Tác giả "đề án nghìn tỷ" cho khoa học nói gì?

author 09:45 01/03/2013

(VietQ.vn) - Với tính sáng tạo cao kèm với tính rủi ro, tính tích luỹ và độ trễ của hoạt động nghiên cứu, Nhà nước cũng không nên ra những chính sách đãi ngộ nhà nghiên cứu rập theo khuôn mẫu giống hoàn toàn như đối với cán bộ hoạt động trong khu vực hành chính.

Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Khoa học Công nghệ (KHCN), TS Tạ Doãn Trịnh trả lời phỏng vấn Chất Lượng Việt Nam xung quanh đề án đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao.

Các nhà khoa học trẻ của ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Các nhà khoa học trẻ của Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Đề án có nội dung là đào tạo 300 tiến sĩ/năm. Nhiều nhà khoa học đặt câu hỏi: Tại sao lại là con số 300? Liệu có xảy ra trường hợp "ép" để chọn được 300 người hay không?

Để KH&CN thực sự trở thành nền tảng và động lực then chốt phát triển kinh tế – xã hội và đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020.

Chiến lược này đã đề rõ mục tiêu phát triển KH&CN là đối với nền kinh tế, KH&CN phải đóng vai trò chủ đạo để tạo được bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đối với bản thân nền KH&CN nước nhà, phải phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, đáp ứng yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới.

Cũng như các chỉ tiêu cụ thể khác, việc xác định con số 300 cán bộ KH&CN trình độ tiến sĩ trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên được dựa  trên quy hoạch phát triển KH&CN đến năm 2020 nói chung và kết quả điều tra, khảo sát về nhu cầu phát triển của từng lĩnh vực KH&CN , trong đó có các lĩnh vực KH&CN ưu tiên của các bộ, ngành và địa phương nhằm đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế vào năm 2020 nói riêng. Cụ thể như sau:

Đến 2015, nhu cầu phát triển nhân lực trên các lĩnh vực KH&CN ưu tiên trong các quy hoạch là 28.000; số có trình độ trên đại học là 7.840, chiếm 28%; số có trình độ tiến sĩ là 2.613, chiếm 1/3 số có trình độ trên đại học. Đến năm 2020, nhu cầu nhân lực KH&CN lĩnh vực KH&CN ưu tiên trong các quy hoạch là 43.700 người, trong đó 12.236 người  có trình độ trên đại học, chiếm 28% và trình độ tiến sĩ là 4.078 chiếm 1/3 số có trình độ trên đại học. Do vậy, nhu cầu đào tạo mới trong 5 năm là 1.465 (4078-2613). Trung bình mỗi năm là 300 người.

Con số này cũng được khớp với nhu cầu cán bộ có trình độ tiến sĩ quy đổi đến năm 2020 thông qua kết quả điều tra nhu cầu nhân lực trình độ cao trong các  lĩnh vực KH&CN ưu tiên do đề án tiến hành  là 3.762-4.370 người (tổng số là 6.194 người, khối nghiên cứu là 2.546 người, khối giảng dạy là 3.648 người).

Có nhà khoa học cho rằng, chế độ đãi ngộ cho giới nghiên cứu phải được áp dụng cho tất cả. Nghĩa là cần nâng lương cho các nhà khoa học, chứ không chỉ tập trung vào một số "cánh chim đầu đàn". Ông nghĩ sao về ý kiến đó?

Chúng ta đều biết, một trong những vấn đề các nhà khoa học quan tâm nhất hiện nay là việc thiếu chính sách đãi ngộ gắn với chăm lo bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả  đội ngũ cán bộ làm KH&CN.

Về chế độ tiền lương cho nhà nghiên cứu, như Bộ trưởng Nguyễn Quân đã nói, hiện nay giới viên chức KH&CN đang chịu thiệt thòi, vì là đối tượng làm công ăn lương duy nhất không được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù giống như viên chức các ngành giáo dục, y tế hay các lĩnh vực khác.

Ngoài đãi ngộ trực tiếp về vật chất thông qua chế độ tiền lương, các nhà khoa học cũng cần được hưởng các đãi ngộ khác về điều kiện làm việc, môi trường nghiên cứu. Điều kiện làm việc thuận lợi, môi trường nghiên cứu phù hợp cũng là sự đãi ngộ không thể thiếu của xã hội để nhà khoa học dấn thân cống hiến tài năng, tâm huyết cho đất nước và thoả trí đam mê nghiên cứu, tìm tòi và phát hiện tri thức mới của mình.

Xin nhấn mạnh, với tính sáng tạo cao kèm với tính rủi ro, tính tích luỹ và độ trễ của hoạt động nghiên cứu, Nhà nước cũng không nên ra những chính sách đãi ngộ nhà nghiên cứu rập theo khuôn mẫu giống hoàn toàn như đối với cán bộ hoạt động trong khu vực hành chính. Cả hai dạng đãi ngộ: vật chất trực tiếp và thông qua tạo điều kiện làm việc luôn đi kèm với việc huy động và phân bổ nguồn lực của xã hội đầu tư cho KH&CN.

Ở trong nước, người ta nghĩ rằng xong chương trình tiến sĩ là đạt đỉnh cao học thuật, không cần học gì thêm nữa. Quan điểm này hết sức sai lầm. Xong tiến sĩ có thể ví von như là xong học nghề. Người học cần phải trau dồi tay nghề mới có thể trở thành độc lập. Trên thực tế, đa số tiến sĩ chưa có cơ hội thực tập sau tiến sĩ ở các chương trình hậu tiến sĩ. Vì thế, sự thông thạo trong nghề nghiên cứu có khi cũng bị ảnh hưởng.

Như nhà báo đã đặt câu hỏi, chúng tôi rất tán thành và mong mỏi đến một ngày nào đó không xa, chế độ đãi ngộ trực tiếp cho phải được áp dụng cho tất cả giới nghiên cứu, trong đó có cả những người làm nghiên cứu chính sách như chúng tôi.

Tuy nhiên, với lực lượng trên 6 vạn người làm nghiên cứu chuyên nghiệp, trên 3 triệu người có trình độ đại học trở lên và hàng triệu người dân yêu khoa học khác so với mức đầu tư của toàn xã hội ước khoảng 1 tỷ USD, tức là 11-12 USD/người dân hoặc 16.000-17.000 USD/1 nhà nghiên cứu trong 1 năm hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể đãi ngộ tiền lương cao cũng như tạo điều kiện làm việc tốt cho toàn bộ giới nghiên cứu được.

Ngay cả khi đạt mức đầu tư 25.000 USD vào năm 2015 và 40.000 USD vào năm 2020, đầu tư cho một nhà nghiên cứu ở nước ta cũng kém xa đầu tư bình quân cho 1 nhà nghiên cứu  ở các nước xung quanh (Singapore năm 2008 là 217.431 USD/người, Malaysia năm 2006 là 208.857 USD/người, Trung Quốc năm 2008 là 69.844 USD/người; Thái Lan năm 2007 là 49.060 USD/người; Philippines năm 2007 là 46.099 USD/người).

Do vậy, đương nhiên chúng ta phải cùng nhau giải bài toán lựa chọn đầu tư. Việc chọn cho trúng vấn đề mà hiện nay xã hội và nền kinh tế Việt Nam đang cần, cũng như chọn cho đúng các gương mặt nghiên cứu khoa học để gửi vàng là bài toán đầu tư không dễ.

Thêm vào đó, trong khoa học, việc đầu tư tới ngưỡng cho những đối tượng được lựa chọn là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư. Do vậy, việc hình thành đội ngũ các nhà KH&CN đầu ngành, đầu đàn sẽ là cơ sở cho việc phân biệt các đối tượng đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư cho KH&CN.

Đúng như ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Quân: “Trong khi chưa có chế độ lượng và thu nhập thỏa đáng cho các nhà khoa học, cần giải quyết chế độ đãi ngộ xứng đáng cho một số ít người được giao nhiệm vụ quốc gia...”. Đối tượng các nhà KH&CN trình độ cao cần tập trung quan tâm sắp tới cũng là những người chưa được các chính sách hiện hành quan tâm và tạo điều kiện đúng mức.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thể hiện qua các Nghị quyết của Trung ương Đảng, mà gần đây nhất là Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6 khoá XI cũng như các chủ trương chính sách khác của Nhà nước ta, đối tượng được nhắm đến để ưu tiên đầu tư là:  nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học thực hiện những nhiệm vụ trọng điểm quốc gia (trong đề án gọi là tổng công trình sư vì tính chất kinh tế - kỹ thuật của các nhiệm vụ quốc gia này) và nhà khoa học trẻ tài năng.

Việc lựa chọn các đối tượng trên bắt nguồn từ tính chất của hoạt động nghiên cứu khoa học. Lịch sử phát triển khoa học và công nghệ cho thấy, kể từ đầu thế kỷ XX, một nền khoa học và công nghệ  của bất cứ quốc gia nào cũng không thể vươn tới trình độ tiên tiến, hiện đại nếu thiếu những tập thể khoa học mạnh do các nhà khoa học hàng đầu dẫn dắt...

Tuy nhiên, tài năng của nhà khoa học lỗi lạc được bộc lộ gắn liền với các tập thể, với sự đóng góp chung của số đông các nhà khoa học còn lại. Trong một tập thể khoa học hiện đại, những nhà khoa học có trình độ khác nhau sẽ bổ sung cho nhau và sự kết hợp của họ tạo thành những tập thể khoa học làm việc đạt hiệu quả cao.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, nếu không đảm bảo đủ trợ lý cho các cán bộ khoa học chủ chốt thì hiệu suất lao động của họ giảm xuống một cách rõ rệt.

Với quan hệ biện chứng như vậy, một nguyên tắc được quán triệt trong đề án là việc đầu tư xây dựng đội ngũ được thực hiện thông qua các nhiệm vụ cụ thể do các nhà khoa học đầu ngành lãnh đạo.

Làm thế nào kiểm soát được chất lượng đào tạo các tiến sĩ, từ đề án này?

Chất lượng đào tạo hiện nay là vấn đề rất được quan tâm. Việc kiểm soát chất lượng nói chung qua các khâu tuyển chọn, lựa chọn thầy, tổ chức chương trình đào tạo đối với các bậc học nói chung và đào tạo tiến sĩ nói riêng thuộc trách nhiệm và chức năng của Bộ GD&ĐT.

Trong đề án, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ GD&ĐT làm tốt khâu xác định nhu cầu, lĩnh vực đào tạo để đáp ứng đúng nhu cầu, tuyển chọn ứng viên cho phù hợp và xác định rõ địa chỉ sử dụng sau đào tạo.  Sau khi được thông qua, chắc chắn hai Bộ sẽ có phối hợp hành động. Trong quá trình đào tạo, sẽ xây dựng cơ chế thường xuyên tham vấn và có thể kiểm soát được chất lượng đào tạo tiến sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sau này.

Cũng cần phải nói rằng, một vấn đề quan trọng khác là chương trình đào tạo hậu tiến sĩ. Ở trong nước, người ta nghĩ rằng xong chương trình tiến sĩ là đạt đỉnh cao học thuật, không cần học gì thêm nữa. Quan điểm này hết sức sai lầm. Xong tiến sĩ có thể ví von như là xong học nghề. Người học cần phải trau dồi tay nghề mới có thể trở thành độc lập. Trên thực tế, đa số tiến sĩ chưa có cơ hội thực tập sau tiến sĩ ở các chương trình hậu tiến sĩ. Vì thế, sự thông thạo trong nghề nghiên cứu có khi cũng bị ảnh hưởng.

Giả sử việc đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao đến năm 2020  thành công. Ông hình dung KHCN Việt Nam sẽ phát triển như thế nào vào lúc đó? Liệu KHCN sẽ đóng góp bao nhiêu phần trăm vào việc phát triển GDP?

Nếu đề án thành công, chúng ta sẽ có được các nhà khoa học đầu ngành và một lực lượng nghiên cứu trình độ cao trong các lĩnh vực quan trọng, đã được xác định như đội quân chủ lực đặc biệt tinh nhuệ, làm nòng cốt cho đội ngũ khoa học và công nghệ trong cả nước thực hiện sứ mệnh nền tảng và động lực cho sự phát triển của đất nước.

Đến lúc đó, KH&CN Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới; một số lĩnh vực KH&CN thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ được phát triển đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của chiến lược .

Xin cảm ơn Viện trưởng!

 Hoàng Tuân (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang