Sự khác biệt trong mâm cỗ trung thu giữa các nước châu Á

author 10:00 14/09/2016

(VietQ.vn) - Cùng có phong tục đón trung thu nhưng ẩm thực mỗi nước khác nhau, vậy những nước láng giềng - họ có gì trên mâm cỗ trung thu?

Bánh mặt trăng – Nhật Bản

Trong truyền thuyết về đêm trung thu ở Nhật Bản chỉ xuất hiện chú thỏ ngọc trắng tinh chứ không có chú Cuội, chị Hằng như ở Việt Nam. Người Nhật tin rằng có một chú thỏ như thế đang sống trên mặt trăng. Vì vậy, mỗi khi ngắm trăng họ thường tưởng tượng chú thỏ đang giã bánh bao hay bánh Tsukimi Dango. Chính vì vậy loại bánh dango là bánh đặc trưng vào dịp trung thu ở Nhật Bản. Bánh tròn, mềm được làm từ bột gạo và ăn kèm sốt mặn hoặc ngọt. Dango cũng thường được thưởng thức kèm trà xanh.

Bánh trăng khuyết – Hàn Quốc

Bánh trăng khuyết hay còn gọi là bánh songpyeon là món ăn không thể thiếu với người Hàn Quốc mỗi dịp trung thu. Bánh được làm từ bột gạo, có nhiều hương vị khác nhau từ đậu đỏ, đậu xanh, vừng…Màu sắc của bánh được tạo ra từ những loại rau, củ tươi ngon. Mâm cỗ trung thu của người Hàn được bày biện rất trang trọng và không bao giờ thiếu bánh trăng khuyết.

Bánh đoàn viên – Trung Quốc

Có thể nói Trung Quốc chính là cái nôi của ngày tết trung thu với rất nhiều điển tích, điển cố về ngày này. Món ăn đặc trưng ngày rằm trung thu của người Trung Hoa không thể thiếu bánh nướng và bánh dẻo. Tuy nhiên, mỗi vùng lại có những hương vị khác nhau dựa trên bốn loại nguyên liệu cơ bản là: nhân hạt sen nhuyễn, nhân đậu đỏ, nhân mứt hoa quả và nhân ngũ cốc.

Bánh nướng Hopia – Philippines

Bánh trung thu ở Philippines thường được gọi là Hopia (bánh nướng ngon), gồm nhiều "phiên bản" như hopiang mungo (bán nướng đậu xanh), hopiang baboy (bánh nướng thịt heo), hopiang Hapon (Bánh nướng Nhật Bản), hopiang ube (bánh nướng khoai lang tím)...

Bánh cốm dẹp – Campuchia

Lễ hội trung thu của người Campuchia thường diễn ra muộn hơn so với các nước khác, vào ngày rằm tháng 10 thay vì tháng 8 và được gọi là lễ Ok Om Pok. Lễ hội diễn ra chủ yếu vào ban đêm khi diễn ra cuộc thi thả đèn gió với ngụ ý gửi những mong ước, khao khát của con người đến với thần linh. Mâm cỗ trung thu của người Campuchia vào đêm rằm mang đặc trưng riêng với món cốm dẹp, chuối, khoai và mía…

Mâm cỗ của người Việt

Có thể nói mâm cỗ trung thu của người Việt ảnh hưởng không nhỏ từ người Trung Hoa, vì vậy không thể thiếu bánh nướng và bánh dẻo. Tuy nhiên trung thu không đơn thuần là một ngày lễ mà còn là báo hiệu một mùa vụ mới với người Việt. Chính vì vậy, bên cạnh hai loại bánh cổ truyền, người Việt Nam luôn chuẩn bị mâm cỗ trung thu rất tươm tất với đủ loại hoa quả mùa thu như: hồng, bưởi, chuối, na…

Mỗi quốc gia có một phong tục và món ăn trung thu khác nhau nhưng tựu chung lại, trung thu vẫn là dịp để người người đoàn tụ với gia đình. Phá cỗ trông trăng cũng là cách để chúng ta gửi gắm ước muốn về cuộc sống viên mãn, đủ đầy. 

Bích Chi (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang