Sự minh bạch của báo cáo

author 16:27 17/10/2012

(VietQ.vn) - Ý nghĩa của Báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội của một quốc gia trong một năm là cực kỳ quan trọng. Đó không những là thông tin để nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội trong một năm, mà còn là tư liệu đặc biệt ý nghĩa để các nhà hoạch định chính sách sử dụng, tham khảo khi đưa ra các quyết định.

Báo cáo có chính xác, trung thực, minh bạch mới thể hiện đúng tình hình của nền kinh tế, hiện trạng của xã hội, qua đó mới có thể sử dụng giải pháp chính xác nhằm khắc phục hạn chế hay phát huy những ưu điểm, tiến bộ. 

Tuy thế, ngày 16/10, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013, đã có nhiều người băn khoăn về những con số thống kê cũng như nội dung của bản báo cáo. 
 
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Tôi được biết dư nợ ngân hàng khoảng 2 triệu tỉ đồng thì bất động sản đã 1 triệu tỉ đồng”. Thế nhưng, khi được đề nghị trả lời, Đại diện Ngân hàng Nhà nước - ông Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến lại cho rằng nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm 5% trong tổng dư nợ. Vậy đâu là con số chính xác, cụ thể thì là nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng là 5% hay là 1 triệu tỉ đồng (tương đương 50% dư nợ ngân hàng), như con số mà qua một “kênh” nào đó, Chủ tịch Quốc hội biết được? 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu
 
Rõ ràng, độ “vênh” nhau trong phát biểu nói trên không khỏi khiến dân tình lo lắng. Ngân hàng là nguồn cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng lại có tình trạng nợ xấu lên đến hàng triệu tỉ đồng như hiện nay sẽ thắt chặt lại lượng tiền được đưa vào lưu thông trong nền kinh tế, các doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn sẽ rất khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay hòng vượt qua khủng hoảng.  
 
Báo cáo không chỉ ra nợ xấu ngân hàng cụ thể, chính xác hiện đang nằm ở đâu, thì làm sao có thể khắc phục được tình trạng này trong thời gian tới? Rồi nguy cơ mất khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại ngày càng lớn thì sẽ bấu víu vào giải pháp nào để tháo gỡ, hay lại quay lại tình trạng hà hơi, tiếp sức từ Ngân hàng nhà nước như thời gian qua?
 
Không dừng lại ở câu chuyện nợ xấu ngân hàng, mà trong tổng thể Báo cáo, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thì “một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nêu báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, số liệu báo cáo còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
 
Có thể thấy, hiện nay tình trạng các cơ quan Nhà nước cố tình "làm đẹp” báo cáo là khá phổ biến. Để có một "báo cáo đẹp” trong nhiều trường hợp, những người làm báo cáo đã lờ đi các con số thống kê trung thực, phản ánh đúng tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị mình. Sau đó, qua các lần tổng hợp lại, sự vênh nhau, chênh lệch và sai số so với thực tế càng cao, đẩy đến việc những gì được thấy trong báo cáo hoàn toàn méo mó biến dạng so với thực tế. 
 
Mà một khi, các nhà hoạch định chính sách lại dùng các thông tin báo cáo để làm cơ sở cho việc tìm ra thuốc chữa cho căn bệnh nợ xấu ngân hàng thì không loại trừ khả năng bệnh sẽ nặng thêm. 
 
Do vậy, không thể xem nhẹ việc báo cáo, bởi từ chính công việc mang tính “bếp núc” này, sự minh bạch, cụ thể, tường minh của các thông tin có hay không sẽ giúp chính chúng ta biết mình đang ở đâu, đã làm những gì và phải làm những gì để khắc phục những sai lầm. 
 
Lê Cao
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang