Tác hại khôn lường khi lạm dụng giác hơi

author 14:14 23/09/2016

Giác hơi đã có cách đây hàng ngàn năm và là liệu pháp giải độc cơ thể được ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hoặc dùng sai cách sẽ gây hậu quả nguy hiểm.

Những ảnh hưởng trực tiếp sau khi lạm dụng hoặc giác hơi sai cách thường là gây ban đỏ, sưng tấy... Ảnh minh họa

Những cảnh báo từ xa

Những ảnh hưởng trực tiếp sau khi lạm dụng hoặc giác hơi sai cách thường là gây ban đỏ, sưng tấy, nhiễm trùng da. Tình trạng này còn dẫn đến sẹo và tụ máu (bầm tím) trên da do tổn thương các mạch máu của lớp da trên cùng. Tụ máu thường gây đau, đôi khi có thể nguy hiểm đến tính mạng trong trường hợp kèm theo chấn thương trầm trọng như gãy xương, hoặc xuất huyết bên trong.

Đặc biệt, tổn thương do bỏng xảy ra trong khi giác hơi do một trong các yếu tố sau:

* Thầy thuốc sử dụng quá nhiều chất cồn để làm ẩm mặt trong của những ống giác hơi, nguyên nhân  thường gặp nhất dẫn đến tổn thương da.

* Hộp chứa cồn bất thình lình bị đổ trong lúc giác hơi.

* Trước khi giác hơi, thầy thuốc dùng một miếng giấy hoặc bông tẩm cồn 95 độ để đốt nóng không khí làm sinh hiệu ứng chân không trong lòng ống giác.Trong một vài trường hợp, do vội vàng, thầy thuốc đã đặt các ống giác lên vị trí giác hơi trước khi cồn được đốt cháy hoàn toàn, từ đó gây bỏng.

* Quá trình giác hơi có thể kéo dài quá lâu, ví dụ như hơn 30 phút, hoặc do da quá nhạy cảm với hơi nóng, như ở một số người già da trở nên mỏng và dễ tổn thương, trong khi da của một số trẻ nhỏ lại quá mềm, không thể chịu được những ống giác nóng.

Trong một số cách giác hơi ướt, hàng rào chức năng của da đã biến mất do vết mổ phẫu thuật, khiến các mô mềm còn mới không thể chống lại hơi nóng. Giác hơi ướt còn tăng nguy cơ nhiễm bệnh viêm gan B và C, HPV và HIV, có thể dẫn đến tình trạng ngất xỉu ở những người trẻ, vì thế không được khuyến cáo cho mọi lứa tuổi.

Trào lưu của những người nổi tiếng

Gần đây nhất, một số vận động viên quốc tế, trong đó có đội tuyển Mỹ khi thi đấu tại Olympic Rio đã sử dụng giác hơi. Trong giây lát, chiếc huy chương vàng đầu tiên của Michael Phelps dường như bị lu mờ bởi những vòng tròn màu tím lan rộng trên lưng và vai của anh. Phelps cho biết, anh chọn cách này để thư giãn các cơ bắp sau khi thi đấu. Vận động viên bơi lội Natalie Coughlin cũng đã đăng những tấm hình của mình có sử dụng giác hơi trên Instagram, còn vận động viên thể dục người Mỹ là Alex Naddour đã thi đấu với những vết thâm tím nổi bật trên vai.

Các ngôi sao Hollywood cũng không ngoại lệ. Nữ diễn viên Gwyneth Paltrow từng xuất hiện trên thảm đỏ với những đốm tròn trên lưng. Cô cho biết: "Giác hơi đem lại cảm giác tuyệt vời và thư giãn". Jennifer Aniston đến dự buổi ra mắt bộ phim đầu tiên của mình trong bộ váy đen hở vai, để lộ những dấu tròn do giác hơi. Cô được biết là một trong số những người chuộng giác hơi và châm cứu trong một thời gian dài. Những ngôi sao khác là Jessica Simpson, Lady Gaga và Victoria Beckham còn thẳng thắn thừa nhận có giác hơi. Họ chọn giác hơi cho nhiều mục đích sức khỏe khác nhau, đồng thời để thư giãn. Trong khi làm việc tại nước Anh, nam ca sĩ Chris Martin đã khoe tấm lưng có đầy những dấu tròn của giác hơi. Còn diễn viên Brad Pitt cũng bị đồn đoán từng sử dụng giác hơi.

Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, do "ăn theo" các nhân vật nổi tiếng kể trên, giác hơi có thể trở thành "mốt" thời thượng của nhiều người nổi tiếng. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia y tế, trong quá trình giác hơi, cả người bệnh và nhân viên kỹ thuật y tế cần theo dõi thường xuyên tình hình sức khỏe để có những biện pháp xử trí kịp thời.

* Về phía người bệnh: khi có những biểu hiện nóng tại chỗ giác, căng thẳng, buồn ngủ... cần báo cho nhân viên kỹ thuật để dừng lại. Hoặc nếu thấy những hiện tượng bất thường: nóng, choáng váng, hoa mắt, đau đầu... cần báo cho nhân viên y tế để xử lý, tránh những biến chứng. Sau khi giác hơi xong, người bệnh cần nghỉ ngơi, không hoạt động mạnh, không nên tắm.

* Về phía nhân viên kỹ thuật y tế: kiểm tra sức khỏe của người bệnh trước khi giác hơi. Theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân trong và sau khi thực hiện giác hơi.

Nên tránh giác hơi khi:

* Da bị nhiễm trùng, viêm tấy, ung loét hay nhạy cảm.

* Phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người già.

* Người có những rối loạn về máu hoặc da dễ bị bầm tím.

* Có những bệnh về da.

* Sốt cao.

* Đang có kinh nguyệt.

Theo DNSG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang