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Sữa hộp, dù có lớp áo chắc chắn, chịu lực tốt, có lớp nilông bọc bên ngoài, vi khuẩn khó xâm nhập... nhưng nếu đem phơi nắng vài ngày thì hoàn toàn có thể bị biến chất.

Sữa chứa trong bịch giấy thì càng dễ hỏng hơn nữa. Vì vậy nếu đại lý bán bảo quản không tốt như đặt sữa bên ngoài hay trong nhà nhưng bị nắng trực tiếp chiếu vào; đặt quá nhiều thùng sữa chồng lên nhau hay nhiều thùng sản phẩm khác chồng lên thùng sữa; vỏ hộp, vỏ thùng sữa có dấu vết xây xát, móp méo... thì không nên mua. Ngoài ra, cũng không nên mua sữa chua nếu nó không được bảo quản trong tủ lạnh. Bởi loại sữa này cần được bảo quản liên tục ở nhiệt độ 4 - 6 độ C mới đảm bảo giữ được chất lượng sản phẩm. Khi mua về mở hộp ra hoặc sau khi pha sữa, nếu thấy sữa bị đóng cục, có màu hay mùi khác lạ thì không nên dùng.

Cần biết cách sử dụng và bảo quản sữa để đảm bảo sức khỏe

Sử dụng và bảo quản:
Tùy theo từng loại sữa mà chúng ta có cách sử dụng và bảo quản khác nhau:
Như chúng ta đã biết sữa tươi là một sản phẩm giàu dinh dưỡng. Sữa mới vắt ra ở nhiệt độ 35-37 độ C và dù có tuân thủ chặt chẽ điều kiện vệ sinh vắt sữa đến đâu thì trong sữa vẫn luôn có một lượng vi khuẩn nhất định. Các vi khuẩn này phát triển và nhân lên nhanh chóng, làm cho sữa bị chua và hỏng. Chính vì vậy, trong vòng 1 giờ sau khi vắt, sữa phải được chế biến hoặc phải được bảo quản lạnh ở nhiệt độ 2 - 5 độ C (có thể giữ sữa tươi được 1 - 2 ngày).

Trên thị trường sữa tươi hiện nay có 2 loại là sữa tươi thanh trùng và sữa tươi tiệt trùng. Sữa tươi thanh trùng thường được đóng trong chai nhựa hoặc túi nilông, thời gian sử dụng ngắn, thường 3 - 7 ngày với điều kiện luôn luôn được bảo quản lạnh thì sữa mới không bị hỏng. Sữa tươi tiệt trùng theo phương pháp hiện đại chứa trong hộp giấy thì không cần giữ lạnh trước khi mở hộp, nhưng sau khi mở hộp thì phải bảo quản trong tủ lạnh và dùng hết trong vòng 48 giờ. Nếu sữa vắt ra chỉ được nấu sôi tiệt trùng theo phương pháp thủ công tại hộ gia đình và chứa trong chai với nút đậy sơ sài thì nên trữ lạnh và dùng hết trong vòng 24 giờ. Chú ý để đảm bảo an toàn vệ sinh, thời gian nấu sôi sữa tươi phải đủ 30 phút, chai đựng phải rửa sạch và luộc trước khi đựng sữa. 

Thanh Ly
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang