Sự thật cuộc tìm mộ nhà văn Nam Cao của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng

author 18:24 28/11/2013

Theo đó, sáng 24/11/1996 đoàn “nhà ngoại cảm” gồm 4 người, trong đó có bà Phan Thị Bích Hằng đã cùng đoàn hành trình từ Hà Nội về UBND huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Theo thông tin bà Phan Thị Bích Hằng thu thập được bằng ngoại cảm, số mộ của nhà văn Nam Cao trùng lặp với số tuổi đời khi ông hy sinh 36 tuổi.

 

 

Nhận đúng mộ nhà văn Nam Cao không khó

Đầu năm 1996, một chương trình mang tên “Tìm lại Nam Cao” được Hiệp hội Câu lạc bộ Unesco Việt Nam tổ chức với sự góp mặt của các nhà ngoại cảm do UIA mời đến.  

Theo đó, sáng 24/11/1996 đoàn “nhà ngoại cảm” gồm 4 người, trong đó có bà Phan Thị Bích Hằng đã cùng đoàn hành trình từ Hà Nội về UBND huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Theo thông tin bà Phan Thị Bích Hằng thu thập được bằng ngoại cảm, số mộ của nhà văn Nam Cao trùng lặp với số tuổi đời khi ông hy sinh: 36.

Đem thông tin này chiếu vào thực tế, đoàn tìm kiếm đã suy luận ngôi mộ đang có hài cốt nhà văn Nam Cao có số đánh dấu là 306 (thêm số 0 vào giữa con số bà Hằng ngoại cảm). Mẫu hài cốt lấy từ ngôi mộ được đưa tới Viện Khoa học Hình sự (KHHS) - Bộ Công an giám định và cho kết quả trùng hợp với đặc điểm nhận dạng nhà văn Nam Cao mà gia đình đã cung cấp. Do đó, đoàn tìm kiếm đã khẳng định hài cốt trong ngôi mộ 306 là của nhà văn Nam Cao. Điều này đồng nghĩa với việc ghi nhận kết quả ngoại cảm của bà Phan Thị Bích Hằng là chính xác.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Việt Vùng, nguyên giám đốc Trung tâm giám định pháp y, Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an cho biết, khi đó, theo yêu cầu của gia đình, Trung tâm chỉ giám định hình thái, không thử ADN. Các chỉ số giám định hình thái Trung tâm đưa ra đều được gia đình xác nhận là phù hợp, đúng với đặc điểm hình dạng lúc ông sống và những thông tin về hoàn cảnh hy sinh của ông gia đình nhận được. 

“Tôi không trực tiếp tham gia hành trình tìm và giám định pháp y hài cốt nhà văn Nam Cao nhưng cán bộ, lãnh đạo trung tâm tôi tham gia. Lúc đó, chúng tôi mới đưa ra kết quả giám định hình thái: kích cỡ xương, hình thái hàm răng, trên trán có vết thủng, có viên đạn trong hộp sọ…thì người nhà của nhà văn Nam Cao đã xác nhận là đúng và không yêu cầu làm các khâu giám định khác”, ông Vùng cho biết.

Nói về tỷ lệ chính xác của việc giám định hình thái mà không cần chỉ số phân tích ADN, theo ông Vùng khó có thể đưa ra con số cụ thể nhưng việc các chỉ số hình thái trùng nhau là có thể xảy ra. Trong trường hợp hài cốt nhà văn Nam Cao, ông Vùng cho rằng, phạm vi tìm kiếm giới hạn hẹp chỉ là một trong 3 ngôi mộ đã được khoanh vùng nên việc dùng phương pháp loại trừ để đưa ra phán đoán chính xác về ngôi mộ không khó. 

“Trung tâm chúng tôi chủ yếu tham gia đánh án, các vụ giám định hài cốt liệt sỹ chỉ rất ít nên khó đưa ra được số liệu thống kê đúc kết về xác xuất đúng sai của tìm hài cốt liệt sỹ bằng ngoại cảm. Nhưng nhiều gia đình tìm bằng phương pháp này đến trung tâm để giám định thì đều cho kết quả không đúng”, ông Vùng nói. 

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Toàn, nguyên viện trưởng viện Pháp Y quân đội cho biết, kết quả giám định hài cốt nếu có chỉ số phân tích ADN sẽ cho độ chính xác cao nhất. Tuy nhiên, phương pháp phân tích ADN ty thể được đưa vào VN từ năm 2002 nên các trường hợp giám định hài cốt liệt sỹ những năm trước đó thường không được qua khâu giám định ADN và chủ yếu dựa vào các di vật chôn cùng hài cốt. 

“Mọi kết luận phải dựa trên phân tích dấu vết, hình thái, thi thể chứ không thể dựa vào di vật, di vật chỉ là một căn cứ chứ không thể là cơ sở để đưa ra kết luận ông nói”, ông Toàn nói.

Theo GS Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội di truyền học Việt Nam, trong một số trường hợp giám định hình thái cho kết quả xác định rất chính xác nhưng phải dựa trên nhiều chỉ số như kích thước xương, chiều cao, hàm răng…. Với trường hợp nhận liệt sỹ bằng cách nhỏ máu của người nhà lên hài cốt, ông Lương khẳng định “việc này hoàn toàn bậy", không có cơ sở khoa học. 

 

"Phan Thị Bích Hằng không thể tìm được mộ", đại tá, tiến sĩ Đỗ Kiên Cường.

“Bà Hằng không thể tìm được mộ, tìm đúng chỉ là ăn may"

Với những thông tin từ các nhà khoa học cung cấp, phần hài cốt tìm được của nhà văn Nam Cao và nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh là chính xác nhưng công tìm được có thuộc về nhà ngoại cảm hay chỉ là do ăn may kết hợp với kinh nghiệm tính toán giống như người chơi sổ số, nếu chơi liên tục rồi cũng có lần trúng?

Theo tiến sĩ, đại tá Đỗ Kiên Cường, trường hợp “thần tượng ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng tìm đúng mộ nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh, nhà văn Nam Cao rơi vào trường hợp đầu tiên trong 5 trường hợp nhờ “giới ngoại cảm” tìm hài cốt thân nhân. Trong trường hợp này, các thông tin rõ ràng và đầy đủ đã giúp tìm đúng hài cốt liệt sỹ.

 

 

“Với các gia đình liệt sỹ đã nhờ giới ngoại cảm tìm hài cốt thân nhân, tuy từng trường hợp có thể khác nhau, nhưng chung quy lại thì chỉ có thể có các trường hợp: 1) Tìm thấy hài cốt thực sự và xét nghiệm gien cho kết quả chính xác; 2) Tìm thấy ngôi mộ vô danh tại một nghĩa trang cụ thể nào đó; 3) Tìm thấy cốt tại một địa điểm tìm kiếm và đào bới đâu đó; 4) Tìm thấy một vị trí mà trong đất có vẻ có cốt; và một số trường hợp khác. Trường hợp tìm thấy hài cốt thực sự tuy rất hiếm thấy nhưng cũng đã có trường hợp Phan Thị Bích Hằng tìm đúng hài cốt (xét nghiệm ADN khẳng định điều đó) và Phan Thị Bích Hằng đã hùng hồn tuyên bố, điều đó chứng tỏ tâm linh có thật. Tuy nhiên với trường hợp tương tự, “nhà ngoại cảm” Vũ Thị Minh Nghĩa trung thực và sòng phẳng hơn, khi đưa ra nhận định, “công của cô Năm chỉ là 1% thôi, 99% thuộc về chính quyền, gia đình và đồng đội liệt sỹ”, ông Cường nói. 

Tiến sỹ Cường cho rằng, trường hợp thứ 2 - tìm thấy mộ vô danh tại một nghĩa trang nào đó phổ biến hơn trường hợp trên rất nhiều. Cụ thể, khá nhiều gia đình liệt sỹ đã tìm thấy mộ thân nhân tại một nghĩa trang liệt sỹ hoặc một nghĩa trang thường nào đó. Các gia đình tin đó là ngôi mộ của người thân vì “nhà ngoại cảm” mô tả chính xác ngôi mộ từ xa ngàn dặm. Thế nhưng đó chỉ là sự lừa gạt, cả chủ ý và không chủ ý, mà giới tâm lý học gọi là lừa gạt mức ý thức và lừa gạt mức vô thức. 

“Có trường hợp hài cốt liệt sỹ đã được quy tập về một nghĩa trang cụ thể, và giới ngoại cảm biết điều đó (thông qua chính quyền, đồng đội hoặc gia đình liệt sỹ), thậm chí nhà ngoại cảm đã tới nghĩa trang và tâm trí đã ghi nhận trong não một số thông tin về sơ đồ, đặc điểm một số ngôi mộ còn chưa xác định danh tính liệt sỹ. Khi thân nhân liệt sỹ nhờ tìm, nhà ngoại cảm liền lên đồng và khi tâm trí đã ở trạng thái vô thức, một ngôi mộ vô danh sẽ được gán tùy tiện cho gia đình đang nhờ tìm mộ. 

Gọi là lừa gạt vô thức vì lúc đó nhà ngoại cảm đang lên đồng nên họ lừa gạt mà không biết mình đang lừa gạt. Có thể do ngẫu nhiên mà hài cốt được gán có thể chính là hài cốt mà gia đình cần tìm; tuy nhiên khả năng gia đình liệt sỹ này đang thờ cúng hài cốt liệt sỹ khác có xác suất cao hơn nhiều. Trong trường hợp này, nhà ngoại cảm đã chơi trò xổ số với gia đình và hương hồn của các liệt sỹ.

Trường hợp lừa gạt mức ý thức, đáng lên án hơn cả. Để thực hiện được kế hoạch, “nhà ngoại cảm” cố tình tìm các nghĩa trang liệt sỹ có nhiều mộ vô danh và ra sức ngụy tạo chứng cứ để tạo sự tin tưởng”, ông Cường phân tích, lý giải. 

Với trường hợp thứ 3, theo ông Cường đó là tìm thấy cốt ngoài nghĩa trang, thường là trong rừng. Trong trường hợp này, “nhà ngoại cảm” tìm kiếm dựa trên các ám hiệu địa hình: giữa một vùng đất khô cằn, dưới một khóm cỏ hoặc bụi cây có thể có cốt và cốt đó có thể là xương người hoặc xương động vật. 

“Nếu là cốt người thì có đúng là của liệt sỹ cần tìm hay không? Chỉ xét nghiệm gien mới có thể trả lời được. Mà như tôi  được biết, trong số hàng chục ngàn hài cốt mà giới ngoại cảm khoe tìm được, số cốt được giám định ADN không quá mười đầu ngón tay”, ông Cường nói.

Trường hợp thứ 4, theo ông Cường là tìm thấy một vị trí mà đất có vẻ có cốt. Vị trí có thể ở dưới một bụi cây hoặc khóm cỏ, đào lên thấy cốt thì tốt (bất kể xương người hay xương thú), nếu không thì một chút đất đen đen, mun mủn cũng được xem là dấu tích của cốt. Và trường hợp thứ 5 là do may mắn mà nhà ngoại cảm tình cờ tìm được mộ nhưng trường hợp này vô cùng hiếm gặp.

“Tôi khẳng định Phan Thị Bích Hằng không thể tìm được mộ. Chúng ta có thể thử nghiệm bằng nhiều cách. Nếu có điều kiện, hãy để một bộ hài cốt có danh tính (qua xét nghiệm gien) vào một trong mười quan tài giống nhau và đề nghị giới ngoại cảm tìm ra quan tài có cốt. Nếu không có điều kiện, hãy “bịa” ra một nhân thân người chết giả và đề nghị “nhà ngoại cảm” đi tìm. Hoặc đề nghị “nhà ngoại cảm” tìm một ngôi mộ tại nghĩa trang địa phương nơi gia đình liệt sỹ đang sinh sống.Tôi tin rằng sau vài thử nghiệm đơn giản như thế, mọi người sẽ dễ dàng nhận ra chân tướng của giới ngoại cảm”, ông Cường khẳng định.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG TIẾP NHẬN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA BẠN ĐỌC: 0904.065.256



 


 

Theo NDT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang