Sùi mào gà và những biến chứng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ

author 11:21 19/07/2017

(VietQ.vn) - Sùi mào gà là một căn bệnh xã hội không chỉ người lớn mới có thể mắc mà trẻ em cũng có thể mắc phải vì căn bệnh này lây qua các tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

Sùi mào gà (Condylomata acuminata) là bệnh do nhiễm virus Human papillomavirus (HPV) biếu hiện ở vùng sinh dục, đặc trưng bởi các sẩn hoặc mảng có màu da hoặc tăng sắc tố. Sùi mào gà có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc không. Ở trẻ nhỏ, HPV đa số không phải do lây truyền qua đường tình dục.

Việc điều trị bệnh sùi mào gà ở trẻ nhỏ gặp khá nhiều khó khăn. Ảnh: Ngọc Nga

Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, các con đường nhiễm HPV ở trẻ em thường gặp là qua tiếp xúc với người chăm sóc trực tiếp; Tự lây truyền từ tổn thương do HPV gây ra ở vùng niêm mạc hoặc da; Do bị lạm dụng tình dục; Truyền từ mẹ bị nhiễm HPV sinh dục trong quá trình sinh nở; Từ đồ dùng như khăn, đồ lót bị nhiễm HPV (tuy nhiên khả năng này rất ít khi xảy ra); Lây gián tiếp qua các dụng cụ y tế không vô khuẩn.

Sùi mào gà bắt đầu bởi biểu hiện tổn thương sẩn mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng một vài mm. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương có thể hợp lại thành mảng lớn hơn hay còn được gọi “tổn thương dạng súp lơ”. Ở trẻ nam, sùi mào gà thường gặp ở vị trí quanh hậu môn và ít thấy ở thân dương vật. Ở trẻ nữ có thể gặp ở quanh hậu môn, âm hộ, màng trinh, phía ngoài âm đạo và khu vực quanh lỗ niệu đạo. Một vài trường hợp có thể gặp ở bên trong niêm mạc âm đạo và trực tràng. Sùi mào gà thường ít có triệu chứng cơ năng, có thể gây ngứa, đau hoặc chảy máu. 

Độc tố cyanide trong măng cực hại sức khỏe nếu không biết cách chế biến(VietQ.vn) - Măng là món ăn được nhiều người yêu thích, dễ ăn. Tuy nhiên nếu không biết cách sơ chế, chế biến thì chất độc trong măng cực nguy hiểm với sức khỏe người dùng.

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: "Điều trị sùi mào gà không chỉ một lần là khỏi, bệnh nhân phải định kỳ thăm khám. Trung bình 2-3 tuần, người bệnh cần khám lại điều trị tiếp tổn thương và khám định kỳ trong vài tháng. Để điều trị cho trẻ, các bác sĩ sẽ dùng thuốc bôi tại chỗ. Tuy nhiên, điều trị sùi mào gà ở trẻ em bằng thuốc bôi có tỷ lệ tái phát khá cao. Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với thuốc bôi tại chỗ, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp áp lạnh, laser, cắt bỏ tổn thương".

Cũng theo Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, việc điều trị bệnh sùi mào gà ở trẻ nhỏ gặp khá nhiều khó khăn, do sự hợp tác của trẻ trong quá trình can thiệp các biện pháp không thuận lợi, từ đó nguy cơ bị biến chứng ở trẻ em có thể sẽ nhiều hơn. Bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ nên lưu ý khi con có những vết phồng rộp hoặc bất thường ở cơ quan sinh dục cần phải đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị kịp thời. Đặc biệt nên chọn những cơ sở có uy tín, có giấy phép hoạt động để tránh hậu quả đáng tiếc.

Trước đó, báo chí đã đưa tin về vụ việc nhiều bé trai ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) bị sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu tại một phòng khám tư trên địa bàn. Nhiều trẻ bị mắc bệnh đã được gia đình đưa lên điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ngay sau đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn số 961/KCB-QLCL yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, Bệnh viện Da liễu Trung ương phối xác minh thông tin trên hàng chục trẻ em bị sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu và xử lý nghiêm theo quy định hiện hành nếu có sai phạm.

Minh Châu

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang