Những thành tựu nổi bật trong ‘Hành trình đến sao Hỏa’ của NASA

author 21:03 08/11/2015

(VietQ.vn) - Nhiều tháng trở lại đây, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) liên tiếp công bố những khám phá quan trọng về bầu khí quyển, nước dạng lỏng,... trong quá trình tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa.

Sự kiện: Sao Hỏa huyền bí

Tồn tại nước dạng lỏng trên sao Hỏa

Hôm 28/9, các nhà khoa học của NASA cho biết, họ đã phát hiện có khoáng chất ngậm nước tại những vệt sẫm màu xuất hiện trên bề mặt của sao Hỏa. Đây được coi là khám phá cực kỳ quan trọng trong công cuộc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa của cơ quan này.

Báo VOV cho biết, NASA cũng công bố cả những bức ảnh về những vệt sẫm màu nói trên mà các nhà khoa học vẫn thường gọi là “Dốc Linaea” - sườn dốc biến thiên định kỳ. Họ tin rằng, các vệt sẫm màu là do dòng nước ngầm, mặn chảy và thấm ra bề mặt tạo nên.

Trong quá trình tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa, NASA đã phát hiện các vệt đen dài 100m là những dòng nước chảy

Trong quá trình tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa, NASA đã phát hiện các vệt đen trên sườn dốc tại đỉnh núi lửa Horowitz có thể là những dòng nước chảy. Ảnh NASA

Telegraph dẫn thông tin từ báo cáo của NASA, những vệt nước này chỉ xuất hiện khi nhiệt độ bề mặt của Sao Hỏa lớn hơn -23 độ. Chính muối ở trong nước đã giúp cho dòng nước này không bị đóng băng. Chính vì thế, nước trên Sao Hỏa sẽ mặn hơn nước ở trên Trái Đất rất nhiều.

Từng có những hồ nước cổ xưa trên sao Hỏa

Sau khi đưa ra thông tin về nước dạng lỏng trên sao Hỏa vài ngày, các nhà khoa học của NASA lại cho rằng, trên bề mặt sao Hỏa từng tồn tại những hồ nước cách đây 2-3 tỉ năm.

Phát hiện này tiếp tục củng cố giả thiết “một sao Hỏa ướt át”. Hình ảnh quan sát của robot tự hành Curiosty cho thấy những dòng chảy và hồ nước từng tồn tại trong một thời gian dài trên sao Hỏa, báo Tuổi trẻ đưa tin theo kên Fox News.

Sự sống trên sao Hỏa có thể đã từng tồn tại từ cách đây 2-3 tỉ năm khi hành tinh này vẫn còn nước

Sự sống trên sao Hỏa có thể đã từng tồn tại từ cách đây 2-3 tỉ năm khi hành tinh này vẫn còn nước

“Rõ ràng là cách đây hàng tỉ năm sao Hỏa giống với Trái đất nhiều hơn bây giờ. Thách thức của chúng tôi là hiểu được tại sao khi đó Hỏa tinh có được môi trường đó và chuyện gì đã xảy ra”, chuyên gia Michael Mayer, người đứng đầu chương trình thăm dò sao Hỏa của NASA, nói.

Bão Mặt Trời là nguyên nhân phá hủy bầu khí quyển sao Hỏa

Theo những phát hiện mới từ tàu thăm dò MAVEN (Mars Atmosphere and Volatile Evolution), NASA đã phát hiện ra khi sao Hỏa chịu ảnh hưởng của bão mặt trời, quá trình bắn phá dữ dội của những phân tử từ Mặt Trời đã nhanh chóng thổi bay tầng thượng quyển của hành tinh.

Bầu khí quyển của sao Hỏa được cho là bị bão Mặt Trời phá hủy trong hàng tỉ năm

Bầu khí quyển của sao Hỏa được cho là bị bão Mặt Trời phá hủy trong hàng tỉ năm. Ảnh NASA

Kết luận này có thể giải thích sự biến mất của bầu khí quyển sao Hỏa. Mặt Trời ở thời mới hình thành thường xuyên phun trào bão mặt trời. Nó phát sáng mạnh hơn với các bước sóng tia cực tím dài, góp phần phá hủy các nguyên tử trong khí quyển trên hành tinh đỏ, báo VnExpress cho hay.

Tìm hiểu những gì xảy ra với khí quyển sao Hỏa có vai trò quan trọng với nhận thức sao Hỏa từng là một hành tinh ấm áp và thuận lợi cho sự sống. Hành tinh này từng có những hồ nước và đại dương bao phủ bắc bán cầu nhưng khi khí quyển biến mất, nước lỏng không còn tồn tại.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang