Tai nạn đường sắt: Phần lớn do lỗi của người tham gia giao thông đường bộ

author 14:28 06/07/2018

(VietQ.vn) - 6 tháng đầu năm 2018 vừa qua, ngành đường sắt để xảy ra 143 vụ tai nạn. Nguyên nhân chủ yếu do người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ vi phạm các quy định khi đi qua giao cắt giữa đường sắt và đường bộ.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018.

Theo báo cáo của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, 6 tháng đầu năm 2018 vừa qua, ngành đường sắt để xảy ra 143 vụ tai nạn, giảm 27 vụ (-15,9%) so với cùng kỳ năm 2017. Làm chết 67 người, giảm 8 người (-10,7%) và làm bị thương 104 người, giảm 17 người (-14%) so với cùng kỳ.

Vị trí xảy ra các vụ tai nạn do khách quan chiếm 138/143 vụ. Trong đó tại: đường ngang các loại 14 vụ (chiếm 10,1%), tại lối đi tự mở 77 vụ (chiếm 55,8%), tại dọc trên đường sắt 47 vụ (chiếm 34,1%).

6 tháng đầu năm 2018 vừa qua, ngành đường sắt để xảy ra 143 vụ tai nạn

Phân tích nguyên nhân, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN cho biết: “Về nguyên nhân chủ quan của 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt vừa qua, Tổng Công ty cũng thẳng thắn nhìn nhận ý thức tự giác chấp hành và thực hiện các quy định, quy trình tác nghiệp chưa tốt, còn tình trạng tùy tiện, cắt xén quy trình, quy tắc của một bộ phận người lao động”.

Bên cạnh đó, công tác quản trị về lĩnh vực an toàn giao thông đường sắt tại một số đơn vị thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ và chính quy. Chất lượng nhân lực lao động (cả về nghiệp vụ và ý thức nghề nghiệp) ở các đơn vị còn hạn chế, do chất lượng đào tạo, tuyển dụng, sự chuyển dịch.

Còn đối với những vụ tai nạn do nguyên nhân khách quan, ông Hoạch cho biết, nguyên nhân chủ yếu do người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ vi phạm các quy định của pháp luật khi đi qua giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Có hiện tượng người dân cố tình vượt qua đường sắt mà không chú ý quan sát, hoặc cố tình phóng nhanh, vượt ẩu qua đường sắt khi tàu đến gần dẫn đến bị tàu đâm va, cán, gạt…

Vị trí xảy ra tai nạn chủ yếu trên lối đi tự mở và dọc trên hành lang đường sắt chiếm đến 90% số vụ. Các hành vi gây ra tai nạn chủ yếu là: do người đi bộ, nằm, ngồi trên đường sắt (67 vụ); đi xe máy, xe đạp (57 vụ); điều khiển ô tô qua đường sắt (16 vụ). Tuyến đường sắt thường xảy ra tai nạn gồm: HN-TPHCM, Hà Nội –Hải Phòng.

Lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN thừa nhận: mặc dù các chỉ số đánh giá về an toàn giao thông đường sắt cho thấy có tiến bộ, giảm sâu trên cả 3 tiêu chí, tuy nhiên, an toàn giao thông đường sắt vẫn chưa vững chắc, các vụ tai nạn do chủ quan không giảm sâu. Tai nạn do khách quan dù có giảm, nhưng thiệt hại về người và tài sản vẫn ở mức cao. Tai nạn giao thông đường sắt và sự cố uy hiếp đến an toàn do lỗi chủ quan vẫn xảy ra, đặc biệt là trong thời gian từ 24-26/5 vừa qua đã xảy ra 3 vụ tai nạn liên tiếp (2 vụ đặc biệt nghiêm trọng, 1 vụ ít nghiêm trọng) gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản; tạo dư luận xã hội không tốt về ngành đường sắt.

Trung tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cũng nhìn nhận, đại đa số các vụ tai nạn đường sắt thời gian vừa qua là lỗi do người tham gia giao thông đường bộ.

“Mặc dù chúng ta nói nhiều đến hạ tầng đường sắt lạc hậu, cũ kĩ nhưng các vụ tai nạn nghiêm trọng của ngành đường sắt vừa qua lại do ý thức của người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành, không quan sát khi đi qua khu vực có giao cắt đường bộ-đường sắt”, Trung tướng Trần Sơn Hà cho biết.

Liên quan đến việc kéo giảm tai nạn giao thông ngành đường sắt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với 4.000 lối đi tự mở gây mất an toàn giao thông đường bộ-đường sắt gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua, Bộ GTVT đã xin ý kiến Chính phủ chỉ đạo các địa phương bỏ một phần kinh phí ra để tạo gờ giảm tốc, riêng với các đường quốc lộ thì nguồn kinh phí xây gờ giảm tốc sẽ lấy từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Đặc biệt, đối với việc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu sau khi xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Vừa qua Tổng Công ty ĐSVN có gửi báo cáo kiểm điểm về cho Bộ nhưng Bộ chưa đồng ý với báo cáo này. Yêu cầu Tổng Công ty ĐSVN thực hiện kiểm điểm lại để có biện pháp xử lý nghiêm”.

Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang