"Sự sáng tạo của Nhà báo đang bị xà xẻo"

author 11:40 06/03/2013

(VietQ.vn) - Người ta kêu trời vì các sáng tạo, lao động, cống hiến của các nhạc sỹ, nhà văn, nhà báo bị thoải mái xà xẻo một cách vô lối.

Ở nước ta hiện nay vấn đề bảo hộ quyền tác giả nói chung, quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí nói chung còn rất yếu kém.

Nói là pháp luật đã giăng ra nhiều, bủa vây lắm bằng hàng loạt văn bản nhưng quyền sở hữu trí tuệ hàng ngày vẫn bị vi phạm. Người ta kêu trời vì các sáng tạo, lao động, cống hiến của các nhạc sỹ, nhà văn, nhà báo  bị thoải mái xà xẻo một cách vô lối.

Đó là sự bất lực của sự rối rắm quy phạm nhưng thiếu sự hiện hữu của hiệu quả thi hành pháp luật hiện hành nói chung.

Từ  vụ việc trang điện tử baomoi.com tùy tiện và chủ động gom quét tin bài của các báo về trang mình để xây dựng kho dữ liệu tin tức phong phú bằng máy chứ không phải bằng sự sáng tạo, lao động cật lực của các phóng viên tác nghiệp, chúng tôi đã trao đổi với Ông Lê Cao - Chuyên gia pháp lý, Công ty Luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng) liên quan đến các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm báo chí.

- Thưa ông, báo chí có được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không?

Theo quy định hiện hành tại Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ thì tác phẩm báo chí cũng là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ bài viết, tin tức báo chí nào cũng được pháp luật bảo hộ quyền tác giả, mà có những thông tin, bài viết pháp luật khuyến khích công bố rộng rải trên nhiều phương tiện cho công chúng được biết.

Theo hướng dẫn tại Nghị định 100/2006/NĐ-CP thì có thể hiểu các tác phẩm báo chí mà thuộc vác thể loại như: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác thì thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.

Baomoi.com đang đối diện với mức phạt nặng nhất của Bộ TTTT sau khi hang loạt tờ báo lên tiếng phản đối việc dẫn thông tin chưa xin phép

Bên cạnh đó, cũng là các thông tin thể hiện trên các loại hình báo chí nhưng không được bảo hộ quyền tác giả là: những tin tức thời sự thuần túy đưa tin (các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo); Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính (bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật); văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó; quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

- Đối với các tác phẩm báo chí được bảo hộ quyền tác giả thì việc sử dụng các tác phẩm đó pháp luật bắt buộc phải thực hiện điều gì?

Trước hết chúng ta cần hiểu rằng nội dung quyền tác giả, quyền mà theo Luật sở hữu trí tuệ được bảo vệ trong một số trường hợp bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Thứ nhất, về quyền nhân thân bao gồm các quyền: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Tổ chức, cá nhân khi công bố tác phẩm phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Thứ hai, về quyền tài sản bao gồm: Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Sao chép tác phẩm; Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Các quyền này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện.

Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền nói trên phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Như vậy, đối với các tác phẩm báo chí được bảo hộ quyền tác phẩm như: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí ... thì khi phân phối, truyền đạt, sao chép ... tổ chức, cá nhân phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả.

Pháp luật sở hữu trí tuệ nghiêm cấm: sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả ...

- Có ngoại lệ nào trong việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí không, thưa ông?

Ngoài những quy định nhằm bảo hộ quyền tác giả, thì pháp luật cũng khuyến khích các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không cần phải xin phép, không phải trả nhuận bút.

- Đó là những trường hợp nào, thưa ông?

Đó là các trường hợp: Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;  Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu; Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại; Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu; Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị ...

Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm trong trường hợp nói trên không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

- Việc website Baomoi.com sao chép dẫn lại các thông tin bài viết của các trang báo điện tử khác như vậy có phải là hành vi vi phạm pháp luật?

Dựa trên hình thức và hoạt động của baomoi.com thì đó có thể là một trang thông tin điện tử tổng hợp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.

Theo Nghị định 97/2008/NĐ-CP thì trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử trên Internet của tổ chức hoặc doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở trích dẫn lại thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan báo chí hoặc từ các trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Về nguyên tắc, việc thiết lập trang thông tin điện tử, việc cung cấp, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin điện tử trên Internet phải tuân thủ các quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về báo chí, pháp luật về xuất bản, pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, pháp luật về bản quyền, pháp luật về quảng cáo và các quy định quản lý thông tin điện tử trên Internet.

- Pháp luật quy định như thế nào về việc trích dẫn nguồn tin đối với trang thông tin này, thưa ông?

Thông tư số 14/2010/TT-BTTTT chỉ rõ việc trích dẫn thông tin là trích dẫn nguyên văn, chính xác từ nguồn tin chính thức, không bình luận, bao gồm cả việc ghi rõ tên tác giả, tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó.

- Như vậy, có phải là trang thông tin điện tử baomoi.com có quyền trích dẫn lại các bài báo đã công bố của các báo điện tử một cách tùy tiện và không xin phép hay không?

Việc trích dẫn nguồn tin là theo quy định về quản lý thông tin điện tử trên internet. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp như thế cần phải đảm bảo tuân thủ về mặt pháp lý đối với cả vấn đề sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm báo chí được bảo hộ quyền tác giả. Như chúng tôi đã nói kỹ ở phần đầu, chiếu theo pháp luật về sở hữu trí tuệ thì cần phải xem xét việc sử dụng các tác phẩm báo chí được bảo hộ đã được sự đồng ý hay chưa, có thuộc trường hợp không phải xin phép không ...

Từ đó, nếu các báo điện tử bị sử dụng các tác phẩm báo chí mà không có sự xin phép nào từ phía baomoi.com thì có thể nghiên cứu, xem xét trên khía cạnh truyền đạt tác phẩm đến công chúng đã được sự cho phép hay chưa.

- Ông đánh giá như thế nào khả năng khởi kiện của một số tòa soạn báo đối với trang baomoi.com liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ?

Riêng chúng tôi thì rất hoan nghênh sự hành động của chính những người bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ âm nhạc, văn học nghệ thuật mà còn ở cách lĩnh vực sở hữu công nghiệp ...

Tự bảo vệ chính quyền của mình cũng là một trong những giải pháp có nhiều cơ may nhất để chống lại sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Khi có chứng cứ, cơ sở pháp lý kết luận việc các tác phẩm báo chí của mình được pháp luật bảo hộ bị xâm phạm thì các tòa soạn hoàn toàn có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hoặc khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình ...

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi

Phùng Gia

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:Baomoi, baomoi.com

tin liên quan

video hot

Về đầu trang