"Các bậc phụ huynh nên tiếp tục đưa trẻ đi tiêm chủng"

author 19:39 30/09/2013

"Chương trình tiêm chủng đã triển khai hơn 30 năm, cứu hàng triệu trẻ, có 60-70 triệu lượt trẻ được tiêm hàng trăm triệu mũi vắc xin khác nhau. Tỷ lệ tai biến mặc dù có nhưng không chiếm tỷ lệ lớn. Do vậy các bậc phụ huynh nên tiếp tục đưa trẻ đi tiêm".

Sự kiện:

Thời gian gần đây nhiều thông tin liên quan đến những tai biến sau khi tiêm vắc xin, thậm chí dẫn tới tử vong ở trẻ khiến người dân không khỏi bất an, lo lắng. Hơn lúc nào hết xã hội cần một lời giải thích rõ ràng từ phía cơ quan quản lý. Để giúp người dân có cái nhìn tổng quát, khách quan về vấn đề này phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Quân Huấn (ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế khuyên các bậc phụ huynh tiếp tục cho trẻ đi tiêm chủng
"Nếu khẳng định tiêm vắc xin dịch vụ thì ít tai biến hơn vắc xin tiêm chủng mở rộng là chưa có cơ sở"

Thưa ông hiện nhiều người dân cứ nhắc tới việc đưa trẻ đi tiêm chủng là cảm thấy bất an. Ông có thể chia sẻ gì về điều này?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam là điểm sáng về tiêm chủng, sớm đạt mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe trẻ em. Chương trình tiêm chủng mở rộng góp phần giảm chi phí điều trị, giảm nguy cơ tàn phế của trẻ em, qua đó giảm thời gian chăm sóc của bà mẹ, tăng sức khỏe, tăng hiệu suất làm việc của bà mẹ.

Tuy nhiên hiện nay công tác tiêm chủng mở rộng đang gặp phải một số khó khăn. Đầu tiên là do chúng ta đạt được nhiều thành tựu đáng kể nên đã có tâm lý chủ quan, thỏa mãn dẫn đến giảm đầu tư cho chương trình tiêm chủng. Đây là sai lầm vì kinh nghiệm nhiều nước như Trung Quốc và một số nước ở châu Âu đã bùng phát trở lại bệnh bại liệt sau một thời gian kiềm chế thành công. Trong khi hiện nay việc lan truyền các loại bệnh rất lại rất nhanh.

Tiếp nữa là vấn đề tai biến do vắc xin là một thử thách lớn đối với Chương trình tiêm chủng mở rộng của ngành y tế. Theo báo cáo của Ban chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thì trong số 11 loại vắc xin đang tiêm cho trẻ em Việt Nam chỉ ghi nhận hai loại vắc xin có liên quan nhiều đến tai biến tử vong đó là vắc xin Quinvaxem và vắc xin viêm gan B. Còn 9 loại vắc xin khác hầu như không có tai biến nặng.

Vì vậy, người dân cũng không nên quá lo lắng về vấn đề tai biến, tác dụng của tiêm chủng đã được chứng minh là mang lại hiệu quả vô cùng to lớn.

Để yên tâm khi đưa con em đi tiêm chủng, nhiều người dù không có điều kiện kinh tế vẫn tìm tới các mũi tiêm dịch vụ, giá cao, bỏ qua tiêm chủng miễn phí. Về vấn đề này ông có suy nghĩ gì?

Nếu khẳng định tiêm vắc xin dịch vụ thì ít tai biến hơn vắc xin tiêm chủng mở rộng là chưa có cơ sở. Cho đến nay chưa có nghiên cứu, kết luận nào về vấn đề này.

Để có thể so sánh được vắc xin tiêm dịch vụ và tiêm chủng mở rộng, loại vắc xin nào gây ra ít tai biến hơn thì cần phải tiến hành điều tra trên phương pháp khoa học thật sự.

Dù là vắc xin tiêm dịch vụ hay mở rộng thì vẫn nằm trong sự kiểm soát của Bộ Y tế, không có sự khác biệt nào hết. Tiêm dịch vụ thì phải trả tiền, tiêm chủng mở rộng thì không phải trả tiền, còn chất lượng vắc xin, theo tôi không khác biệt.

Vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin toàn tế bào còn vắc xin của chương trình tiêm chủng dịch vụ là vắc xin vô bào. Về tính an toàn của vắc xin thì vắc xin vô bào an toàn hơn theo nghĩa ít phản ứng phụ tại chỗ (như đau, sưng, sốt) hơn chứ không phải an toàn hơn nghĩa là ít phản ứng nặng trầm trọng xảy ra hơn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có đánh giá rất rõ cho dù vắc xin vô bào hay toàn tế bào thì phản ứng nặng trầm trọng là như nhau.

Theo quy định của Bộ Y tế, trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế phải khám phân loại cho trẻ. Tuy nhiên trong thực tiễn, hầu hết các nhân viên tiêm chủng chỉ có trình độ y tá, không đủ khả năng khám phân loại trước khi tiêm chủng, điều này là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay?

Khám phân loại trẻ trước khi tiêm nhằm phát hiện ra những bất thường của trẻ là những việc cần tiến hành trước khi tiêm chủng.

Gần đây Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu tăng cường công tác tiêm chủng an toàn, bố trí buổi tiêm chủng tối đa 50 trẻ, giãn thêm số ngày tiêm để đảm bảo có điều kiện khám sáng lọc trẻ, phát hiện vấn đề về sức khỏe của trẻ trước khi tiêm; tăng cường cán bộ chuyên môn xuống tuyến xã ở những nơi trình độ cán bộ yếu, tăng cường cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị kịp thời cấp cứu cho trẻ khi xảy ra sự cố.

Vì sao sau rất nhiều những tai biến tiêm chủng thời gian qua nhưng việc xử lý dường như vẫn "dậm chân tại chỗ". Trách nhiệm ở đây thuộc về ai, thưa ông?

Điều 30 từ khoản 1 đến khoản 6 trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm nêu rất cụ thể trách nhiệm của từng người trong vấn đề liên quan đến tai biến tiêm chủng. Trong trường hợp tai biến xảy ra do vắc xin thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm, nếu do quy trình tiêm chủng hay do nhầm thuốc thì bản thân người thực hành tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm chính. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố- nơi để xảy ra sự cố cũng có trách nhiệm liên đới. Cao hơn nữa, ngay cả Bộ trưởng Bộ Y tế cũng phải chịu trách nhiệm.

Với những tai biến đáng tiếc thời gian qua, trong thời gian tới Bộ Y tế nên có động thái nào trong thanh kiểm tra cơ sở tiêm chủng và trấn an lo lắng của người dân?

Trong thời gian tới Bộ Y tế nên tiến hành thanh kiểm tra toàn diện công tác tiêm chủng. Cụ thể thanh kiểm tra toàn bộ các quy trình liên quan tới tiêm chủng an toàn; thanh kiểm tra về nhân sự, có đủ điều kiện không, có được cấp chứng chỉ không; thanh kiểm tra về cơ sở vật chất, kiểm tra vấn đề tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và cấp phát vắc xin ở các tuyến... Bên cạnh đó Bộ Y tế nên huy động toàn bộ hệ thống tham gia vào quá trình thanh tra.

Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế tăng cường công tác thanh kiểm tra trong các cơ sở bệnh viện hiện nay, tăng cường năng lực cán bộ y tế trong phát hiện điều tra, điều trị sớm các ca phản ứng sau tiêm và xác định nguyên nhân. Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược tăng cường việc xét soát hồ sơ, cấp phép đăng ký, tiến hành kiểm tra kết hợp với thanh tra Bộ Y tế và quản lý việc xuất nhập khẩu, tạm dừng thậm chí đình chỉ vắc xin nếu cần thiết.

Về lo lắng của nhiều bậc phụ huynh hiện nay tôi có thể khẳng định, chương trình tiêm chủng đã triển khai hơn 30 năm, cứu hàng triệu trẻ, có 60-70 triệu lượt trẻ được tiêm hàng trăm triệu mũi vắc xin khác nhau. Tỷ lệ tai biến mặc dù có nhưng không chiếm tỷ lệ lớn. Do vậy các bậc phụ huynh nên tiếp tục đưa trẻ đi tiêm, vì quyền lợi, trách nhiệm cũng như tương lai của trẻ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Hải Quan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang