Sữa ngoại "vượt mặt" quy định bình ổn giá?

author 21:16 18/12/2013

Các hãng sữa ngoại tăng giá dù Bộ Tài chính đã có quy định đưa sữa bột trẻ em dưới 6 tuổi vào diện bình ổn giá.

Hãng sữa Abbot cùng với Mead JohnShon là 1 trong 2 hãng sữa ngoại có thị phần lớn nhất tại Việt Nam chính thức tăng giá từ 4 -7% vào ngày 1-1-2014 tới. Như vậy, giá sữa vẫn không thể quản lý nổi bất chấp Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu doanh nghiệp rà soát chi phí để giảm giá.
 
Bỏ qua cả lệnh bình ổn
 
Theo thông báo của hãng sữa Abbot gửi tới các đại lý phân phối, từ ngày 1-1-2014 tới, tùy từng dòng sản phẩm giá sẽ tăng từ 4 - 7%.
 
Trước đó vào ngày 12-12 hãng sữa Mead Johnson cũng đã nổ phát súng chính thức tăng giá 7% kể từ ngày thông tư 30 của Bộ Y Tế quản lý giá sữa có hiệu lực. Thông tin của các chủ cửa hàng kinh doanh hãng sữa cho biết, các hãng sữa khác như Ensure, Vinamikl… cũng có khả năng tăng giá theo. Hiện nay, giá sữa trên thị trường đang ở mức cao chóng mặt, đặc biệt là các loại sữa nhập khẩu. Sữa Ensure loại 900 gr có giá bán 645.000 đồng/hộp; Sữa Pediasure 900 gr có giá 563.000 đồng/hộp.
 
Còn hãng sữa Mead Johnson sau khi tăng giá đã báo giá sản phẩm Enfa Grow 3A là 835.000 đồng/hộp 900 g, sữa EnfaMamaA+ Vanilla DHA power plus từ 192.000 đồng tăng lên 205.000 đồng/hộp 400 g. Sữa EnfaMil A+  có giá bán lẻ 534.000 đồng/hộp.

Sữa ngoại đồng loạt tăng giá thời gian tới

Sữa ngoại đồng loạt tăng giá thời gian tới. Ảnh minh họa

Việc các hãng sữa ngoại rủ nhau tăng giá ầm ầm cho thấy, giá sữa rất bất kham. Bởi trước đấy vào ngày 20-11 khi thông tư số 30 /2013/TT- BYT  của Bộ Y tế có hiệu lực, sữa và các sản phẩm của sữa được xếp vào loại hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá. Đặc biệt, vào đầu tháng 12, Bộ Tài chính còn có "trát" gửi các doanh nghiệp sản xuất và phân phối sữa yêu cầu "tiết giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, giảm giá bán".
 
Chủ đại lý sữa Mẹ và Bé trên đường Láng (Hà Nội) với kinh nghiệm kinh doanh sữa hơn 5 năm nay chị chia sẻ: " Đến hẹn lại lên, thời điểm cuối năm và giao mùa năm mới các hãng sữa sẽ tăng giá. Đầu tiên là sữa ngoại, sau đó là sữa nội".
 
Theo Tổng cục Hải quan, rất nhiều loại sữa ngoại bán trên thị trường, như: Nestle, Gallia, Enfa, Abbbot… hiện có giá bán cao gấp 5-6 lần giá nhập khẩu.
 
Toàn thị trường Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và thành phẩm.  Đáng lẽ các hãng sữa phải cạnh tranh nhau cả về chất lượng về giá cả để thu hút người tiêu dùng, nhưng từ năm 2007, giá sữa lại liên tục tăng mà không hề giảm. Thậm chí trong vòng 3 năm trở lại đây, mặt hàng sữa đã tăng đến 12 lần. Và lần mới đây, bất chấp lệnh bình ổn của Bộ Tài chính để tăng giá.  Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có hay không việc các doanh nghiệp bắt tay làm giá móc túi người tiêu dùng?
 
Quản "ngọn" không thôi chưa ổn
 
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, Thông tư 30 có hiệu lực nhưng cách thức quản lý vẫn chỉ là dựa vào đăng ký. Tức là Thông tư 30 chỉ mới đơn thuần dừng lại ở việc chuẩn hóa tên gọi các sản phẩm sữa, doanh nghiệp sản xuất hoàn toàn có cớ để tăng. Doanh nghiệp sản xuất lẫn phân phối đều có thể vin vào cớ giá thành nhập khẩu nguyên liệu cao, đổi mẫu mã, chi phí vận chuyển, chi phí nguyên liệu, tỷ giá….để đổi giá sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
 
Muốn đưa được giá sữa vào khung, ghìm cương tốc độ tăng giá sữa bản thân cơ quan quản lý cần kiểm tra được chi phí sản xuất. "Tức là quản từ gốc. So  sánh chi phí giá sữa tại Việt Nam có phù hợp với các nước lân cận không" - ông Long nói.
 
Giới chuyên gia khẳng định, cách làm việc của các cơ quan chức năng trong khâu hậu kiểm giá đã khiến cho các doanh nghiệp sữa "nhờn thuốc". Thích là tăng giá, doanh nghiệp chỉ cần làm 1 bảng kê khai, dù việc kê khai đó có hợp lý hay không chẳng ai biết được.
 
Quản lý giá sữa, đưa giá sữa vào khung dường như rất khó khăn. Được biết, mới đây, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã đề xuất quản lý giá sữa bằng cách áp giá trần. Nếu doanh nghiệp nào bán quá giá trần sẽ chịu mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng/lần, đồng thời tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch do tăng giá bất hợp lý. UBND quận, huyện, thị xã, tỉnh, các cơ quan thanh tra chuyên ngành tài chính... là những đơn vị có thể xử phạt những sai phạm về giá của các doanh nghiệp sữa.

Theo ĐĐK

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang