Súng trường L-39 'hầm hố' nhất Phần Lan- khắc tinh của thiết giáp

author 19:15 30/01/2017

(VietQ.vn) - Súng trường L-39 có khả năng bắn bán tự động bằng cơ cấu trích khí có tầm bắn tối đa tới 1.400 m và có khả năng xuyên 30 mm giáp ở khoảng cách 100 m.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Theo báo Đất Việt, ra đời cùng giai đoạn và cũng sử dụng cỡ đạn 20 mm, súng trường L-39 Norsupyssy của Phần Lan là đối thủ xứng tầm với Type-97 của Nhật. Súng trường L-39 sử dụng cỡ đạn 20 x 138 mm với nhiều loại đầu đạn khác nhau như AP, AP-T, AP-HE hoặc đạn xuyên cháy.

Chỉ riêng hộp tiếp đạn chứa 10 viên của súng trường L-39 đã nặng đến 3,6 kg. Tuy nhẹ hơn Type-97 gần 10 kg (49,5 kg), nhưng súng trường L-39 vẫn quá nặng để có thể mang vác như một khẩu súng bộ binh thông thường, do đó, nó thường được kéo đi trên tuyết hay đất mềm nhờ bộ phận đế giá hai chân được thiết kế đặc biệt. Súng có độ dài 2,24 m, trong đó phần nòng súng dài 1,3 m.

Đặc biệt, súng trường L-39 cũng có khả năng bắn bán tự động bằng cơ cấu trích khí. Nó có tầm bắn hiệu quả tối đa tới 1.400 m và có khả năng xuyên 30 mm giáp ở khoảng cách 100 m.

Súng trường L-39 Norsupyssy của Phần Lan là đối thủ xứng tầm với Type-97 của Nhật.  Ảnh: Trí Thức Trẻ

Súng trường L-39 Norsupyssy của Phần Lan là đối thủ xứng tầm với Type-97 của Nhật.  Ảnh: Trí Thức Trẻ 

Theo báo Trí Thức Trẻ, khẩu súng này được biết đến nhiều hơn dưới tên gọi Lahti L-39, gắn với tên của người sáng chế ra nó - Aimo Johannes Lahti (1896 - 1970). Quân đội Phần Lan đặt cho súng biệt danh Norsupyssy (súng săn voi) do có kích thước và khối lượng lớn.

Những nguyên mẫu đầu tiên được Aimo Johannes Lahti tạo ra vào năm 1939. Khi đó, các sĩ quan Quân đội Phần Lan vẫn tin dùng loại đạn 13,2 mm và tỏ ý nghi ngờ đạn 20 x 113 mm do Lahti thiết kế dành riêng cho súng. Họ tin rằng sơ tốc của đạn 20 mm không đủ để xuyên giáp xe tăng, và loại có tốc độ bắn cao cùng cỡ đạn nhỏ sẽ hiệu quả hơn.

Thế nhưng sau nhiều thử nghiệm vào mùa hè năm 1939 với mục tiêu là tấm giáp dày 30 mm, súng trường 20 mm đã chứng tỏ hiệu quả chống tăng cao hơn hẳn súng máy 13,2 mm, vì vậy đạn xuyên 20 x 113 mm đã chính thức được lựa chọn.

 Súng trường L-39 cũng được sử dụng trong chiến thuật chống bắn tỉa.

 Súng trường L-39 cũng được sử dụng trong chiến thuật chống bắn tỉa. 

Súng có bộ phận giảm giật dài ở đầu nòng với 5 cửa chia khí mỗi bên. Đệm tì má và đệm đế báng có lò so ở báng súng làm giảm sức giật phản hồi lên xạ thủ. Dù vậy, độ giật của súng trường L-39 vẫn rất mạnh.

Bộ phận giá súng để tăng độ ổn định khi ngắm và bắn có thiết kế rất đặc biệt, bao gồm hai đôi chân. Một đôi có đế trụ nhọn dùng cho mặt đất cứng, một đôi đế dạng ván trượt dùng cho nền đất mềm hoặc mặt tuyết.

Lahti L-39 được sử dụng tích cực trong suốt 2 năm chiến tranh với Liên Xô và cả trong Thế chiến thứ II. Mặc dù L-39 không thể bắn xuyên giáp xe tăng T-34 và KV-1 nhưng nó vẫn tỏ ra khá hiệu quả đối với các xe tăng hạng nhẹ, binh lính trú trong lỗ châu mai của lô cốt, mục tiêu tầm xa, thậm chí cả máy bay.

Súng trường L-39 cũng có khả năng bắn bán tự động bằng cơ cấu trích khí. Ảnh: Trí Thức Trẻ

Súng trường L-39 cũng có khả năng bắn bán tự động bằng cơ cấu trích khí. Ảnh: Trí Thức Trẻ

Súng cũng được sử dụng trong chiến thuật chống bắn tỉa "Cold Charlie": Lính Phần Lan dựng một hình nộm mặc đầy đủ quân phục sĩ quan, lính bắn tỉa Liên Xô khi phát hiện ra nó sẽ ngắm bắn vì tưởng là người thật, dẫn đến làm lộ vị trí của chính mình, sau đó lính bắn tỉa Phần Lan sẽ sử dụng Lahti L-39 để triệt hạ đối phương.

Khi Thế chiến thứ II kết thúc, phần lớn những khẩu L-39 được bán cho các nhà sưu tập vũ khí, chỉ một số rất ít còn được sử dụng để bắn trực thăng. Ngày nay, một phần do đạn dược dùng cho loại súng này đã trở nên rất khan hiếm, phần khác vì đạn 20 mm bị quy là "vũ khí phá hủy" theo luật pháp Mỹ, nên súng được hoán cải để sử dụng loại đạn .50 BMG (12,7 mm) thông dụng hơn và phù hợp với Luật kiểm soát vũ khí Mỹ.

 

 An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang