Sửa quy định nhập thiết bị đã qua sử dụng: 'Cởi trói' cho doanh nghiệp

authorMinh Hà 06:05 26/05/2015

(VietQ.vn) - Bộ KH&CN kỳ vọng Thông tư sửa đổi Thông tư 20/2014/TT/BKHCN quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sớm đi vào cuộc sống.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Nhân dịp này, PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Trần Tuyết Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN về những điểm mới của TT sửa đổi, nhằm khắc phục những bất cập tại TT 202014/TT/BKHCN góp phần khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị máy móc công nghệ mới. 

Những điểm mới tại Thông tư dự thảo sửa đổi thay thế Thông tư 20/2014/TT/BKHCN là gì, thưa bà? 

Trên cơ sở các ý kiến đề xuất, Bộ KH&CN đã xây dựng dự thảo 3 Thông tư sửa đổi Thông tư 20. Dự thảo 3 Thông tư sửa đổi Thông tư 20 có nhiều nội dung thay đổi so với Thông tư 20. Những nội dung sửa đổi chính như sau: Về điều kiện nhập khẩu, phân biệt nguồn vốn sử dụng để nhập khẩu máy móc, thiết bị sử dụng ngân sách Nhà nước phải đồng thời đáp ứng cả 02 tiêu chí là thời gian sử dụng  10 năm và chất lượng còn lại  80%. Sử dụng nguồn vốn khác áp dụng 1 trong 2 tiêu chí hoặc thời gian sử dụng 10 năm hoặc chất lượng còn lại  80%. Đối với nhập khẩu dây chuyền công nghệ không phân biệt nguồn vốn sử dụng chỉ áp dụng 1 tiêu chí theo mức chất lượng còn lại là 80% và phải được giám định tại nơi xuất khẩu, trước khi tháo dỡ để đóng gói nhập khẩu.

Bên cạnh đó, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước phải có chứng thư giám định khi thông quan. Sử dụng nguồn vốn khác lựa chọn hoặc tự cam kết, hoặc có chứng thư giám định.

Dự thảo TT sửa đổi lần này, không quy định các mức điều kiện nhập khẩu phân biệt theo mục đích nhập khẩu; không quy định các điều kiện nhập khẩu theo nguồn gốc, xuất xứ của máy móc, thiết bị vì nhiều ý kiến cho rằng quy định theo nguồn gốc, xuất xứ là vi phạm cam kết trong WTO về phân biệt đối xử. (Bộ Công Thương đề xuất ngành giấy, dệt may có xuất xứ từ các nước Châu Âu, G8, Hàn Quốc, Nhật Bản: 12 năm và 70%).

Ngoài ra, dự thảo TT cũng không quy định Chương 86 và 87 vào phạm vi điều chỉnh của Thông tư và đưa Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 do Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa vào trường hợp không áp dụng Thông tư. Các nội dung này theo đề nghị bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và thêm Phụ lục Danh sách các tổ chức giám định theo Luật Thương mại, đã đề nghị các Bộ, ngành đề xuất, giới thiệu các tổ chức giám định có năng lực thuộc lĩnh vực quản lý.

Bộ KH&CN kỳ vọng Thông tư sửa đổi Thông tư 20/2014/TT/BKHCN quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sớm đi vào cuộc sống.

Bộ KH&CN kỳ vọng Thông tư sửa đổi Thông tư 20/2014/TT/BKHCN sớm đi vào cuộc sống. Ảnh minh họa

Thông tin mới nhất là Chính phủ Trung Quốc đang có lệnh cấm sử dụng công nghệ cũ. Nhiều ý kiến lo ngại Việt Nam sắp trở thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc. Vậy Nhà nước và các Bộ ngành, địa phương đã và đang có những chủ trường, định hướng như thế nào, thưa ông?

Vài năm gần đây, hàng năm Trung Quốc đều công bố các xí nghiệp sản xuất bị loại bỏ do lạc hậu, kém chất lượng. Để ngăn chặn việc các máy móc, thiết bị từ các xí nghiệp này tràn về Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề ra biện pháp quản lý chung tại Thông báo số 2527/TB-BKHCN ngày 06/9/2012 về việc tạm ngừng nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Nếu Thông tư sửa đổi Thông tư 20 được ban hành thì các vấn đề liên quan đến nhập khẩu thiết bị công nghệ loại bỏ từ Trung Quốc sẽ được ngăn chặn hiệu quả.

Vậy định hướng của Bộ KH&CN đối với công tác tiền kiểm, hậu kiểm như thế nào, thưa bà? Bộ đã và đang có những chính sách gì khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu các máy móc, thiết bị hiện đại cũng như các chế tài đối với các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, cũ?

Dự thảo 3 Thông tư đã qua định các nội dung liên quan đến hoạt động: Cơ chế hậu kiểm khi thông quan (thông quan trước, kiểm tra sau), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi các loại máy móc, thiết bị cũ nhập khẩu mà chưa có chứng thư giám định, doanh nghiệp được tạm thời thông quan, sau đó thực hiện giám định và nộp chứng từ cho cơ quan hải quan. Các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ phải chịu sự kiểm tra của các Bộ, ngành về tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn, môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, chính sách khuyến khích nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại đã có, nằm ở trong nhiều văn bản khác nhau, ví dụ: Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu dã có ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong nước chưa sản xuất được. Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. DN được hưởng ưu đãi về thuế hoặc được hỗ trợ một phần kinh phí khi mua sắm máy móc, thiết bị này.

Hiện nay hàng loại tập đoàn lớn như Microsoft, Intel, Samsung…đang dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam với vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Nhưng nhiều ý kiến lo ngại, một số quy định tại Thông tư sẽ là bước cản cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời gian tới. Bà nghĩ sao về vần đề này?

Tôi không nghĩ như vậy, có thể doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ nên chưa nắm rõ được tinh thần của dự thảo mới. Dự thảo 3 Thông tư đã có những quy định mới, phù hợp hơn. Về điều kiện nhập khẩu, phân biệt nguồn vốn sử dụng để nhập khẩu  máy móc, thiết bị sử dụng ngân sách Nhà nước phải đồng thời đáp ứng cả 02 tiêu chí thời gian sử dụng  10 năm và chất lượng còn lại  80%. Sử dụng nguồn vốn khác áp dụng 1 trong 2 tiêu chí hoặc thời gian sử dụng  10 năm hoặc chất lượng còn lại  80%.

Riêng đối với nhập khẩu dây chuyền công nghệ không phân biệt nguồn vốn sử dụng mà chỉ áp dụng 1 tiêu chí theo mức chất lượng còn lại là 80% và phải được giám định tại nơi xuất khẩu, trước khi tháo dỡ để đóng gói nhập khẩu.

Như vậy, doanh nghiệp yên tâm là nếu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã sử dụng hơn 10 năm nhưng chất lượng vẫn tốt (từ 80% trở lên) thì vẫn được phép nhập khẩu.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định siết nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng của Việt Nam sẽ góp phần giúp các công ty Trung Quốc trong việc kinh doanh máy móc, thiết bị cho Việt Nam phát triển và chiếm lĩnh thị trường. DN nhỏ và vừa Việt Nam không thể nhập máy móc, cũ. Lại không đủ tiền mua máy móc mới hiện đại thì chỉ còn con đường mua máy móc mới, giá rẻ từ Trung Quốc (có chất lượng thấp hơn nhiều lần so với máy móc, đã qua sử dụng nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Châu Âu). Theo bà, điều này có đáng lo ngại không và hướng khắc phục  như thế nào? 

Cách đặt vấn đề theo một chiều như trên là không chính xác. Doanh nghiệp, là nhà đầu tư sản xuất hơn ai hết là người hiểu phải nhập thiết bị, máy móc có tính năng, chất lượng như thế nào để đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp trung gian, mua máy móc, thiết bị về bán cho doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài.

Việt Nam đã gia nhập WTO, chúng ta không thể vi phạm các điều khoản đã cam kết về phân biệt đối xử nguồn gốc hàng hóa. Không thể quy định tách biệt về điều kiện nhập khẩu theo khu vực, nước sản xuất được.

Cách quy định như hiện nay tại dự thảo 3 Thông tư, doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng tiêu chí “chất lượng còn lại” để làm thủ tục thông quan. Doanh nghiệp hoàn toàn vẫn được phép nhập khẩu máy móc, thiết bị có nguồn gốc từ các nước Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… có chất lượng còn tốt (từ 80% trở lên) mặc dù đã qua thời gian sử dụng trên 10 năm./.

Xin cảm ơn bà!

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang