Suýt mất mạng vì dùng cà độc dược

author 06:59 07/11/2014

(VietQ.vn) - Cà độc là một vị thuốc chữa được khá nhiều bệnh. Tuy nhiên, sử dụng cà độc phải theo chỉ dẫn của bác sĩ vì độc dược này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ngộ độc vì nước cà độc dược... trị bệnh xoang

Bác sĩ Vũ Ngọc Lân, trưởng khoa hồi sức cấp cứu chống độc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đang cấp cứu cho bệnh nhân Nguyễn Đình Toàn (38 tuổi, ở xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn) bị ngộ độc do uống nước cà độc dược. Người nhà anh Toàn kể lại, anh này vốn bị bệnh viêm xoang, sau nhiều ngày chữa bệnh theo cách dân gian là dùng cà độc dược thái mỏng, phơi khô rồi đốt đem ngửi nhưng không được. Nghĩ là nếu nấu nước đem uống thì có thể khỏi nhanh hơn nên trưa 3/11 anh Toàn hái mấy quả đem về nấu lên rồi lấy nước uống. Không ngờ, vừa uống xong được vài phút thì anh bị ngộ độc. Khi người nhà phát hiện lập tức đưa đi bệnh viện huyện rồi chuyển thẳng lên bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An cấp cứu.

Cà độc nấu lên để uống có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

Cà độc nấu lên để uống có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh: Zing

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân nhập viện vào đầu giờ tối 3/11, trong tình trạng nguy kịch, bị kích thích mạnh, vật vã, mắc hội chứng cường giao cảm, da toàn thân nóng, đỏ, đồng tử giãn và mất ý thức hoàn toàn. Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được truyền nước, dùng các loại thuốc giải độc và bơm than hoạt tính vào dạ dày để xông và hấp thụ các chất độc rồi thải ra ngoài. Sau hơn 4 giờ cấp cứu, nạn nhân bắt đầu tỉnh dần và qua cơn nguy kịch. 

Tác dụng của cà độc dược

Cà độc dược (Datura metel) là cây dại phân bố tại nhiều vùng, miền của Việt Nam. Trong Đông y, quả cà độc dược là một vị thuốcTheo tài liệu của y học cổ truyền, cà độc dược có vị cay tính ấm, có độc, vào hai kinh phế và vị, nằm trong nhóm thuốc bình suyễn.

Về tác dụng chữa trị của cà độc dược, các y văn đều ghi công dụng, chỉ định và phối hợp là hoa cà độc dược được dùng trị ho, suyễn thở, ngực bụng lạnh đau, phong thấp đau nhức, cước khí (sưng chân), đau dây thần kinh toạ, đau răng, động kinh, lòi dom. Lá đem ngâm lấy nước trị chứng ho có tính co cứng, suyễn và các nhánh khí quản viêm, chống say sóng gây chóng mặt, nôn mửa khi đi tàu, thuyền và máy bay.

Ngoài ra, còn dùng làm thuốc tê trong phẫu thuật. Thường được chế biến dưới dạng cao, bột, cồn thuốc, cồn thuốc tươi. Dùng ngoài làm thuốc hút, nướng đắp hoặc giã đắp. Để trị hen, dùng 1 - 1,5g lá hoặc hoa khô cuốn vào giấy hút lúc lên cơn hen. Đối với lá chống chỉ định cho người hen suyễn do nhiễm khuẩn hô hấp, tăng huyết áp, thiên đầu thống.

Độc tính và biểu hiện ngộ độc cà độc dược

Mặc dù có nhiều mặt lợi, theo nghiên cứu, cây có  chứa chất atropin, trong hoa - thân - lá của cà độc dược còn có độc chất hyoxin. Cả hai chất này thuộc nhóm độc bảng A nên việc sử dụng nhất thiết phải có sự chỉ định, theo dõi kỹ của bác sĩ và lương y có kinh nghiệm, tuyệt đối không tự ý đốt hít hay sắc nước uống. 

Khi bị ngộ độc, nạn nhân có hiện tượng giãn đồng tử, mờ mắt, tim đập nhanh, giãn phế quản, môi miệng khô, khô cổ đến mức không nuốt và không nói được. Những triệu chứng của tình trạng nhiễm độc với liều lượng cao bao gồm hành vi bất thường, nhịp tim nhanh hoặc bất thường, mặt đỏ, ảo giác, mất khả năng nhận thức, sốt. Chất độc tác động vào hệ thần kinh trung ương, có thể gây tử vong.

Linh Mỹ (Tổng hợp từ Vnexpress, Zing, Sức khỏe đời sống)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang