Tên cơn bão càng nữ tính sức hủy diệt càng ghê rợn

author 14:37 06/06/2014

(VietQ.vn) - Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tên cơn bão càng nữ tính, số sinh mạng nó cướp đi càng nhiều, sức hủy diệt càng ghê rợn.

Phát hiện mới nhất về tên bão 

Theo tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, kết luận trên được rút ra từ một nghiên cứu đối với tỉ lệ người tử vong vì các cơn bão ở Mỹ trong hơn 6 thập niên qua. Các cơn bão đang giết chết hơn 200 người ở Mỹ mỗi năm và những cơn bão dữ dội có thể cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.

Cảnh hoang tàn ở New Orleans sau khi cơn bão Katrina quét qua năm 2005

Cảnh hoang tàn ở New Orleans sau khi cơn bão Katrina quét qua năm 2005. Ảnh internet

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích số trường hợp tử vong thực sự đối với mọi cơn bão từng đổ bộ vào Mỹ từ năm 1950 đến năm 2012, không kể bão Katrina (năm 2005) và bão Audrey (1957) vì chúng gây chết chóc lớn hơn nhiều một cơn bão bình thường.

Các chuyên gia phát hiện tên bão càng nữ tính thì sức tàn phá của nó càng khủng khiếp

Vì sao sức hủy diệt của bão có liên quan đến tên bão?

Thực tế này được lí giải đơn giản vì, một cơn bão với cái tên nữ tính (như Alexandra, Christina hay Victoria) được xem là ít nguy hiểm và ít mang lại điềm gở hơn so với một cơn bão sở hữu cái tên nam tính hơn (như Alexander, Christopher hay Victor). Do vậy, người dân cư trú trên đường đi của những cơn bão này có thể nghĩ là tên bão nữ tính thì ít nguy hiểm nên áp dụng ít biện pháp phòng ngừa hơn nhưng kết cục họ lại bị tổn hại nhiều hơn.

Bão Victoria gần Melbourne, Australia

Bão Victoria gần Melbourne, Australia. Ảnh internet

Nhóm nghiên cứu tuyên bố, khám phá của họ ám chỉ hậu quả “đáng tiếc và không dự tính trước” của việc đặt tên phân biệt giới tính cho các cơn bão. Nó đã mang tới các ngụ ý quan trọng cho các nhà lập pháp, chuyên gia khí tượng học và công chúng liên quan đến việc truyền đạt thông tin về cơn bão và sự sẵn sàng đối phó với nó.

Lịch sử cách đặt tên bão 

Dựa trên một hệ thống chọn tên quốc tế do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tại Genève (Thụy Sĩ) quản lý, tên gọi các cơn bão lớn đã được biết trước nhiều năm, ngay cả khi các chuyên gia khí tượng không thể dự báo chính xác thời gian và địa điểm bão sẽ xuất hiện. Đối với khu vực Bắc Đại Tây Dương, Caribbe và Vịnh Mexico, danh sách tên bão năm 2005 được xếp theo thứ tự abc từ Arlene đến Wilma với các tên gọi của nam và nữ xen kẽ nhau như Katrina, Lee, Maria, Nate, Ophelia, Philippe, Rita, Stan...

Sự tàn phá của bão Rita tại Texas

Sự tàn phá của bão Rita tại Texas. Nguồn Internet

Các nhà khí tượng học Mỹ bắt đầu đặt tên cho các cơn bão nhiệt đới và những cơn cuồng phong (phát triển từ bão nhiệt đới với gió mạnh từ cấp 8) năm 1953. Ban đầu, tất cả tên gọi bão đều của phái nữ nhưng đến năm 1979 thì áp dụng qui tắc xen kẽ tên nam và nữ theo đề nghị của các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ tại Mỹ.

Từ ngày 1/1/2000, các cơn bão ở lòng chảo tây bắc Thái Bình Dương (khu vực mà Việt Nam nằm trong) được đặt theo một danh sách các tên mới lạ. Những tên mới bổ sung bao gồm các tên châu Á, được lấy từ các nước và vùng lãnh thổ là thành viên của WMO trong khu vực. Mỗi trong số 14 thành viên cung cấp 10 cái tên, tạo thành danh sách 140 tên bão.

Những tên này có hai điều khác biệt so với tên bão ở các nơi trên thế giới. Thứ nhất, hầu hết chúng không phải là tên riêng của người, mà thường là tên hoa, động vật, chim, cây cỏ hay thậm chí tên món ăn. Thứ hai, các tên này không được đặt tuần tự theo thứ tự chữ cái, mà theo thứ tự chữ cái của tên các nước.

Tuyết Trinh (T/h) 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang