Tài chính của Tân Thuận IPC ra sao dưới thời ông Tề Trí Dũng?

author 11:16 30/10/2018

(VietQ.vn) - Trong năm 2015 – 2017, IPC đã đàm phán, điều chỉnh xong hợp đồng liên doanh với dự án Phú Mỹ Hưng, qua đó, đã xác nhận tỷ lệ góp vốn của IPC tại Phú Mỹ Hưng là 30%.

Ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) vừa bị Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, tổ chức sở hữu 100% vốn tại IPC tạm đình chỉ công tác tại IPC do có liên quan đến các sai phạm tại IPC mà cơ quan chức năng đang điều tra.

Thanh tra TP. HCM đã có kết luận về một loạt sai phạm của IPC trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm việc gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng trong thương vụ IPC phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim) hồi cuối tháng 12/2017.

Được biết, cuối năm 2016, Nguyễn Kim đề xuất mua thêm cổ phần của Sadeco để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco. Thuyết minh báo cáo tài chính của IPC cho biết, tháng 10/2017, Sadeco hoàn tất phát hành 9 triệu cổ phiếu với giá phát hành 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông chiến lược theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 29/06/2017. Cổ đông chiến lược đã mua 9 triệu cổ phần nói trên là Nguyễn Kim.

Ông Tề Trí Dũng được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của IPC kể từ ngày 04/05/2015, sau khoảng hơn 1 tháng kể từ khi ông Phạm Xuân Bình bị miễn nhiệm. Ngoài ra, từ ngày 12/09/2016 đến ngày 27/02/2017, ông Tề Trí Dũng là thành viên Hội đồng thành viên phụ trách Hội đồng thành viên của IPC.

Tổng hợp báo cáo tài chính riêng có kiểm toán bởi Ernst & Young, báo cáo đánh giá kết quả kinh doanh gửi UBND TP. HCM cho thấy, doanh thu của công ty mẹ đến chủ yếu từ bán bất động sản, thu cung cấp dịch vụ và cho thuê bất động sản đầu tư; tăng trưởng lợi nhuận gộp cao đến từ bán bất động sản.

Dù vậy, thu từ hoạt động tài chính mà phần lớn là cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết, liên doanh và công ty con hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và bất động sản dân dụng mới là dòng thu chính (chiếm khoảng 90% lợi nhuận) của IPC.

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế công ty mẹ bình quân giai đoạn 2015 – 2017 lần lượt đạt 963,2 tỷ đồng/năm và 808,2 tỷ đồng/năm. Trong đó, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đóng góp vào lợi nhuận trước thuế của IPC từ 62% đến 79%.

Nguồn: Tổng hợp các báo cáo tài chính kiểm toán, báo cáo gửi UBND TP. HCM.

Giai đoạn 2014 – 2017, kết quả kinh doanh của IPC mẹ có sự đột biến so với năm 2013 do có lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.  Lợi nhuận năm 2014 tăng mạnh do ảnh hưởng của việc IPC hoàn nhập dự phòng phải trả dài hạn từ lợi nhuận được chia từ Phát triển Phú Mỹ Hưng đã trích trước đó là hơn 1.216 tỷ đồng.

Ngoài đóng góp chính đến từ Phát triển Phú Mỹ Hưng, năm 2017, các công ty liên doanh, liên kết mang về lợi nhuận được chia lớn như Công ty Sepzone – Linh Trung (Việt Nam) gần 83 tỷ đồng, Công ty TNHH Tân Thuận gần 31 tỷ đồng, Sadeco gần 30 tỷ đồng, Long Hậu (mã LHG) gần 20 tỷ đồng.

Về tổng tài sản, đến cuối năm 2017, tổng tài sản IPC mẹ đạt 5.637,4 tỷ đồng, giảm gần 266 tỷ đồng, tương ứng 4,5% so với năm 2016 chủ yếu do số dư tiền bị sụt giảm mạnh 690 tỷ đồng, từ mức  1.763,4 tỷ đồng xuống còn 1.073 tỷ đồng.

Năm 2015 - 2017, tiền chiếm hơn 20% tổng tài sản ở IPC nhờ dòng tiền lớn chuyển về từ liên doanh với Phú Mỹ Hưng. Nguồn: Báo cáo kiểm toán.

Ở phía nguồn vốn, lợi nhuận chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và vốn góp của chủ sở hữu chiếm chủ yếu; phần còn lại khoản phải trả thấp, trong đó chỉ có vay ngắn hạn đến cuối năm 2017 là 100 tỷ đồng.

IPC đánh giá, trong 3 năm 2015 – 2017 tình hình tài chính công ty mẹ và đa số các doanh nghiệp trong hệ thống an toàn, ổn định. Đã đàm phán, điều chỉnh xong hợp đồng liên doanh đối với dự án Phú Mỹ Hưng, qua đó, đã xác nhận tỷ lệ góp vốn của IPC tại Phú Mỹ Hưng là 30%.

Theo Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang