Sửa đổi quy định quản lý ngoại hối: Đảm bảo đủ các quyền

author 06:57 23/12/2012

(VietQ.vn) - Những định hướng sửa đổi, bổ sung là đúng, nhưng phải căn cứ thực tế Việt Nam và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân có dự trữ, sử dụng ngoại hối.

Theo trình bày của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc hoàn thiện Pháp lệnh Ngoại hối nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và đổi mới chính sách quản lý ngoại hối trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo phù hợp với lộ trình hội nhập, tự do hóa giao dịch vốn nhưng đồng thời phải phù hợp với điều kiện, thực trạng của nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam. 

Bên cạnh đó, các quy định này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh…

Kiểm soát chặt chẽ dòng ngoại hối ra, vào

Trong số những điểm mới đáng lưu ý của dự thảo, tới đây, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có trách nhiệm mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thực hiện dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Dự thảo cũng bổ sung quy định mang tính nguyên tắc đối với việc sử dụng nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài và quy định thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc ban hành quy định về các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

UBTVQH cho ý kiến về Pháp lệnh Ngoại hối.
UBTVQH cho ý kiến về Pháp lệnh Ngoại hối.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, tổ chức tín dụng được phép thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các đối tượng khác khi được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, chuyển vốn gốc và lợi nhuận hợp pháp từ hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài về Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…

Chống đô la hóa nền kinh tế

Nhìn chung, các quy định tại bản dự thảo được sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi sử dụng ngoại tệ trong nước, từng bước hạn chế sử dụng ngoại tệ tiền mặt, thu hút nguồn ngoại tệ trôi nổi vào hệ thống tổ chức tín dụng và tiến tới hạn chế tình trạng sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

Đơn cử, Dự thảo Pháp lệnh bổ sung điều khoản quy định về việc người cư trú, người không cư trú không được gửi ngoại hối trong bưu gửi; bổ sung các hoạt động “báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thoả thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”…

Tuy cơ bản thống nhất với những mục tiêu, nguyên tắc xây dựng Dự thảo, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án Pháp lệnh cho biết, một số nội dung vẫn còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo với các cơ quan, tổ chức hữu quan khác. Sự tương thích giữa các quy định trong Pháp lệnh với các điều ước quốc tế, các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng chưa được làm rõ.

Về hạn chế sử dụng ngoại hối, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành với quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trong dự thảo Pháp lệnh nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ và thống nhất để giải quyết tình trạng “đô la hóa”, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán.

Để chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá, khi ký kết hợp đồng các doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp như hợp đồng phái sinh ngoại tệ…

Song theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc cho phép một số trường hợp được ký hợp đồng, báo giá bằng ngoại tệ nhưng sẽ thanh toán bằng đồng Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của người cư trú trước rủi ro tỷ giá trong các lĩnh vực được khuyến khích.

Không để đô la hóa nền kinh tế.
Không để đô la hóa nền kinh tế.

Đáng lưu ý, theo ông Nguyễn Văn Giàu, có ý kiến đề nghị cần cụ thể các quy định nhằm thực hiện lộ trình chống tình trạng “đô la hóa theo hướng hạn chế bớt các quyền sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư của cá nhân.

Tuy nhiên, việc hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân là vấn đề nhạy cảm, có phạm vi ảnh hưởng lớn cũng như có thể tác động đến lợi ích của từng người dân và tổ chức kinh tế.

Phản ứng của những đối tượng này sẽ có tác động tiêu cực đến thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng như ảnh hưởng đến lượng chuyển tiền kiều hối về Việt Nam hằng năm.

Không gây “sốc” cho hoạt động sản xuất, kinh doanh

Góp ý về Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm: “Những định hướng sửa đổi, bổ sung là đúng, nhưng phải căn cứ thực tế Việt Nam và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân có dự trữ, sử dụng ngoại hối. Đặc biệt không gây khó khăn cho quá trình sản xuất kinh doanh hiện tại của các tổ chức hoạt động tại VN cũng như tổ chức VN hoạt động tại nước ngoài”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với quan điểm trên và đề nghị cho phép hợp tác xã được vay ngoại tệ từ nước ngoài; đảm báo quyền sở hữu ngoại tệ của công dân. Theo ông Uông Chu Lưu, Dự thảo Pháp lệnh cần thiết kế để tổ chức, công dân phải chuyển đổi được ngoại tệ thành tiền đồng dễ dàng và ngược lại để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và nhu cầu cá nhân. Khi mọi việc thuận lợi và tiền đồng không mất giá thì nhu cầu găm giữ ngoại tệ cũng sẽ tự nhiên mất đi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo đảm bảo sự thống nhất của Pháp lệnh với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành; đảm bảo “quét” hết mọi lĩnh vực liên quan. Một điểm cốt yếu được Chủ tịch Quốc hội hơn một lần nhắc nhở, đó là việc hạn chế “đô la hóa” nền kinh tế không được làm tắc nghẽn dòng tiền vào, tiền ra cũng như các quyền và giao dịch hợp pháp của người dân, tổ chức. 

Pháp lệnh nói trên sẽ được thông qua tại một phiên họp khác của UBTVQH trước khi khai mạc kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Bình An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang