Súng laser Cảnh vệ tầm thấp II của Trung Quốc mạnh cỡ nào?

author 21:10 24/09/2016

(VietQ.vn) - Công ty công nghệ Poly (PT) của Trung Quốc vừa tiết lộ thông tin chi tiết về mẫu súng laser có tên Cảnh vệ tầm thấp II (LAG II).

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

VnExpress đưa tin, theo đại diện của PT, LAG II có tầm bắn lên tới 4 km với năng lượng tối đa 30 KW, tương đương Hệ thống Vũ khí Laser chuyên tấn công UAV, tàu nhỏ và trực thăng gắn trên tàu chiến USS Ponce của Mỹ. Súng LAG II có thể gắn trên xe tải cỡ trung hoặc xe bọc thép chở quân để tiêu diệt các UAV nhỏ.

Trong các cuộc thử nghiệm, hệ thống dẫn đường quang điện tử của súng LAG II tỏ ra hiệu quả trong tiêu diệt các UAV và có thể là các máy bay có người lái, máy bay bay chậm, tuy nhiên vũ khí này cần trang bị các thiết bị cảm biến kiểm soát hỏa lực tốt hơn để tiêu diệt các vật thể tốc độ nhanh như đạn pháo, tên lửa hành trình và rocket.

LAG II có một mái vòm di động để bảo vệ camera quang điện tử và các bộ phận khi không tham chiến hoặc dùng để ngụy trang trong quá trình di chuyển.

Mô hình súng laser LAG II gắn trên xe tải được Trung Quốc trưng bày

Mô hình súng laser LAG II gắn trên xe tải được Trung Quốc trưng bày. Ảnh: Popsci

 

Được cải tiến từ khẩu LAG I trang bị cho lực lượng hành pháp và chống khủng bố, LAG II là một trong những vũ khí laser mạnh nhất của Trung Quốc hiện nay, được chế tạo thiên về mục đích quân sự.

Được biết, mẫu súng LAG I, lần đầu ra mắt năm 2014, là một công cụ chống khủng bố và trang bị cho lực lượng thực thi pháp luật nhờ sử dụng các thiết bị cảm biến quang điện tử để khóa mục tiêu là các máy bay không người lái (UAV) sau đó sử dụng tia laser để tiêu diệt.

Theo các chuyên gia quân sự, việc các công ty vũ khí Trung Quốc ngày càng chú trọng tới thị trường xuất khẩu công nghệ cao, kể cả những vũ khí mới được đưa vào biên chế trong quân đội hoặc đang được thử nghiệm. Điều này cho thấy các khẩu súng laser nhỏ gọn sẽ sớm được biên chế rộng rãi trong lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Ấn Độ trang bị thêm 36 máy bay tiêm kích chiến đấu(VietQ.vn) - Thỏa thuận có tổng trị giá 8,7 tỷ USD là thương vụ mua máy bay chiến đấu lớn đầu tiên của Ấn Độ trong vòng 2 thập kỷ qua.

Liên quan vũ khí laser, theo Tuổi Trẻ, trước đó, Hoa Kỳ cũng đã giới thiệu một hệ thống vũ khí laser có công suất 60 kW và khi cần thiết có thể lắp đặt thêm các nguồn bức xạ để tăng công suất lên đến 120 kW.

Loại vũ khí không tưởng này lắp đặt trên thiết giáp HEL MD để phá hủy các loại máy bay không người lái, đạn pháo, đạn súng cối, mìn và rocket khi phòng thủ cũng như tấn công các mục tiêu trên cạn, trên không và trên biển.

Ngoài ra, Boeing cũng từng cho ra mắt súng laser có công suất 2 KW bao gồm một laser hồng ngoại để tiêu diệt các máy bay không người lái. Thậm chí, hãng Lockheed Martin cũng đã thử nghiệm thành công vũ khí laser có tên gọi Athena với khả năng buộc xe ô-tô phải dừng lại từ xa.

Vậy là sau Hoa Kỳ thì Trung Quốc trở thành quốc gia tiếp theo có kế hoạch đưa loại vũ khí tưởng như chỉ có trong phim ảnh vào thực chiến và chính quyền nước này cũng đã lên kế hoạch xuất khẩu nó cho những đối tác của họ.

Vũ khí laser Trung Quốc có thể diệt được máy bay không người lái. Ảnh: Popular Science 

Trước việc Trung Quốc liên tiếp ra mắt vũ khí công nghệ cao này, tạp chí quân sự khác của Mỹ là National Interest nhận định, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã giành được nhiều thành công trong lĩnh vực vũ khí và ứng dụng quốc phòng.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực vũ khí công nghệ cao, đặc biệt là vũ khí laser, mọi tiến bộ của Bắc Kinh mới chỉ dừng lại ở tuyên bố của nước này và hoàn toàn chưa được kiểm chứng. Và đây cũng có thể là lý do nước này chỉ mang vũ khí công nghệ cao của mình sang châu Phi chào bán.

Cũng nhận định về vũ khí Trung Quốc, theo nhà nghiên cứu Bitzinger, nhìn chung, các loại vũ khí Trung Quốc sản xuất được và bán đi vẫn chưa có “sức nặng” đủ làm thay đổi cuộc chơi, tức tạo được tác động lớn đến cân đối quyền lực trong khu vực.

Vị trí một nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Trung Quốc vì thế vẫn còn mong manh, do lẽ các nước ngay bên dưới có thể trồi lên nếu có được hợp đồng lớn. Bằng chứng là ở vị trí thứ ba trong thị trường vũ khí toàn cầu, nhưng Trung Quốc vẫn còn khoảng cách quá xa so với Mỹ (33%) và Nga (25%), chỉ nhỉnh hơn một chút so với Pháp (5,6%), Đức (4,7%) và Vương quốc Anh (4,5%).

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa mở rộng nổi thị trường và cũng chưa có “hàng độc” đủ sức cạnh tranh. Có rất ít quốc gia phải xếp hàng chờ mua các hệ thống vũ khí của Trung Quốc và nếu phải như thế, chắc chắn mua về họ cũng sẽ thay thế một số bộ phận bằng thiết bị an toàn và chất lượng hơn của phương Tây.

Điều này là do ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vẫn còn rất yếu trong các công nghệ quan trọng như động cơ phản lực và thiết bị điện tử.

Một bài báo của New York Times vào năm 2013 từng cho biết, Algeria đã mua tàu hộ tống từ Trung Quốc, nhưng sau đó phải mua thêm rađa của Pháp và thiết bị thông tin liên lạc để trang bị thêm cho các tàu này. Chiến đấu cơ JF-17 của Pakistan cũng phải sử dụng động cơ Nga, trong khi Thái Lan quay sang nhờ Hãng Saab của Thụy Điển nâng cấp các tàu khu trục mua từ Trung Quốc.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang