Sức mua hàng tiêu dùng nhanh đang giảm

author 13:28 20/07/2013

(VietQ.vn) - Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) gồm thực phẩm đóng gói, mỹ phẩm, nước giải khát… sức mua đang giảm

Tiềm năng còn rất lớn

Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel Vietnam - một công ty con thuộc Tập đoàn WPP (Mỹ), ttrong 5 năm qua, 40% số hộ gia đình khu vực thành thị đã đạt mức thu nhập trung bình trên 2 triệu đồng/người/tháng. Tầng lớp thượng lưu ở thành thị cũng hình thành và không ngừng chi tiêu cho sản phẩm công nghệ hiện đại. Trong 10 năm tới, khu vực thành thị vẫn tiếp tục là điểm đến tiềm năng cho các sản phẩm tiêu dùng tiện lợi, hàng cao cấp, những sản phẩm mới chăm sóc bản thân và thúc đẩy kênh giao tiếp trực tuyến phát triển rộng khắp.

Tương lai của hệ thống phân phối hiện đại có nhiều tiềm năng. Ảnh: N. M
Tương lai của hệ thống phân phối hiện đại có nhiều tiềm năng. Ảnh: N. M

Ở khu vực nông thôn, hiện 1/3 hộ gia đình đạt thu nhập trên 1 triệu đồng/người/tháng, gấp đôi con số của năm 2008, phân khúc này bắt đầu chuyển dần sang lối sống hiện đại. Kantar dự báo đến năm 2022, những sản phẩm như xe máy, bếp gas, tủ lạnh và điện thoại di động sẽ có mặt ở hầu hết các hộ nông thôn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng nông thôn tiếp cận các kênh mua sắm hiện đại. Kênh thương mại sẽ bị tác động trước sự đa dạng phân khúc tiêu dùng nhưng cũng là phần thưởng cho các nhà sản xuất theo kịp các thay đổi của thị trường.

Theo ông David Anjoubault, Tổng Giám đốc Kantar Worldpanel Vietnam, với 98 triệu người và 25 triệu hộ gia đình, Việt Nam là thị trường tiêu dùng hấp dẫn. Hiện có đến 2/3 dân số sống ở khu vực nông thôn nhưng sẽ có sự dịch chuyển và tỷ lệ cân bằng giữa nông thôn - thành thị sẽ đạt được vào năm 2040, là yếu tố quan trọng tác động mạnh đến kênh thương mại hiện đại.

Đánh giá về xu hướng tiêu dùng, theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc kinh doanh Kantar Worldpanel Vietnam, các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như sữa, nước uống, bột giặt, sữa tắm, dầu gội, dược phẩm, thực phẩm chế biến… vẫn sẽ tăng trưởng hai con số bất chấp kinh tế khó khăn, đẩy mức chi tiêu trung bình ở hộ gia đình hàng năm vượt ngưỡng 1.000 USD tại thành thị và tại nông thôn sẽ đạt đến mức này trong 10 năm tới. FMCG Việt Nam những năm qua vẫn tăng trưởng mạnh, với tổng giá trị thị trường đạt 8 tỷ USD năm 2011. Ước tính tốc độ tăng trưởng trung bình 12%/năm trong 10 năm tới, tổng giá trị thị trường sẽ đạt đến 20 tỷ USD.

Theo phân tích của Kantar, nếu kênh mua sắm hiện đại Việt Nam trong 10 năm khởi động (1994-2003) chỉ với sự hiện diện của số ít siêu thị/đại siêu thị như Citimart, Co.opMart, BigC và Metro Cash & Carry thì giai đoạn 2004-2013 là thời kỳ phát triển đa dạng hóa các loại hình bán lẻ.

Đến năm 2012, cả nước đã có hơn 600 siêu thị/đại siêu thị, trên 100 trung tâm mua sắm phức hợp; gần 1.000 siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi.

Theo đó, tốc độ phát triển cũng cao hơn, nếu tính từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, kênh thương mại hiện đại đóng góp trung bình 10 - 20%/năm đối với thị trường bán lẻ ngành hàng FMCG ở thành thị, dự báo mức đóng góp sẽ đạt đến 20 - 35%/năm trong suốt thập kỷ 2014-2023.

Theo Kantar, điều này có được là do giai đoạn 2014-2023 nhiều tên tuổi lớn trên thị trường bán lẻ quốc tế hoạt động sẽ tác động lớn đến thị trường Việt Nam. Mô hình siêu thị/đại siêu thị vẫn đóng vai trò chủ đạo trên thị trường, nhưng loại hình siêu thị quy mô nhỏ, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi sẽ dần thay thế kênh mua sắm truyền thống ở trung tâm các thành phố lớn. Trong khi các đại siêu thị, trung tâm mua sắm phức hợp sẽ nở rộ ở vùng ven đô, trở thành nơi mua sắm thứ cấp kết nối đến người tiêu dùng khu vực nông thôn.

Sức mua hiện tại đang giảm

Cũng một khảo sát mới của Kantar Worldpanel cho thấy, tại thời điểm hiện nay, thị trường hàng tiêu dùng nhanh bao gồm thực phẩm đóng gói, mỹ phẩm, nước giải khát… trong 3 tháng gần đây (tính đến cuối tháng 5/2013) tăng trưởng khá chậm, đạt mức 7% ở thành thị và 9% ở nông thôn, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng năm 2012 với 17% ở cả thành thị và nông thôn.

Sức mua hàng tiêu dùng nhanh trên thị trường đang có xu hướng giảm. Ảnh: N. M
Sức mua hàng tiêu dùng nhanh trên thị trường đang có xu hướng giảm. Ảnh: N. M

Cụ thể, đại diện Kantar Worldpanel cho biết ở thời điểm quý I/2013, chỉ có 28% người tiêu dùng thành thị nhận định tình hình kinh tế sẽ tốt đẹp hơn trong 6 tháng tới. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nhận thấy siêu thị ngày càng kém hấp dẫn (phản ánh qua mức tăng trưởng ở kênh bán hàng này gần bằng 0).

Trong khi đó, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là kênh mua sắm tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng ấn tượng, mức dương 91% nhờ thu hút được nhiều khách hàng mới là hộ gia đình với tần suất mua sắm thường xuyên hơn.

Trao đổi về việc này, một số doanh nghiệp ngành tiêu dùng nhanh thừa nhận trong 6 tháng đầu năm 2013, doanh số giảm 10%-15% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân do người tiêu dùng ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung bình và thấp đều chi tiêu tiết kiệm.

Tại các siêu thị bán lẻ, mức tăng trưởng 6 tháng qua giảm khoảng 10% so với cùng kỳ 2012.

Vì sao lại có sự thay đổi này? Kantar Worldpanel nhận định bởi trong tình hình kinh tế không thuận lợi, giá cả dần trở thành rào cản khiến siêu thị trở nên kém hấp dẫn hơn. Xu hướng chuyển từ mua sắm ở tiệm tạp hóa sang siêu thị dù tiếp diễn nhưng đang yếu dần.

Khảo sát riêng về “Lối sống người tiêu dùng” do Kantar Worldpanel thực hiện cho thấy 55% người tiêu dùng thành thị có cùng quan điểm “giá cả ở siêu thị luôn đắt hơn ở tiệm tạp hóa”, con số này năm trước là 50%.

Nguyễn Nam (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang