Sửa đổi quy định bất cập trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

author 17:36 25/06/2021

(VietQ.vn) - Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử do Bộ KH&CN xây dựng đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Bộ KH&CN cho biết, đối với lĩnh vực năng lượng nguyên tử, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định 107/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập đòi hỏi cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm và thống nhất với quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Năng lượng nguyên tử.

Ngày 09/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 142/2020/NĐ-CP quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (Nghị định 142/2020/NĐ-CP). Nghị định 142/2020/NĐ-CP đưa ra các điều kiện, yêu cầu các cơ sở tiến hành công việc bức xạ và các tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử phải đáp ứng và đây cũng là cơ sở để cơ quan quản lý xem xét cấp giấy phép, giấy đăng ký đối với các cơ sở này.

Tuy nhiên, một số hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 142/2020/NĐ-CP chưa được nêu trong Nghị định 107/2013/NĐ-CP như: không đề nghị phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ theo quy định; không bố trí người phụ trách tẩy xạ; không thực hiện quy định về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ; không thực hiện việc sửa đổi giấy phép; không bảo đảm duy trì cơ sở vật chất để hoạt động dịch vụ sau khi đã được cấp giấy đăng ký; sử dụng nhân viên không có chứng chỉ hành nghề dịch vụ…

Một số hành vi vi phạm mang tính chất nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến con người và xã hội nhưng trong Nghị định 107/2013/NĐ-CP mới chỉ quy định hình thức xử phạt chính, chưa có quy định về hình thức xử phạt bổ sung và chưa có biện pháp khắc phục hậu quả dẫn đến chưa đủ tính răn đe đối với các đối tượng cố tình vi phạm.

Về hành vi vi phạm: Bổ sung quy định về “Vi phạm hành chính nhiều lần trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là tình tiết tăng nặng” vào mục giải thích từ ngữ (Điều 2) nhằm phù hợp với quy định tại Luật số 67/2020/QH14.

Bổ sung quy định về “sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” như là một Điều của Nghị định (Điều 4a).

Lý do: hiện nay chưa có quy định cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được trang bị, giao quản lý, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi thi hành công vụ, cụ thể là sử dụng trong hoạt động thanh tra và xử lý vi phạm hành chính dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai.

Bổ sung quy định về hành vi: “không thực hiện thủ tục sửa đổi giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo quy định” vào nhóm các hành vi vi phạm quy định về giấy phép tiến hành công việc bức xạ (Điều 6). Lý do: Khoản 1 Điều 31 Nghị định 142/2020/NĐ-CP đã quy định các trường hợp phải thực hiện sửa đổi giấy phép tiến hành công việc bức xạ. Tuy nhiên, Nghị định 107/2013/NĐ-CP chưa có quy định xử phạt đối với hành vi này.

Bổ sung quy định về các hành vi sau vào nhóm hành vi vi phạm quy định về kiểm soát liều chiếu xạ đối với công chúng, nhân viên bức xạ (khoản 2 Điều 8): (i) “Trang bị không đầy đủ liều kế cá nhân”. Lý do, trên thực tế nhiều cơ sở đã trang bị liều kế cá nhân cho nhân viên bức xạ nhưng không đầy đủ (không trang bị cho toàn bộ nhân viên hoặc quy định nhân viên phải được trang bị 02 liều kế nhưng lại chỉ được trang bị 01 liều kế), điều này dẫn đến khó khăn cho việc áp dụng trong xử lý vi phạm hành chính; (ii) “Không thiết lập mức liều điều tra theo quy định”. Lý do: để phát hiện kịp thời, ngăn chặn nguy cơ xảy ra sự cố bức xạ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên.

Theo khuyến cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA, Bộ KH&CN đã quy định các cơ sở tiến hành công việc bức xạ phải thiết lập mức liều điều tra, tuy nhiên, Nghị định 107/2013/NĐ-CP chưa có quy định về hành vi này.

Bổ sung quy định về hành vi: “không bố trí người phụ trách tẩy xạ” vào nhóm hành vi vi phạm quy định về kiểm soát nhiễm bẩn bề mặt, nhiễm bẩn không khí đối với cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ hở (Điều 11). Lý do: Đây là điều kiện bắt buộc đã được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5; điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định số 142/2020/NĐ-CP, trong khi chưa được quy định trong Nghị định 107/2013/NĐ-CP.

Sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi: “không kiểm định định kỳ thiết bị xạ trị theo quy định” vào nhóm hành vi vi phạm quy định về kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ, thiết bị bức xạ, nguồn xạ trị (Điều 12). Lý do: điều chỉnh thuật ngữ theo đúng với quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử và Nghị định 142/2020/NĐ-CP.

Bổ sung quy định về hành vi: “không có quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố theo quy định” vào nhóm hành vi vi phạm quy định về giải quyết sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân (Điều 19). Lý do: Đây là điều kiện bắt buộc đã được quy định tại điểm h khoản 2 Điều 5; điểm đ khoản 2 Điều 6; điểm đ khoản 2 Điều 7; điểm g khoản 2 Điều 8; điểm d khoản 2 Điều 13 Nghị định số 142/2020/NĐ-CP nhưng chưa được quy định trong Nghị định 107/2013/NĐ-CP.

Sửa đổi, bổ sung  quy định về hành vi: “không lắp khóa cho các cửa ra vào khu vực kiểm soát an ninh; không lắp khóa cho các cửa ra vào phòng đặt nguồn phóng xạ; phòng điều khiển nguồn, phòng điều khiển hệ thống an ninh, bể xử lý nước cho bể chứa nước bảo quản nguồn phóng xạ” vào nhóm hành vi vi phạm quy định về an ninh nguồn phóng xạ khi sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh A (Điều 28). Lý do: Sửa đổi để thống nhất với quy định bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ nêu tại Phụ lục I, Nghị định 142/2020/NĐ-CP.

Sửa đổi quy định về hành vi vi phạm về an ninh nguồn phóng xạ khi sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh D (Điều 33): thay cụm từ “không kiểm đếm hàng năm” thành cụm từ “không kiểm đếm định kỳ theo quy định”. Lý do: Thời hạn kiểm đếm có thể thay đổi khi các văn bản pháp luật chuyên ngành thay đổi (theo quy định hiện hành của Bộ KH&CN, thời hạn kiểm đếm đối với nguồn phóng xạ này là định kỳ hàng quý thay vì hằng năm như trước đây để tăng cường công tác bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ). Do vậy, việc đưa thời hạn chi tiết vào trong Nghị định sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng.

Sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi vi phạm về chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (khoản 2 Điều 40): (1) Thay cụm từ “hành nghề dịch vụ” thành cụm từ “hoạt động dịch vụ” để phù hợp với thuật ngữ quy định trong Luật Năng lượng nguyên tử; (2) Bổ sung thêm hành vi “sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề” để phù hợp với quy định của Luật Năng lượng nguyên tử.

Bổ sung quy định về các hành vi sau đây vào nhóm các hành vi vi phạm quy định về các vi phạm khác trong hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (Điều 41):

(i) “Không trang bị liều kế cá nhân, không tổ chức đánh giá liều chiếu xạ cá nhân đúng tần suất quy định, không trang bị thiết bị bảo hộ cho nhân viên thực hiện dịch vụ làm việc trực tiếp với bức xạ theo quy định”. Lý do: đây điều kiện bắt buộc được quy định tại Điều 39, 40, 41, 42 và 43 Nghị định số 142/2020/NĐ-CP nhưng chưa được quy định tại Nghị định 107/2013/NĐ-CP.

(ii) “Không bảo đảm việc duy trì cơ sở vật chất - kỹ thuật theo điều kiện cấp giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử, trừ hành vi vi phạm bị xử phạt theo các điều khoản khác quy định tại Nghị định này”. Lý do: Nghị định số 142/2020/NĐ-CP đã quy định điều kiện hoạt động đối với từng loại hình dịch vụ tuy nhiên vẫn tồn tại việc một số cơ sở đủ điều kiện tại thời điểm cấp giấy đăng ký nhưng không duy trì các điều kiện này dẫn đến làm sai lệch chất lượng, kết quả thực hiện dịch vụ. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm này trong Nghị định 107/2013/NĐ-CP còn thiếu, do đó cần bổ sung quy định này để bao quát hết các điều kiện hoạt động dịch vụ theo quy định và bảo đảm có đầy đủ chế tài để xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Về hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Bổ sung “Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi kết quả dịch vụ đã cung cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 Điều này” vào hành vi vi phạm quy định về đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (Điều 39). Lý do: Đây là vi phạm nghiêm trọng trong trường hợp cơ sở không đáp ứng điều kiện thực hiện hoạt động dịch vụ nhưng vẫn tiến hành dẫn đến không bảo đảm về chất lượng và kết quả dịch vụ, trong khi chưa có quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong Nghị định 107/2013/NĐ-CP, cần được bổ sung để tăng tính răn đe và thu hồi lại các kết quả dịch vụ không bảo đảm chất lượng.

Bổ sung hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả vào quy định về hành vi vi phạm về chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (Điều 40): (i) “Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này”. Lý do: Bảo đảm đủ số lượng nhân viên thực hiện dịch vụ là điều kiện để được cấp giấy đăng ký theo quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử, vì vậy đối với tổ chức không duy trì quy định này bị xử phạt hành chính và cần có thêm hình thức xử phạt bổ sung nhằm loại bỏ những điều kiện mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể sử dụng để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm; (ii) “Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi kết quả dịch vụ đã cung cấp đối với vi phạm quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này”. Lý do: đây là vi phạm nghiêm trọng, trong khi chưa có quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong Nghị định 107/2013/NĐ-CP, cần được bổ sung để tăng tính răn đe và thu hồi lại các kết quả dịch vụ không bảo đảm chất lượng.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Chỉnh lý, sửa đổi thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (khoản 1 Điều 44): (i) Tăng mức tiền phạt: “Phạt tiền đến 100.000.000 đồng” thay vì mức tiền phạt tối đa 50.000.000 đồng trước đầy nhằm phù hợp với Luật số 67/2020/QH14; (ii) Mở rộng thẩm quyền về “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” thay vì chỉ được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44 để phù hợp với quy định của Luật số 67/2020/QH14.

Chỉnh lý, bổ sung thẩm quyền của Cơ quan Công an, hải quan và cơ quan thanh tra chuyên ngành khác tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 45 để phù hợp với quy định tại Luật số 67/2020/QH14.

An Hạ

Xử phạt 4 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm số tiền 110 triệu đồng(VietQ.vn) - Sau hơn một tháng kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã xử phạt 4 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm với tổng số tiền là 110 triệu đồng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang