Sự thật hàng không 'móc túi' dân Côn Đảo

author 08:23 17/01/2014

"Cử tri phản ánh giá vé máy bay tuyến TP.HCM - Côn Đảo rất bất hợp lý so với các chặng bay khác từ TP.HCM đi Phú Quốc, Pleiku, Nha Trang… Chúng tôi đã gửi kiến nghị này tới Bộ trưởng Đinh La Thăng!”, ông Nguyễn Văn Hiến, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trao đổi PV

Không hợp lý

Theo ông Hiến, khi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XIII tại huyện Côn Đảo, cử tri phản ánh giá vé máy bay tuyến TP.HCM - Côn Đảo rất bất hợp lý so với các chặng bay khác từ TP.HCM đi Phú Quốc, Pleiku, Nha Trang…“Tuyến đường bay từ TP.HCM đi Côn Đảo ngắn hơn rất nhiều so với các tuyến bay nói trên nhưng giá vé hạng phổ thông lại như nhau (1.655.000đ/vé). Mặt khác, các tuyến khác có vé giá rẻ (ví dụ từ TP.HCM đi Phú Quốc ngày 05/12/2013 có mức vé giá rẻ linh hoạt là 1.160.000 đ/vé; giá rẻ là 1.050.000đ/vé; siêu rẻ là 885.000đ/vé), còn tuyến đi Côn Đảo chỉ đồng hạng một loại vé phổ thông”, ông Hiến cho biết.

Trong khi đó, Nhà tù Côn Đảo được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012, là nơi giáo dục ý thức, truyền thống cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

“Tuy nhiên, với giá vé máy bay từ TP.HCM đến Côn Đảo còn cao và bất hợp lý như hiện nay (1.655.000 đồng), không chỉ hạn chế khách du lịch đến với Côn Đảo mà còn ảnh hưởng việc đi lại của người dân sinh sống trên đảo, gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho Côn Đảo”, ông Hiến thẳng thắn.

Theo TS Trần Đình Bá, nếu chỉ so sánh vé ngay trong hãng hàng không quốc gia (VNA) thì vé đi Côn Đảo đắt gấp 1.5 lần so với đường bay Phú Quốc. Và ông cũng cho rằng đây là cách mà VNA đang “móc túi” người tiêu dùng.

Trong khi đó đã gần trọn 1 năm nay kể từ khi hãng hàng không Air Mekong phải ngừng bay, quyền khai thác được Cục Hàng không Việt Nam ban cho “mẹ-con VNA".

“Từ độc quyền nảy sinh “cửa quyền" , lấy vị thế  “ưu việt “ của doanh nghiệp "ông lớn quốc doanh” VNA mặc sức móc túi “thượng đế", TS Bá bức xúc.

Không thể nói giá cao vì ít người đi

Trong kinh tế hàng không, hiệu suất chiếm ghế 70% đã là có lãi. Và trên thực tế các chuyến bay đi và đến Côn Đảo hiệu suất đều 97% và 100% cùng chí phí về nhiên liệu, quãng đường ngắn mà tần suất lên đến 10 chuyến/ ngày  thì giới chuyên môn cho rằng nguồn thu là siêu lợi nhuận.

Ông Hiến cũng xác nhận, các chuyến bay ra Côn Đảo thường rất đông khách nhưng lại chỉ có một giá vé và không có bất cứ sự lựa chọn nào cho khách hàng.

“Đây là điều bất hợp lý khiến người tham gia giao thông ấm ức nhưng vẫn buộc phải đi vì không có lựa chọn khác”, ông Hiến bức xúc.

TS Trần Đình Bá gợi ý, hàng không giá rẻ là xu hướng tân thời của thế giới mà các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Myanmar... đã khôn ngoan sớm mở cửa cho các hãng giá rẻ như AirAsia, Jetstar Asia, Indigo Airlines, Spicejet, … vào khai thác cả quốc nội và quốc tế nên vượt xa Việt Nam.

Tuy nhiên thực tế TS Bá cho rằng, có tình trạng Cục Hàng không Việt Nam “ngăn hàng không giá rẻ vào Việt Nam vì lý do an ninh, kìm hãm tới mức “bần cùng hóa" hàng không nước nhà với những lập luận: “Các đường bay nội địa phải thực hiện trong vòng lãnh thổ để thực hiện quyền điều hành bay qua Lào – Campuchia không đảm bảo an ninh bay ngoằn ngoèo như đường bộ lên tây Bắc cho kinh tế. Tự biến mình thành sân sau của VNA thỏa hiệp móc túi “thượng đế", gây khó để “bức tử" các hãng hàng không tư nhân giá rẻ như JPA, MCA, ICA …”vẽ” ra 132 dự án sân bay gây lãng phí đầu tư công, biến Cục Hàng không Việt Nam thành nơi “làm nghèo đất nước và làm khổ nhân dân”.

Trước thực tế này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản gửi tới Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét chỉ đạo cho ngành hàng không Việt Nam giảm giá vé máy bay tương ứng với chặng bay đến Côn Đảo.

“Chúng tôi tin là Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ quan tâm việc này vì chính ông cũng là người khuyến khích cán bộ đi máy bay giá rẻ. Cử tri vẫn đang chờ phản hồi của Bộ trưởng!’, ông Hiến tin tưởng.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đã chính thức trả lời phỏng vấn về vấn đề này. 
 
- Thực hư giá vé máy bay từ TP. HCM đi Côn Đảo ra sao, thưa ông?

Về giá vé máy bay, xuất phát từ cơ chế quản lý giá cước vận chuyển nội địa được thực hiện theo thông tư 103 cũng như hướng dẫn của Bộ Tài chính về giá cước nội địa, đường TP. HCM đến Côn Đảo nằm trong hệ thống đường bay dưới 500km với định mức giá trần là 1,7 triệu đồng. 

Tuy nhiên, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) đã thực hiện việc kê khai giá với mức trần cao nhất là 1,45 triệu đồng/vé (chưa gồm thuế VAT). Ngoài ra, VNA đưa ra 4 mức giá vé linh hoạt: 750 nghìn đồng/vé, 1 triệu đồng/vé, 1,2 triệu đồng/vé và 1,45 triệu đồng/vé. Tất cả các mức giá vé trên đều chưa bao gồm 10% VAT. 

Như vậy, VNA đã không áp dụng mức trần cao nhất mà Bộ Tài chính quy định còn việc áp dụng mức giá như hiện nay là tuân thủ theo quy định của Bộ Tài chính thôi. 

- Nhưng người dân vẫn than mức giá đó quá cao nếu so với giá vé từ TP.HCM đi Phú Quốc hay Đà Nẵng, Hà Nội…

Theo tôi, mức giá trên mới chỉ chiếm hơn 80% mức giá trần mà Bộ Tài chính đưa ra, và thực ra không có chênh lệch nhiều so với giá vé các chặng khác. Thậm chí so với Phú Quốc, nó chênh lệch rất ít thôi. 

Nên nhớ cơ chế quản lý giá ở Việt Nam không lấy từng km nhân với giá tiền để tính giá vé máy bay mà chúng ta chia theo khung, chặng đường. 

Cụ thể, quãng đường là 300 hay 400 km thì chỉ chênh nhau một chút chi phí về xăng dầu thôi còn các chi phí khác hầu như tương đương. Thế nên Bộ Tài chính quy định không phân chia theo kiểu tính tiền từng km điều hành bay mà phân ra các nhóm, trong đó dưới 500km đều phải áp giá trần chung mà Bộ Tài chính quy định. 

Khi đưa ra mức giá trần này, Bộ Tài Chính cũng đã phối hợp với Bộ GTVT để quy định. Chúng tôi đã tính toán tới rất nhiều yếu tố chứ không phải cứ liều đưa ra mức giá có lợi cho hãng hàng không mà quên đi người tiêu dùng. 

 

  Tôi biết nhiều hành khách phải trả mức giá cao hơn do các đối tượng lợi dụng sơ hở nào đó để móc thêm tiền của hành khách. Để xảy ra tình trạng đó có trách nhiệm của Cục hàng không, các hãng hàng không.  


 
Mức giá đó nhằm cân đối các hoạt động khai thác của hãng hàng không với quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo cho các hãng hàng không kinh doanh có hiệu quả, tạo điều kiện để áp dụng nhiều mức giá từ cao đến thấp để đáp ứng nhu cầu của mọi hành khách. 


Với mức giá hiện tại từ TP. HCM ra Côn Đảo của VNA, rải từ 750 nghìn đồng tới 1,45 triệu đồng, chúng tôi thấy cũng đã phù hợp, hợp lý. Tuy nhiên, tôi cho rằng đăng ký là như vậy, nhưng việc có chấp hành đúng giá theo đăng ký, có các biện pháp chống đầu cơ để hành khách không phải trả mức giá khác lại là chuyện khác. 

Tôi biết nhiều hành khách phải trả mức giá cao hơn do các đối tượng lợi dụng sơ hở nào đó để móc thêm tiền của hành khách. Để xảy ra tình trạng đó có trách nhiệm của Cục hàng không, các hãng hàng không. 

- Đúng như ông lo ngại, không chỉ giá vé quá cao, người dân còn tố có sự hoành hành của nhiều cò mồi, đẩy giá vé lên cao. Cục hàng không có phát hiện ra thực trạng đó không? 

Chúng tôi cũng đã nhận được phản ánh tương tự từ nhiều người. Thời gian qua cũng rộ lên nhiều hình thức lừa đảo hòng chiếm đoạt tiền của hành khách. 

Trong những ngày cao điểm có chuyện cò mồi móc ngoặc với đại lý bán vé máy bay để lấy thêm tiền của hành khách. Chuyện đó tôi khẳng định vẫn xảy ra. 

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng rất quan tâm tới những bất cập trong việc bán vé cũng như những sơ hở để các đối tượng xấu lừa đảo, lấy tiền của hành khách. 

Các hãng hàng không chắc chắn thực hiện nghiêm các quy định về giá của Bộ Tài chính cũng như mức giá đã kê khai. 

Tuy  nhiên, do chỉ có máy bay ATR 72 mới có thể chở hành khách từ TP. HCM ra Côn Đảo, loại máy bay này có số lượng ghế không nhiều, chỉ hơn 60 ghế nên rất dễ dẫn tới tình trạng người ta lợi dụng điều này để bắt chẹt hành khách. Nhưng để tệ nạn trên xảy ra, theo tôi chắc chắn phải có sự bắt tay giữa người lừa đảo, đầu cơ với hệ thống bán vé.

Theo Datviet-VTC

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang