Sưng môi, lở loét, tốn tiền triệu vì mĩ phẩm dởm

author 11:30 23/08/2012

(VietQ.vn) - Hơn một năm sau khi thông tư 06 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm có hiệu lực, số lượng mĩ phẩm kém chất lượng vẫn tràn ngập thị trường. Nhiều người tiêu dùng đang phải chịu hậu quả chỉ vì làm đẹp bằng mĩ phẩm “xịn”.

Hàng nhái cũng có tem chống hàng giả 

Theo Thông tư 06 (có hiệu lực từ 1/4/2011) của Bộ Y tế, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải đảm bảo các sản phẩm của mình không có hại đối với sức khoẻ con người khi được dùng trong điều kiện bình thường hoặc những điều kiện thích hợp được hướng dẫn, phù hợp với dạng bào chế, thông tin ghi trên nhãn, hướng dẫn sử dụng… 
 
Dù đã hơn một năm trôi qua, theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, tình trạng buôn bán mĩ phẩm mập mờ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kiểm định vẫn tràn lan trên thị trường. Ngay tại khu vực chợ Đồng Xuân, chợ Cầu Giấy, chợ Ngã Tư Sở…, các kệ hàng mĩ phẩm vẫn tràn ngập các loại hàng nhái với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Clinque (Mỹ), Shisedo (Nhật Bản), O Hui (Hàn Quốc), L’Oreal (Pháp)... 
Lực lượng chức năng kiểm tra mĩ phẩm bán trên thị trường
Lực lượng chức năng kiểm tra mĩ phẩm bán trên thị trường
 
So với giá bán của hàng chính hãng, hàng nhái rẻ hơn rất nhiều. Một thỏi Shisedo “nhái” chỉ có giá khoảng 30.000 – 40.000 đồng/thỏi, hộp phấn O Hui, L’Oreal, Mac chỉ có giá 80.000 – 100.000 đồng/hộp. 
 
Trên các sản phẩm này đều có dán tem với dòng chữ “tem chống hàng giả” hoặc “đảm bảo chính hãng”. Nhưng nếu “tinh mắt”, người tiêu dùng có thể thấy một số tem có chữ viết sai chính tả hoặc không ghi xuất xứ, tên nhà sản xuất mà chỉ có tên nhà nhập khẩu là một công ty nào đó. Một số sản phẩm không đề hạn sử dụng nhưng được người bán nhiệt tình giới thiệu là “hàng mới về”. 
 
Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, mỹ phẩm là một trong những mặt hàng nằm trong nội dung thường xuyên thanh tra, kiểm tra về gian lận thương mại. Các sản phẩm mỹ phẩm “nhái” hầu hết được nhập từ Trung Quốc và dán các nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như: Olay, Ponds, Isa knox, Lancome…
 
Nhan sắc tàn phai vì... mỹ phẩm "lởm"
 
Bác sĩ Chu Thanh Hương - Bệnh viện Đại học Y cho biết, bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân đến khám sau một thời gian sử dụng mĩ phẩm được quảng cáo là “xịn”, hàng hiệu. Hầu hết bệnh nhân đều nhập viện với dấu hiệu biến chứng do dùng hàng “dỏm” như da nổi mụn bọc, mụn trứng cá, mẩn đỏ, sưng tấy…
 
Đáng chú ý trong số này cũng có không ít trường hợp mang theo những di chứng mãn tính như: môi sưng, lở loét, lỗ chân lông to, da sạm, xuất hiện sẹo… do không được chẩn trị kịp thời. 
 
Bệnh nhân Triệu Minh Thuỳ (Thanh Xuân, Hà Nội) đã phải đến Viện da liễu điều trị suốt một tuần nay vì trên mặt xuất hiện nhiều vết tấy đỏ, sần mụn sau khi sử dụng hộp phấn của hãng Essance. Chị Thuỳ cho biết, hộp phấn trên là do chị mua trong đợt “giảm giá cực sốc 70% ” tại một cửa hàng mĩ phẩm trên phố Hàng Buồm. Chị đã cẩn thận kiểm tra rất kĩ tem chống hàng giả mới dám chọn mua. Tuy nhiên, sau vài lần sử dụng phấn, da chị có triệu chứng dị ứng, nổi mụn. 
 
Khác với trường hợp của chị Thuỳ, chị Nguyễn Thị Hằng Ngần (sinh viên ĐH Quốc Gia, Hà Nội) cho biết, chị mua phải một thỏi son nhãn hiệu Seshido “na ná” sản phẩm của hãng Shisedo tại chợ Sinh viên (Cầu Giấy). Thỏi son này chỉ có giá 30.000 đồng, màu sắc rất trẻ trung, tươi tắn. Người bán cho biết đây là hàng “nhái” được nhập từ Singapo, chất lượng tương đương hàng chính hãng chứ không “đểu” như hàng Trung Quốc. 
 
Mặc dù biết hàng “nhái” nhưng do tham rẻ lại thấy nhiều người bạn “mách nước” dùng rất tốt, chị cũng không đắn do khi sử dụng sản phẩm này. Kết quả, sau khi hết gần một nửa thỏi son, môi chị có triệu chứng thâm đen, khô nứt nẻ. Nghe trên tivi nói đến các loại son “nhái” có chất sudan gây ung thư, chị mới hoảng hốt đến bệnh viện khám da liễu và điều trị. 
 
Gần đây, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra lượng độc tố trong các loại sơn móng tay rẻ tiền có thể gây bệnh ung thư. Tuy nhiên, những loại sơn móng xanh đỏ tím vàng lấp lánh trên vẫn được bày bán ở khắp các chợ mĩ phẩm, các cửa hàng tạp hoá… Nguy hiểm hơn, mặt hàng này còn “góp mặt” tại các shop hàng lưu niệm tại các cổng trường học, trở thành món quà “hút” khách các bé gái, các em học sinh nữ thích “làm đỏm”.
 
Thị trường mĩ phẩm đang phát triển hết sức nhanh chóng nhưng lượng người dân có kiến thức đúng đắn về sử dụng mĩ phẩm chưa cao, lại chưa hề có một đánh giá toàn diện về hàng giả, hàng nhái đang có mặt trên thị trường. Do đó, người tiêu dùng khi muốn sử dụng các loại mỹ phẩm làm đẹp nên tìm đến các điểm kinh doanh sản phẩm chính hãng, được các chuyên gia làm đẹp, bác sĩ chuyên khoa tư vấn cách dùng. 
 
Ngày 10/01/2012, đội 5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Đội quản lý thị trường số 7 bắt giữ gần 3 tấn mỹ phẩm giả gắn mác Tây Ban Nha của Công ty trách nhiệm hữu hạn và thương mại Đồng Phát Hong Kong tại ngõ 61/10 phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.
 
Chỉ trong một ngày ra quân kiểm tra đột xuất mặt hàng mỹ phẩm tại 5 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 25/4, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ nhiều sản phẩm "đội lốt" chính hãng để đánh lừa người tiêu dùng. Trong đó, hàng nghi giả mạo nhãn hiệu Nivea bị tạm giữ nhiều nhất với 1.166 sản phẩm. Ngoài ra, hàng lậu được trà trộn trong các cửa hàng cũng rất lớn, với 4.216 sản phẩm các loại, tập trung vào các mặt hàng như: thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu, dầu xả, hấp tóc...
 
 
Thanh Phong
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang