Sữa Abbott giả: Chưa thấy người tiêu dùng phản ánh có sữa giả

author 17:51 23/03/2015

(VietQ.vn) - Vụ việc phát hiện sản phẩm sữa Abbott bị làm giả tại TP.HCM khiến người tiêu dùng hết sức lo ngại dù chưa có thông tin nào về sữa giả được người tiêu dùng phản ánh.

Hàng loạt vụ sữa giả cho trẻ em và người già

Mới đây nhất, trưa ngày 21/3/2015, Đội Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận 10 (TPHCM) đã bắt khẩn cấp Hồ Bảo Sơn (65 tuổi, trú tại đường Nhật Tảo, Phường 4 Quận 10) để điều tra hành vi sản xuất lương thực, thực phẩm giả. 

Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ 33 lon sữa Abbott thành thương hiệu và hơn 20 lon sữa loại 400, 850 gram Glucerna và hơn 100 vỏ lon sữa các loại cùng nhiều loại máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu, nhãn mác sử dụng để sản xuất sữa giả cũng bị phát hiện. 

Ông Hồ Bảo Sơn làm giả bằng cách đi thu gom vỏ lon sữa ngoại tại các vựa ve chai về làm sạch rồi mua các loại sữa rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường rồi đóng gói, mang đi tiêu thụ.

Trước đó, hàng loạt vụ làm sữa giả bị cơ quan chức năng phát hiện. Năm 2014, Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) phát hiện hàng tấn sữa cho trẻ em 1 – 15 tuổi, sữa bà bầu, sữa cho người già...đều được một cơ sở chế biến áp dụng một công thức pha chế duy nhất, chỉ số thành phần dinh dưỡng trên bao bì là giả.

Khi ập vào căn nhà không số tại ấp 2A, xã Vĩnh Lộc A do Lê Tấn Phước (33 tuổi) làm chủ, cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại sữa bột không rõ nguồn gốc, hàng chục bao bột lớn có xuất xứ Trung Quốc, máy đóng gói, hàng nghìn lon và hộp sữa mang nhãn hiệu Physogrow, Pigo, Gina Milk...

Lê Tấn Phước khai nhận, công thức sản xuất sữa gồm đường lạt, đường ngọt, bột sữa, chất tạo béo và thêm vài muỗng hương liệu, tất cả đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Cũng năm 2014, tại số nhà 8/358 đường Phan Chu Trinh (Huế), Đội Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm về trật tự quản lý kinh tế & chức vụ  công an TP Huế bắt quả tang tại nhà bà Tôn Nữ Cẩm Nhung (53 tuổi) làm giả sữa bột. Thủ đoạn của bà Nhưng là thay đổi nhãn mác sữa lon. Lực lượng công an đã lập biên bản tạm giữ 5.208 lon màu cam, 1.680 lon màu xanh và 505 lon không có nhãn mác. Cũng tại đây, lực lượng công an còn thu giữ 50 thùng sữa, loại 237ml đã bị lột nhãn màu vàng dán sang màu xanh và không có nhãn mác. Theo bà Nhung, số sữa này bà được họ thuê bóc nhãn cam ra dán nhãn xanh vào, giá tiền mỗi thùng 4 ngàn đồng.

Người tiêu dùng lo lắng

Sữa Abbott giả bị phát hiện tại TP.HCM

Sữa Abbott giả bị thu giữ tại TP HCM 

Trước thông tin trên, người tiêu dùng rất lo lắng vì các sản phẩm sữa bột hầu hết đều dành cho những đối tượng như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người bị bệnh đái tháo đường và những đối tượng cần chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt khác.

Chị Lê Thị Thu, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội cho hay, mẹ chồng chị bị bệnh tiểu đường nên phải dùng loại sữa riêng cho người bị bệnh này. Loại sữa Abbott – Glucerna là dành cho người bị bệnh tiểu đường và người ăn kiêng, giúp kiểm soát tốt lượng đường huyết. 

Còn về cách phân biệt sữa thật - giả, chị Thu cho hay: “Tôi không dành lắm nên từ trước đến giờ tôi chỉ có cách đến những siêu thị có uy tín để mua. Còn các căn cứ chị em vẫn truyền tai nhau như xem mã vạch, xuất xứ, hạn sử dụng thì cũng không phải là chắc chắn bởi hiện giờ công nghệ in ấn phát triển, người làm giả có thể in được hết”.

Về kinh nghiệm để chọn sữa bột thật, nhân viên một đại lý sữa lớn tại phố Tây Sơn, Hà Nội cho hay, cách tốt nhất là người tiêu dùng nên chọn các thương hiệu sữa nổi tiếng và được bày bán tại các cửa hàng có uy tín. Khi mua, ngoài những yếu tố như xem xuất xứ sản xuất của sữa, hạn sử dụng... thì người tiêu dùng cần quan sát xem màu sắc, hình ảnh, chữ và các thành phần khác của nhãn có được sắc nét, ngay ngắn không, vỏ lon có điều móp méo hay điều gì bất thường không. Nếu có nghi ngờ, lập tức nên dừng mua và chuyển qua một địa chỉ bán lẻ uy tín hơn. Còn đối với sữa bột xách tay thì “đương nhiên chẳng có một căn cứ nào để đảm bảo chắc chắn là sản phẩm mình mua là thật, đều theo kiểu “tin nhau là chính””, nhân viên này nói.

Về khía cạnh phản ánh và quyền lợi của người tiêu dùng liên quan đến vụ việc sữa bột giả bị phát hiện, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương cho hay, trong vòng một tuần vừa qua, Tổng đài Hỗ trợ Tư vấn Người tiêu dùng của Bộ Công thương chưa tiếp nhận vụ việc nào liên quan đến sữa giả.

Trần Hoài

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang