Suýt 'toi mạng' vì ăn sâu măng

author 08:18 30/04/2015

Tranh thủ đợt nghỉ dài ngày, anh Quang ( Hoàng Mai, Hà Nội) đã cùng đám bạn phượt Tây Bắc. Chuyến đi mới được nửa hành trình thì anh phải quay về gấp vì bị dị ứng với món sâu măng xào lá chanh.

Cả đoàn không sao, chỉ mỗi mình bị dị ứng 

Sau hai ngày điều trị tích cực, anh Quang đã qua cơn nguy hiểm nhưng khuôn mặt vẫn phù nề, toàn thân vẫn nổi mẩn đỏ. 

Anh Quang thều thào kể lại: Theo lịch 28 mới nghỉ, nhưng anh cùng với mấy anh em định phượt dọc cung đường Tây Bắc qua Đông Bắc nên đã xin nghỉ trước 2 ngày để bắt đầu chuyến chinh phục. Mặc dù đã từng đi rất nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tiên anh “ gặp nạn” do ăn uống trên đường. Hôm ấy sau khi xuất phát từ Hà Nội qua Hòa Bình, Mai Châu nghỉ ngơi ăn trưa rồi tiếp tục chạy đến Co Lương, Trung Sơn, Mường Lý rồi dừng lại ở Mường Lát (Thanh Hóa) ăn tối và nghỉ lại. Cả đoàn vào một nhà hàng khá lớn ở đây để ăn tối. Nghe bà chủ giới thiệu có món đặc sản sâu măng đầu mùa rất ngon nên cả nhóm quyết định thưởng thức.

“Đoàn đi có 6 người thì 5 người không sao. Chỉ riêng tôi ăn xong chưa đầy 30 phút đã bắt đầu thấy choáng váng, người nôn nao. Tưởng bị cảm, nên anh em trong đoàn đã đánh gió nhưng không có dấu hiệu đỡ. Tôi nôn thốc nôn tháo, chân tay run lẩy bẩy. Linh tính có chuyện không lành, tôi vội yêu cầu mọi người quay trở lại Hòa Bình rồi được đưa thẳng về Hà Nội cấp cứu. Các bác sĩ nói tôi bị ngộ độc côn trùng. May sức khỏe tốt lại nôn ngay lập tức nên độc tố ngấm vào người chưa nhiều. Tý thì … toi mạng” – anh Quang nói.

Trường hợp của anh Quang chỉ là ví dụ điển hình của tình trạng ngộ độc do sử dụng côn trùng mà may mắn thoát chết. Theo thống kê của phòng Giám sát ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) thì trong vài năm gần đây, trên toàn quốc đã ghi nhận một số vụ ngộ độc do sử dụng các loại côn trùng, ấu trùng làm thức ăn. Điển hình là vụ ngộ độc do ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận làm 15 người bị ngộ độc phải nhập viện (năm 2012), tại huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước làm 3 người phải đi cấp cứu và 1 người tử vong (năm 2014). Đặc biệt, vào trung tuần tháng 6 năm ngoái một vụ ngộ độc với số lượng người mắc nhiều nhất đến nay  khiến 38 người ở huyện Than Uyên (Lai Châu) phải nhập viện trong đó 1 người tử vong. Nguyên nhân là những người này ăn món bọ xít đen chiên mỡ.

Nói không với những côn trùng lạ

TS Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng giám sát ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết: Nguyên nhân các vụ ngộ độc trên là do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây Cọc rào, cây Cỏ lào, thầu dầu tía… (chứa nhóm Alcaloit, nhóm Glucozit…) không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm để chế biến thức ăn.

Hiện côn trùng được xem như là món ăn đặc sản của nhiều địa phương miền núi tuy nhiên, theo BS Đặng Huyền Nga (Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Nội) kiến thức của người dân về chế biến các loại côn trùng này hầu như chỉ dựa vào kinh nghiệm, do đó sẽ không loại bỏ hết độc tố, khiến người ăn phải nhẹ thì dị ứng nặng thì ngộ độc cấp tính thậm chí có thể tử vong.

Theo đó, các dấu hiệu của ngộ độc côn trùng thường là buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lo mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân… “ Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn (người già, có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... thường bị nặng)” – TS Hùng nhấn mạnh.

Để phòng ngừa ngộ độc do côn trùng, TS Hùng khuyến cáo tuyệt đối không sử dụng, không “thử nghiệm” các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.

Trước khi chế biến các món ăn từ côn trùng người nấu phải ngâm côn trùng vào nước muối ấm, nước vôi… để thải hết chất độc trong ruột, tại các tuyến ngoại tiết. Sau đó bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi rồi rửa lại sạch bằng nước ấm, nước muối để loại bỏ vi sinh vật, chất bẩn bám trên thân côn trùng. Cần nấu kỹ và ăn ngay sau khi chế biến, tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, nấu chín nguyên con không qua sơ chế, vệ sinh…

Theo Infonet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang