Sức bật nào cho hàng Việt khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực?

author 08:32 11/07/2020

(VietQ.vn) - Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 8 tới đây, mở ra những kỳ vọng cho sự phát triển mới của Việt Nam.

Cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định EVFTA có tính chất toàn diện vì không chỉ đề cập đến nội dung của các hiệp định thương mại tự do truyền thống mà đã mở ra các lĩnh vực mới. Trong đó bao gồm cả phi truyền thống với những vấn đề rất nhạy cảm và mới nhưng là chủ đề phát triển của thế giới đương đại.

Do đó, Bộ trưởng Công Thương khẳng định lợi ích từ hiệp định này rất rõ nét. Thứ nhất là những lợi ích trước mắt trong ngắn hạn, với việc cải thiện năng lực tiếp cận thị trường, khai thác cơ hội thị trường, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như nâng cao giá trị gia tăng hoạt động xuất khẩu với thị trường châu Âu.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu. 

Thứ hai là cơ hội lớn cho Việt Nam điều chỉnh tổ chức hoạt động sản xuất, đầu tư, kể cả mô hình tăng trưởng nền kinh tế lẫn cơ hội phát triển trong các lĩnh vực kinh tế phát triển. Đặc biệt là cơ hội thu hút nguồn đầu tư, công nghệ nguồn là những nguồn lực quan trọng giúp cho các ngành kinh tế, bao gồm công nghiệp, thương mại, dịch vụ để cơ cấu lại nâng cao năng suất lao động, nâng cao các giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản xuất.

Và cuối cùng, đây là thời kỳ vàng tạo kết nối với một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Qua đó để doanh nghiệp (DN) Việt tham gia vào chuỗi cung ứng có tính bền vững hơn không chỉ tại thị trường châu Âu mà bất kỳ thị trường nào khác.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA chuẩn bị đi vào thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế, thương mại và thị trường có nhiều biến động khó lường, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, hiệp định này được kỳ vọng sẽ mở đường cho các công ty Việt tiếp cận, khai thác hiệu quả thị trường EU đầy tiềm năng với gần 500 triệu dân và GDP đạt 18.000 tỉ USD.

Theo quy định ưu đãi thuế quan của EVFTA, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau bảy năm. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cắt giảm gần 100% dòng thuế trong vòng 10 năm. Trong đó 48,5% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực và 91,8% về 0% sau bảy năm...

Thách thức cho hàng Việt 6 tháng cuối năm

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 6 tháng cuối năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn.

“Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống COVID-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Do đó, trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019”, Thứ trưởng nhận định.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình phục hồi. Bên cạnh đó, kết quả xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước, thể hiện khả năng chống chịu tốt hơn dưới tác động của dịch bệnh khi khối doanh nghiệp trong nước có kim ngạch xuất khẩu tăng 11,7% còn khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở mức tăng trưởng âm.

Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020 doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này. Rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương đẩy mạnh trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả tích cực, tạo đà cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vẫn còn có những yếu tố khó khăn, cản trở đà tăng trưởng xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2020 khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,9% trong năm 2020, giảm 1,9 điểm phần trăm so với dự báo của tháng 4/2020, do dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng hơn dự đoán.

Trước tình hình làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 có thể quay trở lại, phía Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh như hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay nội địa, hạn chế đi lại, cấm người dân đi du lịch để ngăn chặn dịch bệnh. Chính quyền Bắc Kinh và một số địa phương đã tiến hành rà soát nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn, trong đó, tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và chứng từ mua hàng đối với nông sản dùng làm thực phẩm.

Để đối phó với việc này, Bộ Công Thương đã khuyến nghị doanh nghiệp và hộ sản xuất nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cường giám sát chất lượng, chủ động phối hợp với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực thẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, doanh nghiệp cần tích cực theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường để chủ động trong việc đưa hàng lên các cửa khẩu biên giới, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro và thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

Cuối cùng, bên cạnh những thuận lợi mà Hiệp định EVFTA mang lại, Bộ Công Thương đánh giá Hiệp định này cũng tạo ra những sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nội địa Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Bởi, khi EVFTA có hiệu lực, lộ trình giảm thuế được triển khai, nhiều sản phẩm với tiêu chuẩn EU sẽ có cơ hội vào Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn so với hiện nay.

EVFTA – cơ hội nâng tầm doanh nghiệp Việt(VietQ.vn) - Việc làm ăn với châu Âu trong điều kiện hiệp định EVFTA đòi hỏi sự tuân thủ chuẩn mực rất cao về trách nhiệm xã hội, quan hệ lao động, môi trường... Khi tuân thủ điều kiện đó, doanh nghiệp Việt sẽ nâng tầm.

 Hà Thanh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang