Tác hại không lường trước được khi 'độ' vô lăng ô tô

author 05:58 15/04/2021

(VietQ.vn) - Vô lăng ô tô là bộ phận điều khiển liên quan trực tiếp tới tính an toàn của người lái. Tuy nhiên hiện nay nhiều tài xế đua nhau lắp thêm nhiều phụ kiện cho bộ phận vô lăng nhưng không lường hết được tác hại.

Sự kiện: Cảnh báo ô tô xe máy

Vô lăng hay vành tay lái hay bánh lái là một trong những bộ phận thuộc hệ thống lái xe ô tô, có dạng hình tròn và được tài xế trực tiếp dùng để điều khiển các hướng di chuyển của xe.

Theo quy ước của từng quốc gia về chiều lưu thông đường bộ, vô lăng sẽ được đặt bên phải hay bên trái tương ứng. Điều này có nghĩa là, đối với các nước quy định chiều chuyển động bên phải thì vô lăng sẽ được lắp đặt bên trái và ngược lại, đối với chiều chuyển động bên trái thì vô lăng sẽ được lắp đặt bên phải hay còn gọi là tay lái thuận.

Tại Việt Nam chiều thuận được quy định trong luật giao thông là bên phải, nên vô lăng sẽ được thiết kế nằm ở vị trí bên trái trong buồng lái xe ô tô.

Trước đây, vô lăng được chế tạo từ sắt, gang hoặc gỗ. Tuy nhiên, chất liệu cấu thành vô lăng ô tô hiện đại bao gồm hợp kim nhôm hoặc magie có độ bền cao và được bọc da hoặc ốp vân gỗ bên ngoài. Các phiên bản xe đua hoặc hiệu năng cao có thể sử dụng vô lăng bằng carbon, giúp giảm trọng lượng đáng kể.

Bên cạnh đó, tùy theo thiết kế của từng loại xe và hãng xe, vô lăng còn được tích hợp thêm các nút chức năng để giúp người lái thuận tiện hơn trong việc điều khiển xe hay điều khiển các tiện ích khác như nhận cuộc gọi đến, điều khiển dàn âm thanh, bấm còi xe, khóa cửa…

Dù được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn thuận tiện, an toàn khi lái nhưng hiện nay khá nhiều tài xế lắp thêm một vài phụ kiện cho bộ phận này nhưng không biết rằng chúng sẽ mang lại không ít tác hại. 

Cân nhắc kỹ khi gắn một số phụ kiện trên vô lăng ô tô. Ảnh minh họa

Đính đá, đính logo trang trí vô lăng

Những viên đá hay chiếc logo lấp lánh để trang trí có thể phản chủ trong một số tình huống. Nếu không may xảy ra va chạm khiến túi khí bung, lúc đó những phụ kiện gắn thêm này có thể văng ra, nguy cơ bắn thẳng vào người ngồi trong xe và có thể gây sát thương.

Từng có một số vụ tai nạn không nghiêm trọng nhưng người sử dụng ô tô lại bị thương bởi chính những viên đá hay chiếc logo mà mình bỏ công sức chau chuốt. Do đó, hãy cân nhắc kỹ trước khi bỏ tiền chơi phụ kiện, nhất là những option "tự chế" dành cho vô lăng.

Bọc vô lăng kém chất lượng

Hiện nay, vô lăng trên ô tô chủ yếu được bọc da với những đường chỉ khâu đều tăm tắp, mang lại sự thoải mái và chắc chắn. Tuy nhiên, vẫn có người thích bọc thêm một lớp bên ngoài với nhiều mục đích khác nhau. Có người muốn vô lăng trở nên dày dặn và cầm "đầm" tay hơn. Song cũng có lái xe bọc chỉ đơn thuần vì muốn giữ cho bộ phận này tránh bị hao mòn sau thời gian sử dụng hay có người để vô lăng nguyên bản nhằm được giá khi bán lại.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, với loại bọc kém chất lượng có thể khiến lái xe không chắc chắn, trong một số tình huống xử lý phức tạp dẫn đến tình trạng tuột tay. Vấn đề khác là bọc thêm vì tưởng rằng có thể bảo vệ vô-lăng nhưng phụ kiện này nếu dùng loại không tốt còn làm trầy da, bong tróc cho lớp da.

Lời khuyên của những người sử dụng xe lâu năm là không nhất thiết phải bọc vô lăng mà có thể sử dụng nguyên bản. Nếu vẫn muốn thêm phụ kiện này thì hãy cân nhắc sử dụng sản phẩm của các thương hiệu uy tín, chất lượng. Một lựa chọn khác là bọc dạng khâu hẳn một lớp da thay vì đơn thuần "ốp" vào vành vô lăng.

Những trường hợp lạm dụng đèn báo khẩn cấp gây nguy hiểm nhiều tài xế mắc(VietQ.vn) - Đèn khẩn cấp cảnh báo nguy hiểm hiện được nhiều hãng ô tô trang bị nhưng nhiều tài xế dùng sai mục đích nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bản thân và người tham gia giao thông.

Giá đỡ điện thoại trên vô lăng

Trên thị trường hiện nay đang bày bán những loại giá đỡ điện thoại mà theo quảng cáo của người bán thì nó rất hữu dụng đối với tài xế ô tô. Loại này được thiết kế gắn ngay tại vô-lăng, giá khoảng từ 80.000 đồng, được một số lái xe lựa chọn. Tuy nhiên, việc vừa lái xe và vừa sử dụng điện thoại rất dễ phân tâm và bị pháp luật nghiêm cấm. Hơn nữa, gắn giá đỡ và điện thoại trên vô lăng còn khiến tài xế gặp bất tiện khi xử lý tình huống, cản trở việc kiểm soát chiếc xe và làm tăng nguy cơ tai nạn.

Núm vặn vô lăng một tay

Một số tài xế có thói quen "xoa" vô lăng bằng một tay khi vận hành, thậm chí áp dụng khi điều khiển xe lùi chuồng hoặc rẽ gấp. Từ hành động này, trên thị trường xuất hiện loại phụ kiện có tên gọi núm vặn vô lăng để việc "xoa" trở nên dễ dàng hơn.

Thực tế, lái xe tập trung bằng cả hai tay là cách tốt nhất để kiểm soát xe và làm chủ mọi tình huống. Do đó, phụ kiện nêu trên trở nên thừa thãi, không nên sử dụng để tránh hình thành thói quen dùng vô lăng bằng một tay.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang